VnReview
Hà Nội

Facebook đối xử với người dùng như... chuột bạch

Tranh cãi lớn đang nổ ra về những thông tin cho rằng hồi năm 2012, Facebook đã tiến hành cuộc khảo sát tâm lý lớn đối với gần 700.000 người dùng. Tuy nhiên, không ai trong số này biết họ đang bị đưa ra làm thí nghiệm.

Theo Wall Street Journal, để xác định xem liệu trạng thái tình cảm của người dùng có thể thay đổi hay không, và để kích thích người dùng đăng tải các nội dung cả tích cực lẫn tiêu cực, các chuyên gia nghiên cứu dữ liệu của Facebook đã tiến hành một thuật toán trong 1 tuần, tự động bỏ qua những nội dung có chứa các từ gắn liền với những tình cảm tích cực hoặc tiêu cực trên trang News Feed của 689.003 người dùng, điều đáng nói nữa là những người dùng này hoàn toàn không biết đến cuộc khảo sát này của Facebook.

Nghiên cứu trên được đăng trong số tháng Ba của tạp chí hoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, nó đã làm đã nổ ra một cuộc tranh cãi, giận dữ, nhiều người chỉ trích rằng Facebook đang đùa giỡn với tình cảm người dùng và xem người dùng như những con chuột bạch.

"Điều nhiều người chúng tôi lo sợ đã xảy ra: Facebook đang dùng chúng tôi như những chú chuột bạch, không chỉ để biết chúng tôi sẽ phản ứng với các quảng cáo nào mà còn thực sự thay đổi tình cảm của chúng tôi", Animalnewyork.com, một blog rất thu hút với nghiên cứu trên, viết.

Từ lâu, Facebook vẫn tiến hành các cuộc thí nghiệm xã hội. Đội Data Science Team của Facebook có nhiệm vụ thu thập thông tin của hơn 800 triệu người dùng đăng nhập mỗi ngày để thực hiện nghiên cứu.

Adam Kramer, nhà khoa học dữ liệu của Facebook, người dẫn đầu nghiên cứu trên, cho biết động lực của nghiên cứu trên là do một số người dùng Facebook phàn nàn rằng: Liên tục sử dụng Facebook và xem tất cả những điều tốt đẹp, tuyệt vời mà người khác đăng tải lên khiến mọi người cảm thấy cuộc sống riêng của họ thật tồi tệ. Ông Kramer nói rằng, nghiên cứu nỗ lực xác định xem quan niệm trên đúng hay sai. Và ông nhận định suy nghĩ như thế là sai.

Tuy nhiên, cuộc tranh cãi còn căng thẳng ở vấn đề ranh giới giữa sự riêng tư của người dùng với tham vọng của các tập đoàn nắm giữ dữ liệu của họ. Những công ty như Facebook, Google và Twitter hầu hết dựa vào doanh thu quảng cáo do dữ liệu người dùng mang lại. Vì thế, họ thu thập và lưu giữ lượng lớn thông tin cá nhân. Không phải tất cả thông tin đó đều được dùng để quảng cáo – hay ít nhất là chưa được dùng. Trong trường hợp Facebook, vô số thông tin người dùng nằm trong các máy chủ của họ. Facebook làm gì với tất cả thông tin cá nhân này vẫn là điều mà công chúng chưa biết rõ.

Nhóm Data Science của Facebook thỉnh thoảng vẫn dùng thông tin để làm nổi bật các sự kiện hiện tại. Gần đây, họ đã dùng nó để xác định có bao nhiêu người đã đến Brazil để xem World Cup. Những nghiên cứu này không khiến mọi người ngạc nhiên. Nhưng việc thao túng tình cảm người dùng lại khiến họ lo lắng.

"Không thể chấp nhận được những điều khoản buộc mọi người trên Facebook phải tham gia vào các cuộc thí nghiệm", Kate Crawford, giáo sư thỉnh giảng của Trung tâm Civic Media thuộc đại học MIT và là nhà nghiên cứu kỳ cựu của Microsoft Research, nói.

Bà Crawford nói rằng, điều đó cho thấy một vấn đề lớn hơn trong ngành công nghiệp nghiên cứu dữ liệu. Đạo đức "không phải là thứ chính yếu trong chương trình giáo dục của các nhà khoa học dữ liệu" bà nói, "dù rõ ràng nó cần phải trở thành môn học chính".

Một blogger của trang Forbes.com nói: "Liệu có thể chấp nhận được không khi mà Facebook đưa chúng tôi ra nghiên cứu? Đó là phát hiện hay, nhưng tận dụng trạng thái tình cảm của những người dùng vô tư là điều không thể được".

Trang Slate.com còn gọi thí nghiệm của Facebook là "vô đạo đức" và "Facebook cố ý khiến hàng ngàn, hàng ngàn người dùng buồn khổ".

Ông Kramer đã bảo vệ khía cạnh đạo đức của dự án. Ông xin lỗi vì những ngôn từ trong nghiên cứu mà ông đã nói ra có thể khiến cuộc thí nghiệm trở nên đáng ngờ hơn. Trong khi đó, Facebook bao biện rằng nghiên cứu được thực hiện nặc danh, vì thế các nhà nghiên cứu không thể biết tên của các chủ thể nghiên cứu.

Kramer cho biết, các nội dung – cả tích cực lẫn tiêu cực – đã bị gỡ bỏ khỏi một số News Feed của người dùng có thể sẽ xuất hiện sau đó.

Người dùng Facebook đã có rất nhiều bình luận trên trang Facebook của Kramer. Chủ đề các bình luận rất rộng, từ những người không có vấn đề gì với nội dung, đến những người nghĩ Facebook nên đáp lại bằng cách dành tặng tiền giúp những người đang gặp các vấn đề về sức khoẻ tinh thần.

Dù thế nào, với việc vô tư sử dụng mạng xã hội này, theo một cách gián tiếp thì người dùng Facebook cũng coi như đã đồng ý với các điều khoản cho phép Facebook có thể đối xử với họ theo nhiều cách khác nhau, nếu không muốn nói là "thế nào cũng được".

Còn bạn đọc VnReview, liệu bạn có cảm thấy thoải mái khi bạn cũng đang được FB đưa vào danh sách đối tượng thí nghiệm cho các dự án "nghiên cứu" của họ.

Hoàng Lan

Theo Wall Street Journal

Chủ đề khác