VnReview
Hà Nội

Greengar đóng cửa và bài học cho các công ty khởi nghiệp Việt

"Một trong những điều then chốt mà các công ty khởi nghiệp Việt có thể học được từ thất bại của Greengar là: cho dù ứng dụng có hàng triệu lượt tải về và có hơn 1 triệu USD trong ngân hàng, thì cũng không thể đảm bảo cho sự thành công và duy trì khả năng hoạt động dài hạn của công ty".

Đó là lời chia sẻ của Trương Thanh Thủy - người sáng lập Greengar sau khi công ty này chính thức đóng cửa.; 

Gần đây có quá nhiều tin không vui đến từ các công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Vài tuần trước, Lê Thị Thu Thủy, CEO của VinEcom - dự án thương mại điện tử lớn nhất của Việt Nam, đã nghỉ việc. Rita Nguyễn, người sáng lập và là CEO của MySquar cũng rời khỏi công ty. Cách đây vài ngày, Greengar - một trong những công ty khởi nghiệp đầy triển vọng cũng đã chính thức đóng cửa.

Greengar do một cô gái 8X tên là Trương Thanh Thủy sáng lập. Công ty khởi nghiệp này chỉ có vỏn vẹn 5 nhân sự nhưng đã viết được hơn 20 ứng dụng cho điện thoại di động. Ứng dụng thành công nhất của Greengar là Whiteboard đã có hơn 9 triệu lượt tải về. Greengar đã dành giải nhì cuộc thi Women 2.0 PITCH Competition 2013 tổ chức tại Mỹ cho ý tưởng kinh doanh Whiteboard trên iOS, Android và Mac.

Sau cuộc thi tại Mỹ, Greengar đã được Quỹ công nghệ 500 Startups (một quỹ chuyên đầu tư cho những công ty tiềm năng trong lĩnh vực CNTT) sắp xếp cho một văn phòng làm việc tại Silicon Valey và tài trợ kinh phí để phát triển sản phẩm.

CEO Trương Thanh Thủy cũng đã đem Whiteboard đến với diễn đàn "Khởi nghiệp và Công nghệ" do World Bank tổ chức tại Nam Phi và ý tưởng dùng Whiteboard để kết nối thầy và trò trong lớp học đã giành giải nhất.

Sự thành công bước đầu của cô gái trẻ 8x nói riêng và Greengar nói chung đã làm cộng đồng doanh nhân trẻ Việt phấn chấn. Thủy đã được một số tờ báo và đài truyền hình phỏng vấn. Công ty của cô đã kiếm được hơn một triệu USD từ các ứng dụng trên nền tảng di động. Đối với cộng đồng công ty khởi nghiệp Việt, đặc biệt là trong lĩnh vực di động, thì sự thành công của Greengar là một điều hiếm có. Nhưng thật bất ngờ khi cách đây vài ngày, Greengar đã tuyên bố đóng cửa.

Trong một bài viết ngắn với tựa đề: "Thất bại từ sự thành công" đăng tải trên blog cá nhân, CEO Trương Thanh Thủy đã  viết: "Tôi rất cảm kích vì đã nhận được sự hỗ trợ của mọi người, ở Việt Nam lẫn Silicon Valey, cả về thời gian và tài chính. Đặc biệt là sự trợ giúp từ người đồng sáng lập, đội ngũ kỹ sư, các nhà tư vấn và đầu tư tài chính. Người dùng chính là nguồn cảm hứng lớn nhất giúp chúng tôi tạo ra các ứng dụng thú vị trong 5 năm qua...

... Một trong những điều then chốt mà các công ty khởi nghiệp Việt có thể học được từ thất bại của Greengar là: cho dù ứng dụng có hàng triệu lượt tải về và có hơn 1 triệu USD trong ngân hàng, thì cũng không thể đảm bảo cho sự thành công và duy trì khả năng hoạt động dài hạn của công ty".

Sự rút lui của Greengar là do các ứng dụng của công ty đã không có được mô hình kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt với Whiteboard - ứng dụng mà công ty này đặt nhiều tâm huyết, đã không cất cánh như mong đợi.

Cùng với sự đóng cửa gần đây của Saigon Hub – không gian làm việc cộng tác lớn nhất Việt Nam, những tin không vui dồn dập tới có thể khiến cho nhiều người trong ngành công nghệ cảm thấy buồn lòng. Thực tế cho thấy một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp đã thất bại cho dù họ đã phát triển lớn mạnh tới đâu.

May thay, vẫn còn có những tin vui. Theo trang Tech in Asia thì vừa qua đã có ít nhất 5 công ty khởi nghiệp nhận được vốn đầu tư phát triển. Chúng ta phải ghi nhận rằng hiện có rất nhiều doanh nhân trẻ dám đứng lên thành lập công ty và không sợ thất bại. Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh mẽ và thất bại chỉ là dấu hiệu của sự trưởng thành. 

Đăng Khoa

Theo Tech in Asia

Chủ đề khác