VnReview
Hà Nội

Siêu bão Haiyan hình thành như thế nào?

Cơn bão Haiyan được cho là một trong những cơn bão lớn nhất hành tinh sắp đổ bộ miền Trung Việt Nam. Nó đã được hình thành như thế nào và quy mô ra sao?

Theo từ điển trực tuyến Wikipedia, Haiyan có nguồn gốc là một khu vực áp suất thấp phía đông-đông nam của đảo Pohnpei hôm 02/11/2013. Hướng di chuyển của luồng áp suất này nói chung là về phía tây và sự xáo trộn liên tục phát triển trong một môi trường gió đứt tầng thấp cùng với nhiệt độ bề mặt biển ấm, sớm hôm sau (ngày 3/11), nó đã phát triển thành một áp thấp nhiệt đới.

Sau khi trở thành cơn bão nhiệt đới và được đặt tên là Haiyan (tiếng Việt là Hải Yến/ Hải Âu) lúc 0 giờ UTC (khung giờ quốc tế) hôm 4/11, nó đã bắt đầu một giai đoạn bùng nổ vào lúc 18 giờ UTC hôm 5/11.

Với vùng tâm bão mở rộng và u ám dày đặc, tâm bão có thể nhìn thấy rõ ràng từ vệ tinh, Trung tâm cảnh báo bão chung (JTWC) - cơ quan phối hợp giữa Hải quân và Không lực Hoa Kỳ phát đi các cảnh báo bão nhiệt đới cho khu vực Tây Thái Bình Dương và các khu vực khác - đã nâng cấp Haiyan lên mức siêu bão - một cơn bão có sức gió bằng hoặc vượt 240 km/giờ vào sớm ngày 6/11. Sau đó, JTWC đã tiếp tục nâng cấp Haiyan lên Cấp 5 – cấp dự báo bão cao nhất có sức gió từ 220 – 254 km/ giờ (theo thang Beaufort)

Siêu bão Haiyan tiếp tục mạnh lên. Vào lúc 12 giờ UTC ngày 7/11, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã nâng sức gió đo được trong 10 phút lên tới 235 km/ giờ - sức gió bão mạnh nhất.

Đến 18 giờ UTC ngày 7/11, JTWC nâng sức gió của Haiyan đo được trong 1 phút lên 315 km/ giờ; giật lên đến 380 km/ giờ; không chính thức xác nhận Haiyan là cơn bão nhiệt đới lớn thứ tư trên hành tinh quan sát được.

Từ một cơn áp thấp, Haiyan đã nhanh chóng phát triển thành siêu bão và đến ngày 6/11, mắt bão được ghi nhận rộng đến 11 km. Và đến ngày 7/11, ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy mắt bão Haiyan đã phát triển rộng đến 15 km, được bao quanh bởi một vòng hoàn lưu sâu. Sau đó, mắt bão này đã quét qua đảo Kayangel thuộc quốc đảo Palau phía Tây Thái Bình Dương.

Sau đó, Haiyan đã tràn vào Philippines sáng ngày 08/11/2013 với sức gió từ 215 km đến 275 km/giờ và gây ra những ngọn sóng cao từ 5 đến 6 mét.

Theo AFP, sau khi quét ngang đảo Samar, cách thủ đô Manila 600 km về hướng Đông nam, bão Haiyan tràn đến thành phố duyên hải Guiuan cắt đứt mọi liên lạc với phần còn lại của quần đảo. Theo Hội Chữ thập đỏ Philippines, nhiều nhân chứng cho biết có nhiều nhà cửa bị gió thổi bay, nhiều cây to bị trốc gốc.

Sau khi tàn phá các tỉnh đông nam Philippines, siêu bão Haiyan tiến vào biển Đông và chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung Việt Nam. Dự báo hướng đi của bão Haiyan là sẽ quét dọc các tỉnh miền Trung vào đêm ngày 9 – 10/11 trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Cảnh báo của JTWC đã hạ cấp siêu bão Haiyan khi đổ bộ vào biển Đông xuống còn Cấp 4.

Hải quân Mỹ dự báo bão Haiyan

Dự báo mới nhất của Hải quân Mỹ về bão Haiyan.

Cụ thể, theo cảnh báo mới nhất của JTWC, vào lúc 1 giờ chiều giờ Việt Nam ngày 9/11, vị trí tâm bão Haiyan ở 13,7 độ Vĩ Bắc, 113,6 độ Kinh Đông (ngoài khơi Bình Định cho đến Quảng Trị) với sức gió lên đến 240 km/ giờ; giật 296 km/ giờ.

Đến 1 giờ sáng giờ Việt Nam ngày 10/11, vị trí tâm bão khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc, 110 độ Kinh Đông (dự báo ngoài khơi Đà Nẵng), sức gió khoảng 203 km/ giờ, sức giật 250 km/ giờ.

Đến 1 giờ chiều giờ Việt Nam ngày 10/11, vị trí tâm bão khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 106,9 độ Kinh Đông (khu vực các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), sức gió giảm còn 157,42 km/ giờ, sức giật 194,4 km/ giờ.

Dự báo của TT Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Dự báo của TT Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Còn theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 09/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 163 km một giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 07 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Đến 07 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Hải Ninh

Chủ đề khác