VnReview
Hà Nội

AK-47 ra đời trong hoàn cảnh nào?

Để tưởng niệm vị tướng Liên Xô Mikhail Kalashnikov, người đã thiết kế ra khẩu súng trường AK 47 nổi tiếng thế giới, vừa qua đời ở tuổi, chúng ta hãy cùng nhìn lại AK-47 đã được ra đời trong hoàn cảnh nào.

Thông số cơ bản của AK-47

Tên: AK-47

Nặng: 3,47 kg

Dài: 880 mm

Tốc độ bắn lý thuyết: 600 phát/phút

Giá: Từ 15 USD (ở một số vùng hậu chiến ở châu Phi) và lên đến 1.000 USD ở các vùng xung đột.

Tổng sản lượng đã sản xuất: Khoảng 100 triệu chiếc

AK 47 ra đời như thế nào?

Mikhail Kalashnikov,

Theo báo Nga Russia Today, việc sáng chế ra AK-47 không phải là một khoảnh khắc bất ngờ mà là cả một quá trình thử nghiệm - sửa lỗi và cải thiện kéo dài hơn 6 năm.

Thời tuổi trẻ, cha đẻ của AK-47 đã mơ ước trở thành một nhà thơ và suốt đời làm thơ. Năm 2009, Mikhail Kalashnikov chia sẻ với báo chí rằng: "Có rất nhiều bài thơ không hay vì thiếu tôi. Tôi đã đi một con đường khác".

Kalashnikov, sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân ở Siberia, khởi đầu sự nghiệp từ một nhân viên ở nhà ga xe lửa. Sau đó, ông gia nhập Hồng quân năm 1938 và thể hiện năng khiếu về cơ khí với việc sáng tạo một vài điều chỉnh cho xe tăng Hồng quân.

Năm 1941, khi ông Kalashnikov chỉ làm lính xe tăng được có vài tháng ở Mặt trận phía Đông chống quân Phát xít thì xe tăng của ông trúng đạn khiến ông bị thương vào vai.

Ông kể mầm mống về ý tưởng AK-47 đến trong thời gian ông nằm điều trị vết thương ở bệnh viện. Khi ấy, ông nhớ lại những khẩu súng trường tự động thượng hạng mà quân phát xít Đức sử dụng và các ý tưởng của ông về một khẩu súng hiệu quả hơn đã kết trái 5 -6 năm sau đó.

Theo Wikipedia tiếng Việt, sau khi nhận thấy những bất ổn trong thiết kế súng tiểu liên, ông tham gia vào cuộc thi một loại súng mới của quân đội Liên Xô với yêu cầu là đáng tin cậy trong môi trường lầy lội, ẩm ướt và giá lạnh của Liên Xô.

Ông đã thiết kế một mẫu súng carbine dựa trên phần lớn thiết kế khẩu súng M1 Garand của Hoa Kỳ, và mẫu này thua mẫu của Sergei Gavrilovich Simonov (mẫu súng của Simonov sau này trở thành khẩu CKC).

Cùng thời gian đó, quân đội Xô Viết cũng bắt đầu quan tâm với việc phát triển một loại súng trường tấn công thực thụ, sử dụng đạn M1943 có kích thước ngắn hơn. Mẫu thiết kế đầu tiên của kiểu súng này được Aleksei Sudaev giới thiệu năm 1944. Tuy nhiên trong các cuộc thử nghiệm nó bị đánh giá là quá nặng nề.

Một cuộc thi thiết kế khác được tổ chức vào hai năm sau đó, và lần này đội thiết kế của Kalashinkov lại tiếp tục đăng ký tham gia. Đó là một khẩu súng trường hoạt động dựa trên nguyên tắc trích khí ngang, mở khóa nòng để nạp đạn giống như mẫu carbine năm 1944 của ông, cùng với một hộp đạn cong chứa 30 viên.

Các mẫu súng của ông (ký hiệu AK-1 và AK-2) đã tỏ ra đáng tin cậy và vượt lên mẫu của các đối thủ khác, lọt vào vòng 2 của cuộc thi cùng với các mẫu thiết kế của A.A Demetev và F. Bulkin.

Cuối năm 1946, khi các khẩu súng bắt đầu được thử nghiệm, một trong những trợ lý của Kalashnikov là Aleksandr Zaytsev đề xuất một sự cải tổ lớn đối với thiết kế của phiên bản AK-1 với mục đích chính nhằm nâng cao độ tin cậy của súng.

Lúc đầu, những người lính nhận khẩu AK một cách miễn cưỡng. Họ đã quen đối phó với đối thủ bằng khẩu súng trường trong tay. Tuy nhiên, cuối cùng thì Aleksandr Zaytsev đã thuyết phục được họ, kết quả là khẩu súng mới đã để lại một chùm lỗ thủng trên bia và vượt qua cuộc bắn kiểm tra tại trường bắn thử nghiệm.

Cũng từ đây, súng trường tấn công Kalashinkov mẫu 1947 đã chứng tỏ được sự đáng tin cậy, tính đơn giản của nó và bắt đầu được trang bị cho Quân đội Xô Viết từ năm 1949 với cái tên Súng trường tự động Kalashnikov (Автомат Калашникова), gọi tắt là AK, cỡ nòng 7,62 mm.

Tóm lại, AK-47 mặc dù không đặc biệt chính xác nhưng nó lại chắc chắn và đơn giản, có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão cát hay ẩm ướt - điều mà các vũ khí tinh vi hơn như M-16 của Mỹ chào thua.

Một người không được học qua lớp huấn luyện quân sự nào cũng có thể tháo lắp AK-47 và dùng nó để bắn bằng cách đơn giản nhắm vào mục tiêu. AK 47 cũng dễ dàng "chăm sóc" mà không cần phải có bộ lau chùi chuyên biệt.

"Quân phát xít Đức đã buộc tôi trở thành nhà thiết kế súng. Tôi luôn muốn trở thành người chế tạo máy nông nghiệp", ông nói.

Trong năm 2007, Tổng thống Nga Putin đã ca ngợi ông, nói "AK-47 là một biểu tượng của thiên tài sáng tạo của nhân dân ta".

Kalashnikov tiếp tục làm việc với tư cách là thiết kế trưởng của nhà máy Izmash – nhà máy đầu tiên sản xuất AK-47 cho đến những năm 1980.

Suốt cuộc đời mình, Kalashnikov luôn nhận được câu hỏi rằng ông có hối tiếc khi tạo ra vũ khí có thể đã giết người nhiều hơn bất cứ vũ khí nào khác trong 50 năm qua không?

"Tôi đã phát minh ra nó để bảo vệ Tổ quốc. Tôi không hối tiếng và không chịu trách nhiệm về việc các nhà chính trị đã sử dụng nó như thế nào?", ông trả lời.

Một lần ông nói: "Tôi tự hào về sáng chế của mình, nhưng tôi buồn vì nó bị những kẻ khủng bố sử dụng".

Bài liên quan

"Cha đẻ" súng trường AK-47 và những nuối tiếc cuối đời

Hải Ninh

Chủ đề khác