VnReview
Hà Nội

8 mẫu robot tí hon biết bay như trực thăng

Sự kiện Amazon ra mắt dịch vụ chuyển hàng bằng máy bay Prime Air là một ví dụ điển hình cho thành tựu của ngành robot học trong thực tiễn. Trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã ra mắt rất nhiều mẫu robot bay không người lái rất ấn tượng.

Sau đây là các mẫu robot bay cỡ nhỏ đáng chú ý nhất do CNN bình chọn.

1. Distributed Flight Array (DFA)

Cân nặng: 250 gram.

Kích cỡ: 25 cm.

Thời gian bay tối đa: 2 phút.

Mỗi robot con có một động cơ riêng, cảm biến riêng, cánh quạt và nguồn điện riêng. Chúng cũng có thể được sắp xếp để tạo ra nhiều mẫu robot bay có hình dạng khác nhau.

Khi bay độc lập, mỗi robot con không thể bay trong thời gian quá dài. Nhưng khi kết hợp thông qua nam châm thì chúng có thể tạo ra một hệ thống bay ổn định trong nhiều phút hiên tục

Hiện tại, DFA đang được phát triển tại Viện nghiên cứu Liên bang ETH Zurich, Thụy Sĩ. DFA sẽ được sử dụng làm công cụ nghiên cứu và dạy học.

2. Quadrocopter

Cân nặng: 500 gram.

Khoảng cách từ một motor tới motor khác: 34 cm.

Tốc độ tối đa: 10 mét/giây.

Thời gian bay tối đa: 15 phút.

Tên gọi Quadrocopter (tạm dịch: Robot bay 4 cánh quạt) được dùng để chỉ các mẫu robot có 4 động cơ cánh quạt. Chúng được thiết kế với nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau. Phiên bản Quadrocopter ấn tượng nhất trong số các phiên bản Quadrocopter hiện có cũng là do trung tâm ETH Zurich thiết kế.

Mới đây ETH đã cho các mẫu Quadrocopter của mình thực hiện nhiều tác vụ đã gây ấn tượng mạnh cho người xem như: Bay diễu hành, tung hứng bóng và tự học cách bay qua các quãng đường bay vòng vèo.

3. RoboBee

Cân nặng: 80 milligram.

Sải cánh: 3 cm.

Tốc độ bay: 120 nhịp cánh/giây.

RoboBee (robot hình con ong) hiện đang là loại robot nhỏ nhất có thể bay không cần điều khiển, với độ cao bay chỉ đạt vài cm.

Do có kích cỡ quá nhỏ, không thể mang theo động cơ, RoboBee được thiết kế sử dụng một thiết bị truyền động bằng điện áp, bao gồm nhiều sợi gốm có thể mở rộng và tiếp xúc với nhau khi có điện trường. Điều này có nghĩa rằng để bay được, RoboBee cần được nối dây điện.

Các nhà phát minh của RoboBee tại Đại học Harvard cho biết dự án này có thể được sử dụng để theo dõi môi trường, các nhiệm vụ tìm và giải cứu hoặc thụ phấn cho cây trồng.

4. Nano Hummingbird

Cân nặng: 19 gram.

Sải cánh: 16 cm.

Tốc độ tối đa: 5 mét/giây.

Thời gian bay tối đa: 4 phút (phiên bản thường).

Năm 2011, công ty AeroVironment của Mỹ đã tung ra một phát minh đột phá: "Chú chim ruồi nano" Nano Hummingbird – một loại robot có thiết kế và bay giống hệt như loài chim cùng tên gọi.

Được chế tạo nhằm phục vụ cho Phòng Dự án Kế hoạch Nghiên cứu Cao cấp (DARPA) của Bộ Quốc Phòng Mỹ, Nano Hummingbird có thể bay lên, bay xuống, bay sang 2 bên, giữ nguyên vị trí trên cao và thậm chí là xoay vòng trong không khí.

