VnReview
Hà Nội

Kính áp tròng thông minh Google hoạt động như thế nào?

Thị trường thời trang công nghệ trong năm 2013 đã tiến những bước dài, nhưng phải đến khi Google công bố "kính áp tròng thông minh" chúng ta mới thực sự hiểu được tiềm năng của mảng sản phẩm còn khá mới lạ này. Vậy, kính áp tròng thông minh của Google sẽ hoạt động như thế nào?

Kính áp tròng thông minh của Google hoạt động như thế nào?

Brian Otis, một trong 2 nhà sáng lập của dự án kính áp tròng thông minh

Kính áp tròng thông minh của Google sẽ không đảm đương nhiệm vụ hiển thị email như người anh em Google Glass, thay vào đó sẽ tập trung một trong những vấn đề sức khỏe lớn nhất hiện nay: bệnh tiểu đường.

Do người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa thực sự tin vào tính riêng tư của các thiết bị thời trang công nghệ, và do Google khá tai tiếng với các hành vi không tôn trọng quyền riêng tư của người dùng, chắc chắn rất nhiều người sẽ hỏi: Google sẽ xử lý các dữ liệu thu được từ kính áp tròng này như thế nào? Liệu gã khổng lồ tìm kiếm có đang bắt đầu thu thập các thông tin y tế bí mật của con người?

Có vẻ như Google sẽ tiếp cận vấn đề này một cách hết sức cẩn thận. Joseph Lorenzo Hall, trưởng bộ phận công nghệ tại Trung tâm Dân chủ & Công nghệ, Mỹ đã gặp mặt Google trước khi hãng đưa ra mẫu kính áp tròng thông minh nói trên. Theo ông, Google đã đảm bảo rằng các thông tin y tế bí mật thu được từ kính sẽ không bị kết hợp với kho dữ liệu người dùng mà Google thu được từ các dịch vụ khác của mình.

"Dữ liệu này sẽ không bao giờ đặt chân lên máy chủ của Google. Họ đã đưa ra lời khẳng định rất tiến bộ này. Đây thực sự là một điều quan trọng".

Kính áp tròng thông minh của Google hoạt động như thế nào?

Cấu tạo của kính áp tròng thông minh Google

Chiếc kính áp tròng mà Google tung ra sẽ chứa một cảm biến siêu nhỏ có thể đo lượng glucose có trong nước mắt. Một lỗ siêu nhỏ trong mắt kính sẽ cho phép nước mắt tiếp xúc với cảm biến đo glucose để đo đạc số liệu.

Hiện tại, theo công ty, chiếc kính áp tròng này chỉ có thể đọc được một lần trong mỗi giây. Mắt kính cũng có một ăng-ten siêu nhỏ, một tụ điện và một bộ điều khiển nhằm chuyển dữ liệu thu được từ cảm biến lên một thiết bị khác (ví dụ như smartphone) nhằm đọc và phân tích dữ liệu.

Chiếc kính áp tròng này sẽ nạp điện và liên lạc với các thiết bị khác thông qua một công nghệ không dây có tên RFID (công nghệ Nhận diện bằng Sóng Vô tuyến).

Do dữ liệu được chiếc kính áp tròng này thu thập là tối quan trọng, ông Hall khẳng định Google đã cam kết rằng dữ liệu truyền tải từ mắt kính sẽ không thể bị thay đổi. Điều này là tối quan trọng, do nếu bệnh nhân tiêm quá nhiều insulin, họ có thể tử vong. Google cũng đã tích hợp thêm các công nghệ phòng vệ khác nhằm tránh các vấn đề phát sinh, ví dụ như một cầu dao siêu nhỏ để tránh cho kính bị tỏa nhiệt quá nhiều.

Hiện tại, trên toàn thế giới có 382 triệu người bị bệnh tiểu đường. Điều này có nghĩa rằng có tới hơn 5% dân số thế giới phải thử máu mỗi ngày. "Quá trình thử máu rất tốn thời gian và gây đau đớn", hai nhà sáng lập dự án kính áp tròng Brian Otis và Babak Parviz khẳng định trong một bài viết trên blog, "Do đó, có quá nhiều người bị tiểu đường kiểm tra lượng glucose trong máu không đủ thường xuyên".

Kính áp tròng thông minh của Google hoạt động như thế nào?

Các bác sĩ và các nhà nghiên cứu y khoa đã liên tục tìm cách đo glucose thông qua dung dịch trong mắt trong hàng năm liền, nhưng việc thu thập và phân tích nước mắt của con người là không hề đơn giản. Một vài công ty, ví dụ như EyeSense, đã phát triển ra sản phẩm riêng để tích hợp cảm biến vào mắt, trong khi các công ty khác, ví dụ như Freedom Meditech, đã tìm cách dùng ánh sáng để đo glucose trong mắt người.

Hai nhà sáng lập của dự án kính áp tròng thông minh, Parviz, người từng lãnh đạo đội ngũ Google Glass, và Otis đã từng là đồng nghiệp tại Đại học Washington trước khi chuyển đến làm việc cho Google X, nơi Google phát triển những dự án tân tiến nhất. Hiện nay, dự án kính áp tròng của Google vẫn đang trong giai đoạn thai nghén, song các quan chức của Google cho biết hiện công ty đã đang đàm phán với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc của Hoa Kỳ (FDA) để đem sản phẩm ra thị trường trong tương lai.

Ông Hall cho rằng nếu sản phẩm kính áp tròng của Google tương tác với các ứng dụng trên các thiết bị của các công ty khác, người tiêu dùng cũng sẽ phải tin tưởng rằng họ sẽ được đảm bảo quyền riêng tư.

"Một điều làm tôi lo ngại là về tính bảo mật trên thiết bị di động. Bảo mật di động vẫn còn rất yếu kém, và rất có thể ứng dụng được sử dụng cùng chiếc kính áp tròng này sẽ là do bên thứ 3 phát triển. Những người phát triển các ứng dụng này sẽ phải trả lời câu hỏi về bảo mật. Nhưng cho tới giờ những câu hỏi này vẫn chưa được trả lời, đơn giản là bởi vì dự án này vẫn còn chưa tiến xa đến mức đó".

Lê Hoàng

Theo Washington Post

Chủ đề khác