VnReview
Hà Nội

Vật lý lượng tử có thể chứng minh có kiếp sau?

Kể từ khi nền văn minh của con người mới bắt đầu, triết học, khoa học và cả tôn giáo đã liên tục đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Liệu có kiếp sau hay không?". Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, một giáo sự tại Đại học Wake Forest, Mỹ đã kết hợp cả 3 lĩnh vực này để đưa ra câu trả lời.

Vật lý lượng tử chứng minh rằng có thế giới thứ 2

Giáo sư Robert Lanza và ngôi sao truyền hình Barbara Walters

Trong khi các tôn giáo tranh luận rằng cuộc sống trên trái đất chỉ là sự khởi động cho kiếp sau vĩnh hằng sẽ được trải qua trên thiên đường hoặc địa ngục thì nhiều nhà khoa học lại thường khẳng định không có kiếp sau vì không có bằng chứng khoa học nào cả.

Nhưng mới đây nhất, một giáo sư tại Đại học Wake Forrest, North Carolina, Mỹ đã khẳng định điều ngược lại: ông có "bằng chứng" (theo định nghĩa) rằng có cuộc sống sau cái chết.

Theo giáo sư Robert Lanza, câu trả lời nằm trong một lĩnh vực của vật lý lượng tử có tên thuyết vị sinh trung tâm (biocentrism). Nếu bạn tin vào thuyết vị sinh trung tâm, cái chết sẽ chỉ là một phần trong nhận thức của não người mà thôi. Giáo sư Lanza khẳng định rằng khái niệm "chết đi" chỉ là một thứ chúng ta đã học và chấp nhận, nhưng cuối cùng vẫn là một thứ chỉ có trong trí não của chúng ta.

Giáo sư Lanza cho rằng theo thuyết vị sinh trung tâm, tự bản thân vũ trụ không tạo ra sự sống. Thay vào đó, vũ trụ tồn tại theo nhận thức của mỗi con người – hay nói cách khác là sự sống và sinh vật là trung tâm của hiện thực; sự sống và sinh vật tạo ra vũ trụ. Bởi vậy, toàn bộ vũ trụ, không gian và thời gian chỉ là "công cụ của nhận thức".

Giáo sư Lanza cho rằng thuyết vị sinh trung tâm cũng giống như thuyết đa vũ trụ song song (parallel universe). Theo thuyết đa vũ trụ song song vốn được đặt ra bởi nhiều nhà vật lý lý thuyết, tất cả mọi khả năng có thể xảy ra sẽ xảy ra đồng thời trên các vũ trụ song song với nhau, tạo ra vô vàn vũ trụ, trong đó mỗi vũ trụ có thể chỉ khác biệt duy nhất bởi một sự kiện, một lựa chọn. Tương tự như vậy, nếu cái chết chỉ là một phần tâm thức của chúng ta, sẽ có vô vàn khả năng có thể xảy ra – nói cách khác là không có định nghĩa nào để giới hạn cái chết, và cái chết không thực sự tồn tại.

Sau đó, tiến sĩ Lanza đưa ra bằng chứng khoa học về việc nhận thức của con người có thể thay đổi hoạt động của vũ trụ: thí nghiệm khe Young. Trong thí nghiệm này, khi các nhà khoa học quan sát phân tử đi qua khe nhiều lỗ, phân tử này sẽ chuyển động đường thẳng. Khi các nhà khoa học không quan sát phân tử, phân tử này sẽ di chuyển theo dạng sóng.

Như vậy, các nhà khoa học kết luận rằng phân tử có thể đóng vai trò 2 thực thể khác nhau vào cùng một thời điểm, đảo luận mọi quan niệm truyền thống về không gian và thời gian.

Mặc dù ý tưởng của Lanza có vẻ khá phức tạp, ông lý giải một cách rất đơn giản rằng bầu trời có màu xanh da trời, nhưng nếu các tế bào não bị biến đổi để chúng ta nhìn màu trời màu xanh lá, liệu bầu trời có bao giờ là xanh da trời, hay đó chỉ là nhận thức của chúng ta mà thôi?

Khi lý giải về cuộc sống theo cái chết, ông cho biết cuộc sống của chúng ta trở thành một bông hoa quay trở lại nở trong đa-vũ-trụ. "Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu có thể thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta. Khi chúng ta chết, chúng ta không chết trong một ma trận thông thường, mà chết trong một ma trận không-thể-chạy-thoát của cuộc đời".

Việt Dũng

Theo Independent

Chủ đề khác