VnReview
Hà Nội

Hành vi đồng tính kì lạ của loài bọ

"Côn trùng đồng tính" là một vấn đề đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong nhiều năm liền, vì khác với các loài động vật khác, hành vi đồng giới trên côn trùng khác hẳn với các loài động vật khác. Vậy, câu trả lời dành cho vấn đề bí ẩn này là gì?

côn trùng đồng giới

Bọ bột đỏ, một trong các loài côn trùng có hành vi đồng giới

Hành vi đồng giới kỳ lạ của loài côn trùng

Có rất nhiều loài động vật thể hiện hành vi đồng giới: Từ các hành vi "hẹn hò", "giao thiệp xã hội" cho tới… cưỡi lên nhau và trao đổi tinh trùng. Với một số loài, hành vi này thể hiện rằng những động vật tham gia đã kết đôi về mặt tinh thần. Ví dụ, ở Đan Mạch, có 2 chú chim cánh cụt đã kết đôi với nhau và thậm chí còn cùng nuôi một quả trứng bị bỏ rơi.

Nhưng hành vi đồng giới của côn trùng thì khác hẳn. Những chú côn trùng đồng giới thường "quan hệ" với nhau rất nhanh theo kiểu "một lần là hết". Chúng gần như không dành một chút thời gian nào để kết đôi về mặt tinh thần, ngoại trừ để bảo vệ khỏi những chú côn trùng khác muốn ve vãn bạn tình của mình. Vậy trên loài côn trùng, tình dục đồng giới có phải là có chủ ý hay không? Hay đó chỉ là các hành động sai lầm, không cố ý của các chú côn trùng?

Một nghiên cứu mới trên tạp chí Sinh/Xã hội học và Khoa học Hành vi Hệ sinh thái đã cố tìm đi câu trả lời cho những câu hỏi rất thú vị này. Các tác giả đã quyết định phân tích lại các nghiên cứu trước đó về hành vi đồng giới trên các loài côn trùng và nhện. Họ cố tìm ra lý do vì sao côn trùng lại có hành vi đồng giới: Lợi ích là gì, tác hại là gì, vì sao những cuộc tình đồng giới chớp nhoáng giữa những con bọ đực lại xảy ra?

Nguyên nhân

Theo các tác giả, lý do có thể là do bối cảnh. Trong nhiều trường hợp, hành vi đồng giới diễn ra khi các loài côn trùng bị cách ly giữa đực và cái. Bởi lý do này, hành vi đồng giới trên côn trùng thường xảy ra trong phòng thí nghiệm hơn là trong môi trường tự nhiên. Nhưng, ngay cả trong môi trường tự nhiên, hành vi đồng giới cũng xảy ra khá nhiều và được ghi nhận bởi khoa học.

Một vài nhà khoa học cũng đặt ra giả thuyết rằng, bằng cách quan hệ với một chú côn trùng đực "bị động" và "chuyển giao" tinh trùng, lượng tinh trùng này sẽ được chuyển sang nữ khi chú côn trùng đực "bị động" kia quan hệ với côn trùng cái. Nghe có vẻ rất khôn ngoan, và biện pháp này có đạt được kết quả song lại không hữu hiệu: Chỉ không đầy 0,5% côn trùng con sinh ra có nguồn gốc là quá trình trao đổi tinh trùng dạng này.

Lý do cũng có thể là các loài côn trùng đực muốn loại bỏ tinh trùng cũ. Hoặc giảm thiểu nguy cơ bị tấn công bởi chim chóc và các loài ăn thịt khác (nguyên tắc sức mạnh của số đông). Cũng có thể, hành vi đồng giới sẽ làm giảm sự cạnh tranh: Bằng cách "cưỡng hiếp", các con côn trùng đực "hung hãn" hơn có thể gây tổn hại hoặc ngăn ngừa hành vi quan hệ của các con côn trùng đực "bị động".

Hoặc rất có thể, hành vi đồng giới là do… sự nhầm lẫn của loài bọ.

Sự nhầm lẫn của loài bọ

Các nhà khoa học đang đặc biệt nghiêng về giả thuyết này. Một nghiên cứu đạt giải IgNobel (Giải Nobel cho các công trình nghiên cứu ngớ ngẩn, buồn cười) đã chứng minh rằng loài bọ ngọc Nam Úc không thể phân biệt được bọ cái và… chai bia của con người.

Điều đó có nghĩa rằng khả năng phân biệt giữa các vật thể của côn trùng đực là cực kém. Cái giá của việc "kết đôi" nhầm cũng thấp hơn rất nhiều so với việc không quan hệ một chút nào hết.

Theo giả thuyết của các nhà khoa học, sự nhầm lẫn của côn trùng đực diễn ra rất nhiều. Vậy, tại sao loài côn trùng lại bị nhầm lẫn. Thứ nhất, nhiều loài côn trùng phân biệt đực/cái bằng kích cỡ. Do đó các con côn trùng đực quá lớn hoặc quá nhỏ sẽ bị "tán tỉnh" nhầm bởi các con côn trùng đực khác. Thứ hai, ngay cả các loài côn trùng phân biệt đực/cái bằng kích thích tố (pheromone) cũng sẽ bị nhầm lẫn. Sau khi quan hệ đực/cái, một con côn trùng đực sẽ có mùi giống hệt côn trùng cái. Một vài con côn trùng đực còn ít tuổi cũng sẽ sản sinh ra kích thích tố của… nữ. Thậm chí, khi có quá nhiều côn trùng cái, pheromone nữ có thể bao trùm cả bầu không khí. Lúc đó, tất cả côn trùng đều là cái.

Vẫn còn nhiều bí ẩn...

Trong nhiều trường hợp, con đực bị tán tỉnh sẽ tìm cách chống cự lại. Trong một số trường hợp, chúng phát ra kích thích tố để báo hiệu lại rằng con đực còn lại đã bị nhầm. Trong các trường hợp khác, điều duy nhất chúng làm là bỏ chạy. Tuy vậy, chưa ai nghiên cứu được tỉ lệ giữa các hành vi này là bao nhiêu.

Trong khi nghiên cứu của tạp chí Behavioral Ecology and Sociobiology (Sinh/Xã hội học và Khoa học Hành vi Hệ sinh thái);là hết sức thú vị, sự thật là có rất ích giả thuyết trong bài đã được kiểm nghiệm thực tế. Phần lớn các loài côn trùng đồng giới trong bài mới chỉ được nghiên cứu một, hai lần. Đa số các nghiên cứu này cũng không tập trung vào nghiên cứu tình dục đồng giới của loài bọ, mà chỉ là các quan sát vô tình thu được. Do đó, sẽ còn rất lâu chúng ta mới hiểu được lý do vì sao côn trùng lại quan hệ đồng giới với nhau.

Lê Hoàng

Theo Science News

Chủ đề khác