VnReview
Hà Nội

MobiFone sẽ là Tổng công ty kinh doanh đa dịch vụ với vốn điều lệ 12.600 tỷ đồng

Với mô hình Tổng công ty kinh doanh đa dịch vụ có vốn điều lệ 12.600 tỷ đồng, MobiFone sẽ có điều kiện để cạnh tranh bình đẳng trong thế chân vạc VNPT - Viettel - MobiFone.

Tại Hội nghị công bố các quyết định chuyển Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ TT&TT quản lý từ 1/7/2014 vừa diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son yêu cầu VMS chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để khẩn trương xây dựng Đề án tổ chức lại Công ty VMS thành Tổng công ty MobiFone.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, VMS đang là một trong những công ty lớn, ở Việt Nam, ít công ty nào được như VMS, có vốn điều lệ tới 12.600 tỷ đồng, quy mô kinh doanh dịch vụ phủ cả trong nước và quốc tế, doanh thu năm ngoái đạt 39.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 4.100 cán bộ nhân viên (trên 90% tốt nghiệp đại học). Doanh nghiệp này cũng đang áp dụng phương thức quản trị rất tiên tiến.

"Nhiệm vụ trọng tâm của VMS trong thời gian tới là phải xây dựng Đề án thành lập Tổng công ty MobiFone như một tổng công ty kinh doanh dịch vụ CNTT - viễn thông một cách hoàn chỉnh, tạo thành mạng viễn thông lớn của đất nước. Đề án này sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Song song với việc xây dựng Đề án, VMS phải xây dựng dự thảo điều lệ hoạt động của Tổng công ty để có cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của những năm tiếp theo. Điều lệ của Tổng công ty MobiFone sẽ do Bộ TT&TT phê duyệt", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 877 ngày 26/4/2014 của Bộ TT&TT về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động VMS từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ TT&TT, với vốn điều lệ 12.600 tỷ đồng, VMS sẽ triển khai 5 ngành nghề kinh doanh chính gồm: Đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT; Lắp ráp và sản xuất các thiết bị điện tử, viễn thông, CNTT; Tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây lắp chuyên ngành điện tử, viễn thông, CNTT; Kinh doanh các thiết bị điện tử viễn thông, CNTT; Bảo trì, sửa chữa thiết bị chuyên ngành điện tử viễn thông, CNTT.

Bốn ngành nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính gồm: Xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị viễn thông phục vụ hoạt động của đơn vị; Đầu tư tài chính trong lĩnh vực viễn thông, CNTT theo quy định của pháp luật; Dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, CNTT; Cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông.

Ông Mai Văn Bình, Tổng Giám đốc kiêm phụ trách chức vụ Chủ tịch VMS nhận định việc hình thành Tổng công ty sẽ giúp VMS tăng khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nhà khai thác mạng khác, tạo thế chân vạc trên thị trường viễn thông với 3 chân kiềng gồm VNPT (VinaPhone) - MobiFone - Viettel.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của MobiFone diễn ra tháng 1/2014, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất năm 2014 của Bộ TT&TT là phải tiến hành tái cơ cấu VNPT. Theo định hướng của Bộ TT&TT trình Chính phủ thì sẽ tách MobiFone ra khỏi VNPT thành lập Tổng công ty Thông tin di động MobiFone. Đây sẽ là Tổng công ty cung cấp đa dịch vụ trong đó có dịch vụ thông tin di động.

Cùng với việc nghiên cứu hình thành Đề án thành lập Tổng công ty MobiFone, VMS sẽ khẩn trương nghiên cứu phương án cổ phần hóa để trình Bộ TT&TT và Chính phủ vào cuối năm nay. Thứ trưởng Lê Nam Thắng từng khẳng định việc tách MobiFone ra khỏi VNPT là để đảm bảo có doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với VNPT và Viettel, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa MobiFone. Khi cổ phần hóa MobiFone, Nhà nước sẽ nắm 75%, còn lại sẽ kêu gọi đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài.

Theo;ICTNews

Chủ đề khác