VnReview
Hà Nội

Ảnh tàu ngầm Kilo Hà Nội làm "lộ bí mật quân sự"?

Trong số những bức ảnh đầu tiên về tàu ngầm lớp Kilo Hà Nội tại biển Cam Ranh được báo chí đăng sáng nay, ngày 2/1/2014, có một bức ảnh đang gây tranh cãi trên mạng: Có phải bức ảnh đó làm lộ "bí mật quân sự" của tàu ngầm Kilo Hà Nội?

Bức ảnh đăng tải rộng rãi trên báo chí hôm nay nhận được sự chú ý của cư dân mạng là bức ảnh tàu mẹ Rolldock Sea (Hà Lan) mở cửa hậu sau lái, để lộ phần đuôi của chiếc tàu ngầm được cho là tàu lớp Kilo Hà Nội – chính xác tên là HQ182 Hà Nội - với chiếc chân vịt có 7 cánh màu gạch cua.

Chân vịt tàu ngầm Kilo Hà Nội bị lộ

Lộ chân vịt tàu ngầm Kilo Hà Nội là "lộ bí mật quân sự"?

Nhiều cư dân mạng đã lo ngại vì hệ thống bánh lái (chân vịt) của tàu Kilo Hà Nội đã bị lộ "bí mật quân sự". Nguyên nhân được dân mạng suy đoán là nếu biết chân vịt cấu tạo thế nào sẽ biết đc độ ồn của tàu làm cho tàu dễ bị phát hiện hơn.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trên mạng cho rằng lo ngại nói trên chẳng qua bắt nguồn từ một bài báo trước đó.

Cụ thể, theo báo Tri Thức Trẻ, một trong những vấn đề dễ bị lộ bí mật đó là chân vịt của tàu ngầm. "Dựa vào các bức ảnh chụp chi tiết chân vịt, số cánh cùng các công nghệ phân tích hiện đại có thể phán đoán được độ ồn của chân vịt tàu ngầm khi hoạt động. Đó là lý do tại sao thông thường khi vận chuyển tàu ngầm người ta sẽ sử dụng các tấm bạt để che chân vịt", trích bài viết.

Thành viên emkobit của mạng xã hội Vietyo phản bác lại lập luận nói trên trong bài báo, cho rằng "độ ồn khi hoạt động của tàu Kilo dưới biển gần như là số 0. Êm ái như 1 chiếc BMW seri 7 chạy trên đường vậy. Ngoài ra dưới biển còn bị ảnh hưởng bởi âm thanh từ rất nhiều khu vực khác nhau, chân vịt cũng có chất liệu thiết kế đặc biệt để triệt tiêu tiếng ồn. Máy dò tìm được tàu thì tàu cũng đã kịp di chuyển ra cách vị trí tìm 1 khoảng cách không nhỏ rồi".

Còn một thành viên của diễn đàn VOZ nhận xét đã thấy ảnh chụp trên diễn đàn này chân vịt tàu ngầm Nga, Mỹ đầy rẫy. "Có cái ảnh chùm chân vịt chẳng quan là tàu đang trong giai đoạn đóng, hoàn thiện hay sửa chữa nó phải chùm lại để đảm bảo thôi. Còn độ ồn của tàu ngầm phụ thuộc vào động cơ là chính".

Nhiều thành viên khác còn đưa ra thực tế tàu ngầm Kilo đã được bán rộng rãi trên thế giới, Trung Quốc có đến 12 chiếc, thì còn lạ gì chân vịt của nó nữa, chứ nói gì đến bí mật quân sự? Hoặc có người cho rằng bức ảnh đó chẳng có gì chứng minh là tàu Kilo Hà Nội...

Tàu Ohio trên mạng có lộ rõ phần chân vịt. Tuy nhiên, số cánh quạt này không phải là 7 cánh như bài đăng trên báo Úc SMH

Tàu Ohio trên mạng có lộ rõ phần chân vịt. Tuy nhiên, số cánh quạt này không phải là 7 cánh như bài đăng trên báo Úc SMH

Thực tế, đúng là không khó để tìm thấy hình ảnh chiếc đuôi tàu ngầm với chân vịt trên mạng. Chiếc tàu ngầm hạt nhân "khủng" của Mỹ là Ohio chẳng những "lộ" chân vịt mà cả "nội tạng" của nó: cấu tạo của tàu, khoang bụng, khoang chứa tên lửa đạn đạo... Nhưng vấn đề là không rõ đó là hình ảnh "demo" hay là ảnh chụp thực tế?

Bức ảnh dịch vụ bản đồ online của Microsoft vô tình chộp được chân vịt tàu ngầm Ohio

Bức ảnh dịch vụ bản đồ online của Microsoft vô tình chộp được chân vịt tàu ngầm Ohio

Nhưng có một chi tiết đáng lưu ý là vào khoảng năm 2007, báo Úc Sydney Morning Herald (SMH) đã chạy hàng tít "Ối, một tối mật quân sự khác bị lộ", nói về việc dịch vụ bản đồ online Virtual Earth của Microsoft đã chộp được chân vịt 7 cánh quạt của một chiếc tàu ngầm hạt nhân Ohio đang nằm phơi mình trên bến.

Theo bài báo đăng trên SMH, thiết kế cánh quạt tàu ngầm đã được bảo vệ bí mật chặt chẽ từ thời Chiến tranh Lạnh. Cho đến nay, nó vẫn được áp dụng phổ biến: che hoặc gỡ bỏ khi tàu ngầm ora khỏi nước.

Thiết kế cánh quạt là một phần của khả năng tàu ngầm không bị phát hiện trong quá trình hoạt động, đảm bảo rằng nó có thể tuần tra các vùng biển một cách tàng hình mà các tàu khác không phát hiện được vị trí.

Theo ông Paul Forsythe Johnston, người phụ trách lịch sử hàng hải của Bảo tàng quốc gia lịch sử Mỹ, một khi cánh quạt đạt tới một tốc độ nhất định, các cánh bắt đầy tạo ra một phần chân không và dẫn đến các bong bóng không khí. Đây là một tình trạng được giới chuyên môn gọi là cavitation. Bong bóng là rất ồn và cánh quạt của tàu ngầm được thiết kế và định dạng để giảm tình trạng cavitation và khai thác các định luật vật lý có liên quan nhất có thể trong khi vẫn duy trì được tốc độ mong muốn.

Thanh Xuân

Chủ đề khác