VnReview
Hà Nội

EU bất đồng về "quyền được lãng quên" của Google

Tại châu Âu (EU), Google sẽ buộc phải "quên" bạn khi được bạn yêu cầu. Nhưng chính "quyền được lãng quên" hiếm có này lại đang chia rẽ bộ máy pháp lý của EU.

Tại châu Âu, Google sẽ buộc phải "quên" bạn khi được bạn yêu cầu. Song, chính "quyền được quên" hiếm có này lại đang chia rẽ bộ máy pháp lý của EU.

Tòa án Tối cao của Liên minh Châu Âu EU đã đưa ra một phán quyết cuối cùng đối với Google, theo đó các bộ máy tìm kiếm trên mạng (bao gồm cả Google – bị đơn trong một vụ án liên quan) sẽ phải đánh giá và xem xét loại bỏ các đường dẫn có nội dung gây tổn hại tới các cá nhân đưa ra yêu cầu. Nếu như đường dẫn tới các kết quả tìm kiếm này không nằm trong phạm vị quan tâm của công chúng, Google sẽ buộc phải xóa bỏ chúng khỏi trang tìm kiếm của mình.

Khởi nguồn của phán quyết nói trên là một vụ kiện do một bác sĩ người Tây Ban Nha đệ đơn. Theo đơn kiện này, các thông tin về các khoản nợ đã được ông này chi trả từ lâu hiện vẫn xuất hiện trên Google một cách dày đặc khi người dùng sử dụng tên ông ta làm từ khóa tìm kiếm. Xuất phát từ vụ kiện đòi hỏi phải gỡ bỏ các thông tin đã lỗi thời có thể gây tổn hại trên Google, phán quyết mới của EU sẽ buộc tất cả các bộ máy tìm kiếm phải sẵn sàng gỡ bỏ thông tin tại cả 28 nước châu Âu thuộc EU. Đây là cách để châu Âu bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

So với Mỹ và các quốc gia khác, EU tỏ ra rất cứng rắn và nghiêm khắc khi theo đuổi quá trình bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Liên minh 28 quốc gia này thường xuyên đối đầu với các công ty Mỹ như Google. Theo các dịch vụ mạng của Mỹ, các yêu cầu phải loại bỏ đường dẫn trên trang của mình, hoặc yêu cầu phải gỡ bỏ các thông tin chưa được kiểm chứng về các nhân vật nổi tiếng, là một loại hình kiểm duyệt nên tránh.

Google và các dịch vụ khác cho rằng, người dùng Internet có quyền được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, bởi vậy mà việc loại bỏ thông tin khỏi các bộ máy tìm kiếm – trừ các trường hợp đặc biệt nhất – sẽ làm vi phạm quyền nói trên. Điều làm cho cuộc tranh cãi càng trở nên phức tạp là Google không tự tung ra các thông tin này mà chỉ đóng vai trò đường dẫn trung gian tới các thông tin nói trên. Nói cách khác, Google nên chịu trách nhiệm ra sao về các thông tin mà họ chỉ làm nhiệm vụ hiển thị trên dịch vụ của mình?

Tại châu Âu, Google sẽ buộc phải "quên" bạn khi được bạn yêu cầu. Song, chính "quyền được quên" hiếm có này lại đang chia rẽ bộ máy pháp lý của EU.

Google đã luôn phải đối đầu với EU về vấn đề độc quyền, và giờ là cả vấn đề quyền riêng tư. Trong ảnh: Joaquin Almunia, Ủy viên phụ trách Cạnh tranh của EU.

Các quan điểm này của Google được chính phủ Mỹ nương tay khá nhiều. Cho tới thời điểm này, chính phủ Mỹ thường kiểm soát quyền riêng tư trên mạng một cách không trực tiếp: Chỉ đưa ra nhiều "hướng dẫn" song lại có rất ít luật quy định – tất cả là để khuyến khích ngành dịch vụ Internet của Mỹ tự điều phối.

Thậm chí, ngay cả khi đánh giá công việc thu thập dữ liệu khối lượng lớn của các công ty và vấn đề riêng tư, Nhà Trắng cũng chỉ giới hạn các "chính sách đề xuất" của mình trong các trường hợp có xảy ra hành vi phạm tội. Ví dụ, Mỹ chỉ đưa ra các bộ luật kiểm soát rằng chính phủ chỉ có quyền xem email cá nhân của người dùng khi tiến hành điều tra tội phạm, hoặc khuyến cáo các công ty phải làm như thế nào khi bị tấn công rò rỉ dữ liệu. Trong khi Nhà Trắng có trả lời một số câu hỏi về việc quyền của các công dân Mỹ và các quốc gia ngoài Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi hành vi thu thập dữ liệu trên diện rộng của các doanh nghiệp, tổng thống Obama không hề trả lời cụ thể câu hỏi liệu Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ có nên đưa ra các bộ luật để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng hay không.

Thực tế, việc chính phủ Mỹ chần chừ không chịu áp dụng các điều luật về quyền riêng tư đã luôn là một điểm giống nhau giữa nước này và các nước EU, đặc biệt là sau hé lộ động trời của cựu nhân viên CIA Edward Snowden về mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ tư nhân trong hoạt động nghe lén hàng triệu người dùng và hàng chục quốc gia khác.

Nhưng ngay cả các vấn đề này cũng gây tranh cãi trong nội bộ EU. Trước khi EU đưa ra phán quyết buộc Google phải chấp thuận các yêu cầu gỡ bỏ thông tin cá nhân, công tố viên Trưởng Niilo Jaaskinen đã khẳng định rằng các cá nhân không nên được quyền yêu cầu các bộ máy tìm kiếm loại bỏ thông tin về họ, nếu như các thông tin này đã được xuất bản một cách hợp pháp.

Do đó, phán quyết cuối cùng của EU đã gây bất ngờ lớn cho Google. Gã khổng lồ tìm kiếm cho biết hiện đang đánh giá xem liệu phán quyết nói trên sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của mình.

"Đây là một phán quyết đáng thất vọng đối với các dịch vụ tìm kiếm và các đơn vị phát hành thông tin trực tuyến nói chung", tuyên bố chính thức của Google khẳng định. "Chúng tôi rất ngạc nhiên rằng phán quyết này quá khác biệt so với quan điểm của Công tố viên Trưởng với những lời cảnh báo và hậu quả mà ông ta đã nhìn thấy. Chúng tôi cần thời gian để xem xét hậu quả".

Lê Hoàng

Theo Washington Post

Chủ đề khác