VnReview
Hà Nội

Cần lập kế hoạch "đón sóng" chuyển dịch nhà máy của Intel, Canon về Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Intel, Samsung, Canon, Fujitsu... đang có xu hướng chuyển dịch nhà máy về Việt Nam. Do đó, các địa phương cần sớm có kế hoạch "đón sóng" phù hợp.

Theo ICTNews, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch nhà máy về Việt Nam. Chẳng hạn, Intel chuyển nhà máy từ Costa Rica về; Samsung có kế hoạch chuyển bớt một phần nhà máy ở Trung Quốc sang; Canon, Fujitsu cũng có xu hướng tương tự. Các địa phương cần có kế hoạch đón sóng chuyển dịch nhà máy này.

Hiện nay, một số địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên đã từng thu hút thành công dự án của Samsung, Foxconn... Điển hình như nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại Thái Nguyên bắt đầu hoạt động từ 10/3/2014, hiện có 5.000 nhân công, dự kiến đến tháng 7 tới sẽ sản xuất được 2 triệu sản phẩm điện thoại/tháng. Đến tháng 8/2014, nhà máy sẽ sản xuất được từ 8 - 9 triệu sản phẩm điện thoại/tháng.

Ngoài Thái Nguyên, Samsung cũng đang vận hành tốt nhà máy tại Bắc Ninh, có công suất sản xuất hàng năm trên 100 triệu sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng, với các dòng như Galaxy S, Galaxy Note, Galaxy Tab… trong đó 95% sản phẩm là xuất khẩu đi 52 quốc gia tại châu Âu, Đông Nam Á, Trung Đông, châu Mỹ… với thương hiệu Samsung "Made in Vietnam". Nhà máy này đang tạo việc làm trực tiếp cho hơn 40.000 lao động kỹ thuật và thu hút hơn 50 nhà đầu tư vệ tinh với khoảng 60.000 lao động. Năm 2013, nhà máy tại Bắc Ninh của Samsung đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam với kim ngạch đạt 23,9 tỉ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hai nhà máy sản xuất của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh đang đưa Việt Nam đang trở thành điểm sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Trọng Đường lưu ý việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT có nhiều điểm đặc thù. Chẳng hạn, những nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp sản xuất điện tử như Samsung, LG, Canon... khi đặt nhà máy tại Việt Nam thường không cần tuyển dụng những nhân lực trình độ quá chuyên nghiệp, chủ yếu chỉ cần số lượng lớn nhân công trình độ phổ thông trung học (có thể cần tới hàng nghìn người), sau khi tuyển dụng thì đào tạo thêm khoảng 3 - 6 tháng sẽ có thể tham gia các dây chuyền sản xuất.

"Hiện Samsung gặp khó khăn về lực lượng lao động ở Bắc Ninh, đang muốn tìm kiếm thêm nguồn nhân lực ở các địa phương khác", ông Nguyễn Trọng Đường bật mí.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Đường, bên cạnh việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các địa phương nên để ý đúng mức hơn tới chuyện thu hút nhà đầu tư trong nước. Nhiều doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam cung cấp dịch vụ thuê ngoài quy trình doanh nghiệp (BPO) như số hóa văn bản, nhập dữ liệu, dùng tổng đài call - center để trả lời qua điện thoại..., hiện cũng cần tuyển số lượng đông nhân lực với trình độ không quá chuyên nghiệp.

"Các địa phương cần sớm có kế hoạch cụ thể để thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài một cách có trọng tâm, trọng điểm, chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi đầu tư...", ông Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh.

Theo ICTNews

Chủ đề khác