VnReview
Hà Nội

5 xu thế chi phối sự chuyển dịch trong ngành viễn thông năm 2014

Quan sát những sự kiện tại Mobile World Congress 2014 vừa diễn ra tại Barcelona - Tây Ban Nha, ông Hans Vestberg, Chủ tịch tập đoàn Ericsson đã tổng kết 5 xu hướng chính mà ông đánh giá là sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành viễn thông năm 2014. Chia sẻ những nhận định này, ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam còn chỉ ra những tác động của 5 xu thế tới ngành viễn thông Việt Nam, đặc biệt là chiến lược phát triển của các nhà mạng viễn thông.

1. Sự chi phối của thiết bị số trong đời sống sẽ tạo ra những nhu cầu mới

Không phải đến MWC 2014, các thiết bị đeo thông minh (wearable) mới xuất hiện, nhưng sự ra mắt tại đây của một loạt các thiết bị mới từ rất nhiều hãng công nghệ tên tuổi cho thấy một xu hướng mới của việc sử dụng thiết bị cũng như các dịch vụ dữ liệu. Viễn cảnh của những dịch vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua các thiết bị đeo thông minh dường như đã gần hơn rất nhiều: những chiếc đồng hồ, vòng đeo tay, găng tay, tai nghe... không chỉ giúp bạn xem giờ, kiểm tra bản đồ, tìm quán ăn xung quanh, nhận các tin nhắn mới hoặc cuộc gọi đến mà còn thường xuyên thông báo tình trạng sức khỏe của bạn với dịch vụ y tế. Một khi các thiết bị này trở nên phổ biến, nhu cầu kết nối liên tục tới mạng Internet băng rộng (broadband) chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ, cùng với đó là sự phát triển của các dịch vụ khai thác dữ liệu mà các nhà mạng viễn thông có vai trò không thể thiếu.

Hàng loạt thiết bị đeo thông minh xuất hiện tại MWC 2014

MCW 2014 cũng chứng kiến sự ra mắt của chiếc smartphone chạy hệ điều hành Firefox với mức giá chỉ 25 USD (khoảng 550.000 đồng), cho thấy người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều cơ hội để sử dụng các dịch vụ dữ liệu khi mà các thiết bị đã ngày càng rẻ hơn, gần với túi tiền của người dùng phổ thông.

Khảo sát của Ericsson ConsumerLab cho thấy, người tiêu dùng dự đoán số lượng ứng dụng di động phục vụ cho các khía cạnh khác nhau của cuộc sống sẽ tăng 25%. Trong năm 2014, trung bình một tháng, số lượng ứng dụng di động mới được download tăng 40%. Dự kiến tới cuối năm 2014, số người sử dụng smartphone sẽ chiếm 50% tổng số các thuê bao di động. Tại các thị trường mật độ sử dụng smartphone cao, dịch vụ dữ liệu sẽ tạo ra hơn 50% tổng doanh thu toàn cầu. Video tiếp tục là nhân tố chi phối lưu lượng dữ liệu di động với mức tăng trưởng trên 75%. Theo Ericsson Mobility Report, số lượng thuê bao băng rộng di động đang tăng trưởng một cách nhanh chóng: Năm 2010, có 500 triệu thuê bao thì tới năm 2013 là 2,1 tỉ thuê bao, tăng trưởng tốc độ trung bình là 40%. Dự kiến năm 2019 sẽ có 8 tỉ thuê bao băng rộng di động. Lưu lượng dữ liệu di động tăng trưởng 70% trong quãng thời gian từ quý IV/2012 tới quý IV/2013.

Như vậy, sự phát triển của các thiết bị công nghệ mới sẽ tạo ra những nhu cầu sử dụng dữ liệu mới, đòi hỏi các nhà mạng phải tăng cường mạng lưới, cải thiện chất lượng để đón đầu xu thế mới này.

