VnReview
Hà Nội

Trung tâm báo bão Hải quân Mỹ - nguồn dự báo đáng tin cậy nhất hiện nay

Nhiều bản tin dự báo thời tiết gần đây của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) có nhắc đến nguồn tham khảo là Hải quân Mỹ. Đợt siêu bão Haiyan vừa qua, Trung tâm báo bão của Hải quân Mỹ đã ra cảnh báo siêu bão đi chệch hướng, ra xa ngoài khơi miền Trung Việt Nam trước VTV đến vài tiếng.

Cụ thể, theo quan sát của chúng tôi, trong cảnh báo phát đi lúc 9 giờ UTC (15 giờ theo giờ Việt Nam) ngày 9/11, Trung tâm cảnh báo bão chung (Joint Typhoon Warning Center – JTWC) của Mỹ đã dự báo tâm siêu bão Haiyan sẽ di chuyển chệch hướng, ngoài khơi dọc bờ biển miền Trung lên phía Bắc thay vì đổ bộ trực tiếp vào miền Trung như cảnh báo trước đó trong cùng ngày.

Dự báo bão Haiyan của Hải quân Mỹ

Ngay từ chiều 9/11, dự báo bão Haiyan của Hải quân Mỹ cho thấy siêu bão không đi trực tiếp vào miền Trung

Tuy nhiên, đến chương trình thời sự 19 giờ của VTV, khi được phóng viên phỏng vấn, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra thông báo mới nhất: Siêu bão đã đi chệch hướng. Lưu ý là trước đó, ngay phần đầu bản tin thời sự 19 giờ còn phát hình ảnh hướng bão đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định...

Một điểm đáng lưu ý là trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy lượng độc giả quan tâm đến Trung tâm dự báo của Hải quân Mỹ khá lớn, thông qua từ khóa tìm đến website VnReview.

Có thể nói, Trung tâm cảnh báo bão chung của Hải quân Mỹ là một nguồn dự báo bão đáng để tham khảo. Nhưng chúng ta đã biết được gì về trung tâm này ngoài những cảnh báo họ đưa ra thường xuyên?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm cảnh báo bão chung JTWC được đặt tại Căn cứ Hải quân Trân Châu Cảng, Hawaii. Nó là một cơ quan của Bộ Quốc phòng Mỹ - chính xác là một bộ phận phối hợp giữa Hải quân Mỹ và Không lực Mỹ - chịu trách nhiệm phát đi các cảnh báo bão nhiệt đới cho khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

JTWC thành lập năm 1959, ban đầu là sự hợp nhất một số trung tâm dự báo thời tiết nhỏ chuyên về khu vực Thái Dình Dương sau sự cố dự báo sai về cơn bão Cobra năm 1944.

Khi đó, mặc dù đã cảnh báo về những dấu hiệu xấu đi, nhưng các tàu của hạm đội hải quân Mỹ vẫn đậu tại vị trí cũ. Tệ hơn, thông tin cung cấp cho Đô đốc William 'Bull' Halsey về vị trí và hướng của cơn bão là sai.

Hôm 17/12/1944, Đô đốc Halsey đã vô tình đưa Hạm đội số 3 vào ngay trung tâm của cơn bão. Do sức gió mạnh nhất lên tới 160 km/giờ, sóng biển cao và mưa như trút, ba tàu khu trục bị lật úp và chìm khiến 790 người bị thiệt mạng, 80 người bị thương. 9 tàu chiến khác bị hư hại và hơn 100 máy bay bị gãy vụn hoặc bão quét trôi dạt; tàu sân bay Monterey buộc phải chiến đấu với giặc lửa do một máy bay đâm vào một vách ngăn gây ra.

Kể từ đó, bão nhiệt đới Cobra là một trong những thảm họa hải quân tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Và JTWC được thành lập với nhiệm vụ đảm bảo rằng các lực lượng quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ không bao giờ được phép trải qua một thảm họa tương tự như với bão Cobra.

JTWC là một cơ quan có sự tham gia của Hải quân, Không quân và các nhà phân tích, nhà khí tượng học dân sự, cung cấp các cảnh báo bão cho quân đội và cơ quan khác của chính phủ Mỹ như Bộ Ngoại giao (các đại sứ quán và lãnh sự quán), Bộ Thương Mại (Sở Thời tiết quốc gia).

