VnReview
Hà Nội

Liên Xô, Mỹ từng điều khiển thời tiết làm vũ khí

Vào những năm cuối thập niên 1950, con người phát minh ra môn khoa học điều khiển thời tiết. Nhưng, một khi chúng ta học được cách điều khiển những thế lực tự nhiên này, chỉ còn một câu hỏi ở lại: "đây là cây đũa thần hay vũ khí giết người?".

chiến tranh lạnh Mỹ Liên Xô con người tạo và sử dụng thời tiết làm vũ khí

Ngày 3/11/1946, các nhà nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm của hãng General Electrics (Mỹ) tạo ra cơn bão tuyết nhân tạo đầu tiên trong lịch sử. Từ thời điểm đó, con người đã liên tục đau đầu vì câu hỏi: nên làm gì với những hiểu biết khoa học trong lĩnh vực điều khiển thời tiết?.

Có rất nhiều hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra nếu chúng ta "nghịch" thời tiết, và siêu bão Haiyan là minh chứng quá rõ ràng về những thay đổi khí hậu do con người gây ra.

Một đoạn truyện tranh có tên "Closer than We Think" (Gần hơn Chúng ta nghĩ) được đăng tải vào ngày 22/6/1958 có đoạn:

"Trong những năm tới, sẽ có các phương tiện vệ tinh để dự báo – cũng như để điều khiển – thời tiết. Các tác động của khí và độ ẩm có thể được tính toán chính xác từ trên cao. Các vết đen mặt trời, tia mặt trời cùng các tác động vũ trụ khác có thể được theo dõi dễ dàng và nghiên cứu. Các thiết bị đo nhạy và phân tích sẽ giúp các dự báo từ xa trở nên chính xác… Sớm hay muộn, các tấm gương mặt trời có đường kính năm dặm hoặc hơn có thể phản chiếu ánh nắng mặt trời xuống càng vùng cụ thể để tăng tốc độ nước bốc hơi và giảm tình trạng băng giá hại mùa màng".

Điều mà tác giả Radebaugh không hề biết tới là vào thời kì Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều đã cân nhắc tới khả năng sử dụng thời tiết làm vũ khí.

Tháng 8/1953, Mỹ thành lập Ủy ban Tư vấn Tổng thống về vấn đề Điều khiển Thời tiết. Mục đích được công bố chính thức của Ủy ban này là tìm hiểu mức độ tác động của các chu trình thay đổi thời tiết, và xem chính phủ có nên tham gia vào các hoạt động này hay không.

Các nhà khoa học của cả Mỹ và Liên Xô đã đưa ra nhiều ý tưởng, và thậm chí còn thảo luận ý tưởng này vào giữa thập niên 1950, ví dụ như sử dụng các tấm màu đặt lên băng ở 2 cực trái đất nhằm làm chúng tan chảy và gây ra các cơn lũ khủng khiếp; phóng một lượng bụi lớn vào bầu khí quyển để tạo mưa nhân tạo, và thậm chí là xây một chiếc đập có chứa hàng ngàn máy bơm sử dụng năng lượng nguyên tử.

Chiếc đập này, được một kỹ sư người Nga nghĩ ra, có thể chuyển dòng nước từ Thái Bình Dương và làm tăng nhiệt độ tại cả New York và London. Người kĩ sư này tuyên bố muốn "giúp bắc bán cầu thoát khỏi cái lạnh khủng khiếp", song các nhà khoa học tại Mỹ lo ngại rằng đây là biện pháp gây lũ lụt tấn công phương Tây.

Đã có thời, con người tạo và sử dụng thời tiết làm vũ khí

Tháng 11/1950, tờ Charleston Daily Mail của Mỹ đăng tải một bài báo trích lời Tiến sĩ Irving Langmuir, người tiên phong trong lĩnh vực tạo mưa:

"Tạo mưa" hay điều khiển thời tiết có thể là một vũ khí nguy hiểm như bom nguyên tử.

Theo tiến sĩ này, chính phủ nên đứng ra kiểm soát hiện tượng điều khiển thời tiết, giống như khi Einstein thông báo với tổng thống Roosevelt về sức mạnh tiềm tàng của vũ khí hạt nhân.