2. CNTT-TT (ICT) làm chuyển dịch các ngành công nghiệp khác

Ngành CNTT được hỗ trợ bởi công nghệ di động, công nghệ băng rộng và điện toán đám mây đang làm thay đổi các ngành công nghiệp khác và tạo ra những giá trị mới. Nghiên cứu của Ericsson cho thấy 25% người dùng smartphone tin tưởng và sử dụng các cảm biến trang bị trên điện thoại. Các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp doanh nghiệp di dộng và đám mây để chuyển dịch hiệu quả và tối ưu hóa chi phí. Trên 30% các thiết bị đo điện toàn cầu sẽ được kết nối với nhau. 50 triệu phương tiện giao thông được kết nối…

Theo chia sẻ của ông Jan Wassenius, Phillips, nhà cung cấp thiết bị chiếu sáng hàng đầu thế giới đã hợp tác với Ericsson để cung cấp hệ thống chiếu sáng LED thông minh đồng thời tận dụng hệ thống cột đèn để lắp đặt hệ thống kết nối di động. Trước thực tế dân số các khu vực đô thị mỗi giờ tăng trung bình 7.500 người, giải pháp này giải quyết được hai vấn đề cấp bách là cung cấp vùng phủ sóng đảm bảo cho nhu cầu dữ liệu ngày càng cao và giảm lượng tiêu thụ năng lượng. Theo tính tóan, giải pháp kết hợp của Philips và Ericsson có thể tiết kiệm 50 – 70% năng lượng.

3. Sự tăng trưởng về sử dụng dữ liệu tạo nên những mô hình kinh doanh mới

Mới đây, nghiên cứu của hãng tư vấn Chetan Sharma cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, dữ liệu di động mang về nhiều doanh thu cho nhà mạng Mỹ hơn các cuộc gọi. Doanh thu từ dịch vụ dữ liệu di động chạm mốc 90 tỷ USD trong năm 2013, và chiếm hơn 50% doanh thu của các nhà mạng viễn thông Mỹ trong quý IV/2013. Sharma dự đoán năm 2014, Mỹ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thu về 100 tỷ USD doanh thu dữ liệu di động, một bước tiến dài so với 1 tỷ USD năm 2002.

Người dùng ngày càng sử dụng smartphone, tablet như là một máy tính di động, dẫn tới sự tăng vọt trong việc tiêu thụ dữ liệu khi thường xuyên xem video và tải ứng dụng. Thế giới lấy dữ liệu làm trung tâm đang tăng trưởng nhanh chóng, mang lại những mô hình kinh doanh mới. Các nhà mạng phải nỗ lực đưa ra nhiều gói dịch vụ mới theo các mức giá khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng người dùng, hợp tác với các bên thứ ba để phát triển cùng có lợi. Các nhà cung cấp OTT không ngừng cung cấp dịch vụ mới và các nhà mạng cũng hướng tới sự hợp tác để dịch vụ hấp dẫn hơn với các thuê bao.

Cũng theo nhận định của Ericsson, các dịch vụ OTT tiếp tục phát triển mạnh và là một thách thức lớn đối với các nhà mạng khi họ liên tục tích hợp vào dịch vụ của mình những ứng dụng mới đe dọa doanh thu của nhà mạng. WhatsApp cho biết họ sẽ cung cấp dịch vụ thoại miễn phí cho 450 triệu khách hàng trong năm 2014. Một số nhà cung cấp OTT khác chọn cách phát triển các ứng dụng có lợi cho cả nhà mạng để "chung sống hòa bình".

whatsapp

Các nhà mạng phải học cách chung sống hòa bình với các dịch vụ OTT

Tháng 2/2014, Telstra là nhà mạng đầu tiên ở Úc cung cấp gói cước cho phép thuê bao khi đã mua gói cước dịch vụ 2 năm có thể đổi điện thoại smartphone sau 1 năm sử dụng. Để được hưởng điều này, thuê bao sẽ trả thêm 10 đô la Mỹ/tháng ngoài giá của gói cước dịch vụ hai năm, tối thiểu là 120 đô la Mỹ/tháng. Dịch vụ này đáp ứng 46% người Úc muốn được dùng smartphone mới với những tính năng và ứng dụng cập nhật và phù hợp nhất với khách hàng lứa tuổi 25-34.

Để tăng cường cạnh tranh giành thị phần, các nhà mạng Mỹ cũng đang có những chiến lược mới táo bạo. T-Mobile đang giới thiệu dịch vụ kết nối M2M (machine to machine) xuyên biên giới sang Canada. Trong khi đó, hãng AT&T đang cung cấp dịch vụ nhắn tin không giới hạn từ Mỹ tới toàn thế giới.

