VnReview
Hà Nội

Người tìm ra "hạt của Chúa" đoạt giải Nobel Vật lý 2013

Như đã đề cập trên VnReview, hai nhà vật lý Francois Englert;người Bỉ và Peter Higgs người Anh vừa giành được giải thưởng Nobel Vật lý 2013 nhờ đưa ra giả thuyết về cách các hạt hạ nguyên tử đạt được khối lượng.

Bài liên quan:

Giải Nobel Hóa học 2013 trao cho công trình các phản ứng thực hiện trên PC

Nobel Y sinh 2013 vinh danh khám phá về tế bào

 

Người tìm ra "hạt của Chúa" đoạt giải Nobel Vật lý 2013

Theo thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, giả thuyết trên của hai nhà khoa học vừa được kiểm chứng vào năm ngoái, sau khi các nhà khoa học của CERN  (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu) xác định được sự tồn tại của hạt Higgs – hay Higgs boson, tại phòng thí nghiệm ở Geneva.

Quyết định này, vốn được nhiều người dự báo từ trước, đã được đưa ra muộn hơn một giờ so với dự tính, một điều hiếm khi xảy ra. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chưa đưa ra ngay được một lý do cụ thể nào, mà chỉ đăng trên Twitter rằng "vẫn đang xem xét" tại thời điểm dự kiến công bố giải thưởng.

 "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi nhận được giải thưởng này và xin gửi lời cám ơn tới Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển"– nhà vật lý Peter Higgs nói trong một bài phát biểu được công bố bởi Đại học Edinburgh.

"Tôi hy vọng sự ghi nhận về khoa học cơ bản sẽ giúp nâng cao nhận thức về giá trị của những nghiên cứu tưởng như xa vời".

Năm 1964, Englert và Higgs đã đặt ra giả thuyết về sự tồn tại của một loại hạt có thể đưa ra lời giải cho câu đố: Tại sao vật chất lại có khối lượng. Họ tin rằng hạt nhỏ bé này hoạt động như một chất kết dính – giúp cho các loại hạt cơ bản khác gắn kết với nhau, di chuyển chậm lại và hình thành nguyên tử.

Nhưng hàng thập kỷ đã trôi qua cho tới khi các nhà khoa học của CERN, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu ở Geneva, có thể xác nhận được tính đúng đắn của giá thuyết trên. Phòng thí nghiệm đã công bố thông tin này vào tháng Bảy năm ngoái.

Người tìm ra "hạt của Chúa" đoạt giải Nobel Vật lý 2013

Công việc đi tìm hạt cơ bản – thường được gọi là "hạt của Chúa" – đòi hỏi một đội ngũ hàng ngàn nhà khoa học và hàng núi dữ liệu thu được từ hàng nghìn tỷ vụ va chạm proton trong cỗ máy nghiền nguyên tử lớn nhất thế giới – máy gia tốc hạt LHC (Large Hadron Collider) của CERN – cỗ máy tạo ra năng lượng tương tự như một hoặc hai phần nghìn giây sau vụ nổ Big Bang.

Chiếc máy gia tốc đã tiêu tốn 10 tỷ USD để xây dựng và chạy dài trên 27km đường ống nằm dưới biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Chỉ có một trên một nghìn tỷ vụ va chạm trong máy gia tốc tạo ra được một hạt Higgs, và nó đã khiến CERN mất một thời gian để quyết định rằng loại hạt mà họ tìm thấy, thực tế, rất giống với những miêu tả ban đầu về hạt Higgs, chứ không phải một biến thể của nó.

Anh Minh

Theo Science/Time

Chủ đề khác