"Nói về năng lượng được giải phóng thì 30 miligram của i-ốt bạc (dùng để tạo mây) dưới điều kiện tối ưu có sức mạnh ngang bom nguyên tử", tiến sĩ Langmuir khẳng định. Năm 1953, Đại úy Howard T. Orville là chủ tịch của Ủy ban Điều khiển Thời tiết. Một câu nói của ông đã được đăng tải rộng rãi trên báo chí nước này, về việc nước Mỹ có thể sử dụng khả năng điều khiển bầu trời theo chiều hướng có lợi.

Đến ngày 28/5/1954, tạp chí Collier đăng tải cho thấy một người đàn ông thay… mùa bằng một hệ thống nút bấm và cần gạt. Câu chuyện sau đây được chính Đại úy Orville viết:

"Một trạm theo dõi thời tiết ở Texas phát hiện một đám mây đáng lo ngại đang tiến về Waco, hình dáng đám mây cho thấy có vẻ một cơn lốc xoáy đang bắt đầu… Lệnh làm tan mây được cấp tới máy bay. Chỉ trong vòng 1 giờ, máy bay báo lại: Nhiệm vụ thành công. Cơn bão bị phá tan, không ai thiệt mạng, không có tài sản bị hư hại."

Bây giờ bạn có thể nghĩ đây chỉ là một câu chuyện tưởng tượng, song vào thời điểm đó, khi chúng ta bắt đầu quen với vũ khí nguyên tử và máy bay siêu âm, mọi thứ là có thể.

Thực tế là, nếu quá trình nghiên cứu lĩnh vực điều khiển thời tiết được công chúng ủng hộ và gây được vốn, chúng ta hoàn toàn có thể điều khiển thời tiết. Một bài báo của hãng tin Mỹ AP vào ngày 6/7/1954 đã vẽ ra viễn cảnh như sau: "Việc tạo ra những cơn mưa xối xả trên Nga là hoàn toàn có thể, bằng cách tạo mây bay về Liên bang Xô Viết".

Dĩ nhiên, nếu điều đó là có thể, con người cũng có thể tạo ra những đợt hạn hán khủng khiếp bằng cách tạo ra vô số những đám mây như vậy.

Đã có thời, con người tạo và sử dụng thời tiết làm vũ khí

May mắn cho Mỹ, Liên Xô đã không thể làm gì để chống trả, vì thời tiết di chuyển từ phía tây sang phía đông. Tiến sĩ Edward Teller, cha đẻ của bom H, điều trần trước Ủy ban Quân đội Thượng viện Mỹ rằng ông "hi vọng nhiều về việc lên mặt trăng hơn là thay đổi thời tiết, nhưng thay đổi thời tiết là hoàn toàn có thể. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Liên Xô làm được điều đó trong 5 năm nữa hoặc không thể làm được trong vòng 50 năm tới".

Ngày 1/1/1958, Đại úy Orville cho đăng tải một bài báo rằng "nếu một quốc gia thù địch có thể giải quyết vấn đề điều khiển thời tiết và nắm vị trí điều khiển các xu hướng thời tiết diện rộng trước chúng ta, kết quả sẽ kinh hoàng hơn nhiều so với chiến tranh hạt nhân".

Tờ American Weekly đã cho đăng tải một bài báo với nội dung tương tự, sử dụng thông tin từ Đại úy Orville rằng các cường quốc đang chạy đua để xem ai sẽ điều khiển nhiệt kế của thế giới:

"Khi các chính trị gia đang tranh cãi về chính sách và các kỹ sư đang xây dựng tàu vũ trụ, những người khác làm việc đêm ngày. Họ rất trầm lặng, công chúng không biết tầm quan trọng của công việc của họ. Mục đích của họ là điều khiển thời tiết và thay đổi bộ mặt thế giới".

Một vài trong số này là người Mỹ. Một số khác là người Nga. Những trận đánh đầu tiên trong cuộc Chiến tranh lạnh đã diễn ra. Thật may mắn, mọi thứ đã sớm trở nên rõ ràng khi vào năm 1964, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ kết luận rằng "thời gian cần thiết để điều khiển thời tiết thành công sẽ phải mất hàng thập kỷ".

Vào năm 1978, hiệp ước cấm điều khiển thời tiết trong chiến tranh đã được ký. Hãy biết ơn rằng chính trị đã đi trước công nghệ. Ít nhất là, cho tới bây giờ.

Lê Hoàng

Theo Gizmodo

Chủ đề khác