Các sản phẩm của JTWC được sử dụng bởi các đơn vị ra quyết định về sự di chuyển của tàu, máy bay, hoạch định kế hoạch và các cơ quan chính phủ Mỹ trong hợp tác quốc tế. Chẳng hạn, Sở Thời tiết quốc gia Mỹ hợp tác chặt chẽ với JTWC, tận dụng các cảnh báo bão của Trung tâm để cung cấp dự báo thời tiết quy mô địa phương cho rất nhiều thực thể chính trị trong vùng địa lý Tiểu vùng Châu Đại Dương (còn gọi là Micronesia).

Mặc dù không phải là thành viên chính thức hoặc tham gia vào Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO), JTWC vẫn có những mối quan hệ hợp tác với các trung tâm dự báo bão nhiệt đới của WMO để giảm thiểu việc phát đi thông tin xung đột về cảnh báo bão.

Hỗ trợ cảnh báo bão nhiệt đới của JTWC được tiến hành 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm. Các giám sát, phân tích và dự báo về nguồn gốc, sự phát triển và hướng di chuyển bão trải rộng khắp hơn 110 triệu dặm vuông Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từ bờ Tây Mỹ đến bờ Đông châu Phi. Khu vực này chiếm khoảng hơn 90% tổng số bão nhiệt đới hoạt động.

JTWC chính thức có 26 nhân viên; sử dụng rất nhiều nguồn dữ liệu và nguồn lực máy tính để thực hiện nhiệm vụ được giao. Các nguồn lực này bao gồm vô số hệ thống vệ tinh khí tượng và cảm biến, dữ liệu radar, các mô hình khí quyển số...

Theo bài đăng trên website Bộ Quốc phòng Mỹ, trung tá Hải quân Jeremy Callahan, phó giám đốc JTWC trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm cho biết nhân viên trung tâm bận rộn suốt cả năm vì khu vực dự báo của họ gồm cả Bắc và Nam bán cầu.

"Sản phẩm chính của chúng tôi là theo dõi bão, sức gió và cường độ của bão. Những dự báo này rất phực tạp cho nên chúng tôi sử dụng các mô hình số liệu rất lớn chạy trên các siêu máy tính. Chúng tôi thực sự có một bộ lớn model máy tính này. Một số chạy ở Trung tâm cảnh báo bão chung, nhưng hầu hết là ở các nơi khác. Chẳng hạn, Hải quân có một số model đang chạy ở Trung tâm Hải dương học và Khí tượng Hạm đội. Trung tâm máy tính của Cục dự báo môi trường chạy một số model này. Cơ quan dự báo thời tiết của Không lực Mỹ chạy một model cho chúng tôi", ông Callahan nói.

Ông bổ sung thêm rằng JTWC cũng sử dụng một số model máy tính do Nhật Bản, Úc, Anh và Trung tâm dự báo thời tiết châu Âu vận hành.

Về thăm dò bão nhiệt đới, ông Callahan nói JTWC quan sát các cơn bão qua một bộ các công nghệ cảm biến từ xa thiết lập trên các vệ tinh địa tĩnh và vệ tinh quỹ đạo cùng với hình ảnh radar bề mặt, quan sát trên bờ và trên tàu.

"Công cụ số một chúng tôi sử dụng được gọi là scatterometer - một radar đặc biệt để đo tốc độ gió. Nó có thể cho chúng tôi thông tin hướng và tốc độ gió ở bề mặt đại dương", ông Callahan nói.

Ngoài các vệ tinh thời tiết truyền thống thường được sử dụng để theo dõi hướng di chuyển của bão, ông Callahan còn mô tả việc sử dụng các thiết bị cảm biến đặt trên không gian như cảm biến chụp hình ảnh, âm thanh, hồng ngoại, hơi nước và radar đo độ cao. Tất cả những công cụ như vậy được kết hợp để phân tích ra thông tin về hình dạng, cấu trúc, quy mô, cường độ và sự di chuyển của bão.

Hiện nay, Trung tâm cảnh báo bão này đã có website cung cấp các cảnh báo bão nhiệt đới thường xuyên, cả dạng biểu đồ, văn bản, hình ảnh vệ tinh và các bản tin dự báo thời tiết.

Tuy nhiên, ông Callahan thận trọng lưu ý các dịch vụ của JTWC chủ yếu dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ và trong khi tham khảo các sản phẩm này có thể có ích nhưng những người tham khảo nên tham vấn cơ quan khí tượng bản địa về các sản phẩm thích hợp với địa phương mình.

Hải Ninh

Chủ đề khác