VnReview
Hà Nội

Báo Mỹ kêu gọi tẩy chay hàng Apple

Các cây viết bình luận trên nhiều tờ báo Mỹ tấn công điều kiện làm việc ở nhà máy Foxconn chuyên sản xuất iPhone, iPad cho Apple và kêu gọi người tiêu dùng hành động.

Kêu gọi tẩy chay Apple

Một nhóm người phản đối tình trạng lạm dụng lao động ở các nhà máy sản xuất iPad, iPhone

Hãng máy tính Mỹ khổng lồ Apple với những sản phẩm công nghệ đẳng cấp như iPhone, iPad đang đối mặt với thảm họa quan hệ công chúng (PR) và đe dọa kêu gọi tẩy chay sản phẩm iPhone, iPad. Hình ảnh của Apple đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau các tiết lộ về điều kiện làm việc ở các nhà máy của một số nhà cung cấp của Apple ở Trung Quốc.

Các cáo buộc được công bố trong một bài báo dài trên New York Times cho thấy tình trạng lạm dụng lao động ở các nhà máy Apple sử dụng để sản xuất hàng triệu chiếc smartphone và máy tính bán chạy nhất của mình. Và giờ, từ đáng sợ đối với bất kỳ doanh nghiệp nào là "tẩy chay" đã bắt đầu xuất hiện cùng với Apple trên các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ.

"Người dùng có nên tẩy chay Apple?", một bài bình luận đăng trên báo Los Angeles Times đã chạy hàng tựa như vậy.

Phóng viên công nghệ Dan Lyons của hai báo có ảnh hưởng là Daily Beast và Newsweek viết: "Thật là dã man" trước khi nói với độc giả của mình: "Xét cho cùng, sự trách móc không nằm ở phía Apple và các công ty điện tử khác mà là chúng ta, những người tiêu dùng. Và cuối cùng, chúng ta là những người phải đòi hỏi sự thay đổi".

Cây bình luận Peter Cohan của tạp chí Forbes cũng lên tiếng. "Nếu bạn cộng tổng số những công nhân đã chết để làm ra iPhone, iPad của bạn thì con số rất sốc", ông mở đầu bài viết với hàng tựa đề cập đến ý tưởng một cuộc tẩy chay hàng Apple.

Nhờ iPod, iPhone và nay là máy tính bảng iPad, Apple đã cách mạng lối sống khắp thế giới và xây dựng được một làn sóng sùng bái sản phẩm Apple. Hãng cũng thu về hàng tỷ đô la lợi nhuận, trong đó có phần nhờ nhân công giá rẻ Trung Quốc.

Nhưng phần lớn sự thành công của hãng nằm ở danh tiếng một nhãn hiệu sản phẩm công nghệ thời thượng và nói chung là hình ảnh doanh nghiệp tích cực. Song những câu chuyện về bóc lột lao động ở các nhà máy Trung Quốc hiện là mối đe dọa trực tiếp đến danh tiếng đó.

Trong một email gửi cho nhân viên Apple, CEO Tim Cook đã phản bác các cáo buộc hãng vô cảm: "Chúng ta quan tâm tới mỗi nhân viên ở chuỗi cung cấp toàn cầu của chúng ta. Bất kỳ tai nạn nào cũng là rắc rối sâu sắc và bất kỳ vấn đề nào về điều kiện lao động cũng là mối quan ngại". Ông tiếp tục "đập" lại những chỉ trích Apple: "Bất kỳ ngụ ý nào nói chúng ta không quan tâm là hồ đồ và công kích chúng ta… các cáo buộc như thế là trái với giá trị của chúng ta".

Đầu tháng này, Apple đã có hành động lạ thường là công bố danh sách tất cả các công ty trong chuỗi cung cấp toàn cầu của hãng như một phần trong kết quả kiểm tra năm 2011 về điều kiện nhân quyền ở các nhà máy sản xuất sản phẩm cho hãng.

Tuy nhiên, ngay cả danh sách của Apple cũng cho kết quả ảm đạm. Nó tiết lộ đến 62% của 229 nhà máy không đáp ứng chính sách làm việc tuần tối đa 60 giờ của Apple. Gần 1/3 nhà máy có vấn đề về chất thải độc hại.

Hải Ninh

Chủ đề khác