VnReview
Hà Nội

Giá cước băng rộng cố định đang theo "vết xe đổ" của 3G

Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng lo ngại hiện tượng bán phá giá trong lĩnh vực dịch vụ băng rộng cố định sẽ có thể khiến cho các doanh nghiệp hạ tầng không thể có đủ tiền tái đầu tư mở rộng mạng lưới, thậm chí không thể tồn tại.

Dịch vụ băng rộng cố định thuộc danh mục dịch vụ phải quản lý giá. Nguồn ảnh minh họa: Internet

Theo báo ICTNews, tại Hội nghị Giao ban Quản lý Nhà nước Bộ TT&TT diễn ra sáng 10/3/2014, Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng bày tỏ sự e ngại hiện tượng bán phá giá trong lĩnh vực dịch vụ băng rộng cố định sẽ có thể khiến cho mọi doanh nghiệp hạ tầng không thể có đủ tiền tái đầu tư mở rộng hệ thống cáp quang, thậm chí không thể sống nổi.

Ông Trần Mạnh Hùng lưu ý bài học kinh nghiệm đã từng xảy ra với lĩnh vực phát triển dịch vụ 3G, lúc đầu không quản lý tốt, để các doanh nghiệp cạnh tranh đua nhau hạ giá xuống, khi thua lỗ thì lại hò nhau tăng lên, gây phản ứng trong dư luận.

"Cơ quan quản lý Nhà nước nên dùng công cụ giá sàn để điều tiết thị trường đối với các dịch vụ ảnh hưởng tới cơ cấu thị trường bền vững như dịch vụ băng rộng cố định, tránh đua nhau giảm giá để phát triển đến khi thua lỗ lại cùng tăng giá cước. Giá sàn phụ thuộc nhiều vào quy mô của mạng lưới, khi dịch vụ mới ra thị trường thì giá thường cao vì số lượng thuê bao ít, đầu tư lớn, sau này hàng năm sẽ giảm dần theo quy mô phát triển dịch vụ, nếu giá sàn cao quá thì người dân không dùng dịch vụ", ông Trần Mạnh Hùng phân tích.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng khẳng định dịch vụ băng rộng cố định thuộc danh mục dịch vụ phải quản lý giá theo cơ chế quản lý theo giá trần và giá sàn. Giá sàn chủ yếu tuân theo Luật Cạnh tranh, nếu bán phá giá thì điều chỉnh theo luật này. Dịch vụ băng rộng cố định cũng sẽ chịu;quản lý giá trần sẽ theo Luật Viễn thông. Các doanh nghiệp sẽ phải báo cáo giá thành của dịch vụ để  Bộ có cơ sở quản lý giá cước.

Theo ICTNews

Chủ đề khác