Nano Hummingbird có thể bay trong nhà và ngoài trời, có thể vượt qua tốc độ gió khoảng 2km/giờ. Con người có thể điều khiển Nano Hummingbird từ xa thông qua video được phát trực tiếp từ camera đặt trên chú chim máy này.

5. Delfly

Cân nặng: 16 gram.

Sải cánh: 28 cm.

Tốc độ tối đa: 7 mét/giây.

Thời gian bay tối đa: 15 phút.

Dự án Delfly được 2 trường đại học Wageningen và TU Delft của Hà Lan phối hợp thực hiện. Kết quả thu được là một loạt các robot bay siêu nhỏ chỉ có 2 cánh.

Robot nhỏ nhất mà dự án Delfly tạo ra là Delfly Micro với chiều dài 10 cm và cân nặng 3 gram. Delfly II, robot lớn nhất trong dự án này, có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, bay lơ lừng trong không trung và bay về phía trước hoặc phía sau. Cả 2 mẫu robot bay này đều có camera.

Mục đích cuối cùng của dự án Delfly là tạo ra các mẫu robot có thể bay tự động trong vòng 30 phút, cả trong nhà và ngoài trời.

6. Black Hornet

Cân nặng: 16 gram (bao gồm cả camera).

Sải cánh: 12 cm.

Tốc độ tối đa: 10 mét/giây.

Thời gian bay tối đa: 25 phút.

Chú robot ong vò vẽ Black Hornet là một "máy bay nano" nằm trong hệ thống trinh sát cá nhân được công ty Prox Dynamics của Na Uy chế tạo.

Về bản chất, Black Hornet là một chiếc trực thăng siêu nhỏ có thể bay tự động hoặc dưới sự điều khiển của con người. Black Hornet có chứa camera để thu về video hoặc hình ảnh tính cho thiết bị điều khiển cầm tay.

Được thiết kế nhằm phục vụ mục đích quân sự, Black Hornet đã được quân đội Anh sử dụng tại Afghanistan nhằm nhận diện các mối nguy hiểm tiềm tàng trước khi hành quân.

7. Airburr

Cân nặng: 350 gram.

Chiều cao: 60 cm.

Tốc độ bay tối đa: 1 mét/giây.

Thời gian bay tối đa: 6 phút.

Phần lớn các mẫu robot bay được chế tạo để tránh các chướng ngại vật, song Airburr lại được thiết kế để chống chọi các chướng ngại vật nhằm thực hiện các nhiệm vụ giải cứu trong các môi trường có tầm nhìn kém, ví dụ như một căn phòng đầy khói.

Airburr là sản phẩm của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ EPFL. Chú robot này có lồng bảo vệ bằng sợi carbon nhằm thu năng lượng trong trường hợp va chạm với một vật thể khác. Nếu bị rơi xuống đất, các chân đỡ có lò xo sẽ đẩy Airburr lên không trung để tiếp tục bay. Airburr cũng có thể gắn vào các bức tường bằng "chân dính" như thạch sùng.

8. GimBall

Cân nặng:; 370 gram.

Đường kính: 37 cm.

Tốc độ tối đa: 1,5 mét/giây.

Thời gian bay tối đa: 5 phút.

GimBall là một mẫu robot bền bỉ khác do Viện EPFL thiết kế. Với 2 động cơ bằng quạt và khả năng điều hướng bằng vây, GimBall sử dụng một hệ thống con quay nhằm giữ thăng bằng. Một chiếc lồng hình cầu giúp bảo vệ các bộ phận bên trong không bị hư hại, cho phép GimBall hoạt động trong các môi trường nhiều chướng ngại vật mà không cần cảm biến để tránh va chạm.

Mục tiêu của EPFL là thiết kế ra một mẫu robot có thể hoạt động trong các môi trường như các tòa nhà bị sập, nơi GimBall có thể di chuyển trong đống đổ nát, truyền lại hình ảnh cho các nhân viên cứu hộ thông qua camera tích hợp.

Lê Hoàng

Theo CNN

Chủ đề khác