4. Cung cấp trải nghiệm tối ưu cho người dùng đóng vai trò trọng tâm với nhà mạng

Theo Ericsson Mobility Report, lưu lượng sử dụng dữ liệu sẽ tăng 25% trong năm 2014 và các thuê bao smartphone sẽ sử dụng trung bình 25MB/ngày. Trong nghiên cứu của Bloomberg, 90% các nhà mạng tham gia khảo sát cho rằng, quản lý được chất lượng trải nghiệm cho người dùng là ưu tiên quan trọng nhất.

Ericsson hợp tác với Facebook trong dự án cung cấp Internet.org, cung cấp Internet cho 5 triệu người hiện đang chưa được tiếp cận. Cùng xây dựng phòng nghiên cứu sáng tạo, Ericsson và Facebook mong muốn cung cấp môi trường thử nghiệm các ứng dụng một cách hiệu quả trước khi; thương mại hóa. Phòng nghiên cứu này giải quyết khó khăn hiện nay khi các nhà lập trình ứng dụng di động bị hạn chế trong môi trường địa lý của nhà mạng tại quốc gia họ sinh sống. Bằng cách tạo ra môi trường và các không gian tương tự để thử nghiệm, ứng dụng di động được đảm bảo vận hành trên các môi trường mạng viễn thông ở các quốc gia khác nhau. Điều này sẽ giúp xóa bỏ rào cản về địa lý và cho người dùng cơ hội trải nghiệm dịch vụ công bằng dù họ ở đâu.

5. Năng lực ưu việt của mạng viễn thông tạo nên ưu thế cạnh tranh

Ngày nay, người dùng không chỉ cần có vùng phủ sóng. Họ cần có vùng phủ sóng đảm bảo cho ứng dụng mà họ đang dùng hoạt động với chất lượng chấp nhận được vào bất cứ thời điểm nào họ muốn sử dụng. Nhà mạng cần đảm bảo hệ thống mạng vận hành đáp ứng được sự gia tăng của các loại thiết bị và ứng dụng khác nhau. Ericsson phân tích số liệu từ Speedtest.net cho thấy chỉ hai thành phố Oslo và Copenhagen là đạt 90% tốc độ downlink là 1Mbps. Các thành phố khác như Thượng Hải, Jakarta, Bắc Kinh, Dehli thì tốc độ thường nhỏ hơn 100Kbps. Về lý thuyết, tốc độ cần có để nghe nhạc streaming là 160Kbps, điện thoại truyền hình là 320Kbps và Video streaming là 720Kbps.

Trong năm 2013, Ericsson giới thiệu giải pháp small cells đối với giải pháp phát sóng trong nhà mang tên Ericsson Radio Dot System. Tính tới tháng 2/2014, đã có 7 nhà mạng cam kết thử nghiệm giải pháp là MTN, SingTel, Softbank, Swisscom, Telstra, Etisalat và Vondafone. Giải pháp này ưu việt ở thiết kế nhỏ gọn, nặng 300g, dành được 14 bằng sáng chế và linh hoạt trong lắp đặt và vận hành để cung cấp giải pháp thoại và băng rộng di động trong nhà. Một khi vấn đề vùng phủ sóng được giải quyết, người dùng có thể sử dụng các ứng dụng mọi lúc mọi nơi, thì mạng viễn thông mới thực sự mang lại trải nghiệm về một xã hội kết nối cho mọi người.

Jan Wassenius

Ông Jan Wassenius, Tổng Giám Đốc Ericsson Việt Nam

Đánh giá sự ảnh hưởng của 5 xu thế này tại Việt Nam, ông Jan Wassenius cho biết: "Tại Việt Nam, các nhà mạng đang chuyển hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ, mở rộng phạm vi vốn có trước đây chỉ là cung cấp dịch vụ viễn thông thuần túy". Ông Jan Wassenius tiết lộ, Ericsson đang giúp các nhà mạng Việt Nam nghiên cứu thói quen, ứng xử của người tiêu dùng để đưa ra những dịch vụ, gói cước thích hợp. Ericsson cũng đã đàm phán với các nhà mạng Việt Nam về việc triển khai thử nghiệm mạng 4G LTE trong năm 2015, kiến nghị với cơ quan quản lý trong việc quy hoạch lại các băng tần cho các công nghệ băng rộng di động. Hướng đi phù hợp với các nhà mạng là Việt hóa các ứng dụng nổi bật trên thế giới, hiện đại hóa hệ thống tính cước để có thể đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng và đa dạng của người dùng.

Vân Hà

Chủ đề khác