VnReview
Hà Nội

Nhìn lại 2 năm "chảy máu nhân tài" của HTC

Kể từ năm 2012 tới nay, có tới 22 thành viên quản lý cao cấp của HTC đã lần lượt rời khỏi công ty. Một số ra đi vì lý do cá nhân, một số khác phải đối mặt với cáo buộc hình sự, số còn lại thì chuyển sang công ty khác.

Nhìn lại hai năm "chảy máu nhân tài" của HTC

Đa số những sự ra đi này là do xuất phát từ những thất bại của HTC, hãng sản xuất smartphone này đã có những quyết định sai lầm tai hại dẫn tới lợi nhuận bị suy giảm trong thời gian dài, từ cuối năm 2011 tới nay. Chúng ta hãy cùng điểm lại những vụ chia tay đáng nhớ từ khi quá trình tháo chạy hàng loạt diễn ra cho tới bây giờ.

Tháng 4/2012

Chỉ tám tháng sau khi HTC ký thỏa thuận trị giá 300 triệu USD với Beats Electronics, thỏa thuận cho phép HTC sử dụng công nghệ âm thanh của Beats trong các smartphone của hãng, giám đốc tài chính (CFO) Winston Yung của HTC đã rời khỏi công ty. CEO Peter Chou phủ nhận tin đồn rằng sự ra đi của Yung có liên quan tới thỏa thuận của HTC với Beats, mặc dù thực tế là chỉ ba tháng sau đó HTC đã bán được rất nhiều cổ phiếu. Thật không may, Beats không phải là lý do duy nhất khiến Yung quyết định rời khỏi công ty, tài chính của HTC là một xoắn ốc đi xuống không có điểm dừng, một điều gây ảnh hưởng xấu tới công ty cho tới tận bây giờ.

Nhìn lại hai năm "chảy máu nhân tài" của HTC

Những đóng góp của Yung với HTC vẫn là những thông tin bí mật, ngay cả trang LinkedIn của ông cũng đề cập rằng tháng 4/2012 là thời điểm chấm dứt sự nghiệp của ông ở HTC. Yung hiện là một đối tác của McKinsay & Company ở Hồng Kông.

Tháng 11/2012

HTC thông báo rằng CMO John Wang (bộ não đằng sau chiến dịch lặng lẽ tỏa sáng "quietly brilliant") sẽ rời khỏi công ty vào tháng 12, mặc dù quá trình thay thế ông đã bắt đầu từ tháng trước.

Nhìn lại hai năm "chảy máu nhân tài" của HTC

HTC không tiết lộ chi tiết những gì đã xảy ra, nhưng rõ ràng Chou muốn dịch chuyển các nỗ lực tiếp thị của hãng theo hướng khác. Wang bị thay thế bởi Benjamin Ho, cựu CMO của Motorola. Khi Ho bắt đầu công việc vào tháng 1/2013, nhiệm vụ đầu tiên của ông được mệnh danh là "Marketing 2.0", tập trung vào thương hiệu tiếp cận thị trường đại chúng và "tiếp thị toàn diện".

Tháng 3/2013

Tháng 3/2013 là một tháng khó khăn với chi nhánh HTC tại Vương quốc Anh. Chỉ một tuần trước khi HTC One M7 ra mắt, Giám đốc HTC Vương quốc Anh Phil Roberson đã rời khỏi công ty với lý do không thể chịu được áp lực công việc và muốn dành nhiều thời gian hơn cho vợ mình. Roberson, hiện đang làm việc cho Vodafone,; gắn bó với HTC chưa được hai năm cho tới khi được thay thế bởi Philip Blair, phó chủ tịch sản phẩm và vận hành khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Một tuần sau, trưởng bộ phận bán hàng Vương quốc Anh Michael Coombes và trưởng bộ phận marketing Vương quốc Anh James Atkins cũng ra đi theo Roberson. Lý do thôi việc không được tiết lộ ở thời điểm đó, nhưng sau đó hai người này tuyên bố rằng họ đã thành lập một hãng điện thoại của riêng họ với tên gọi Kazam, hiện tại Kazam đang cung cấp hai smartphone và một điện thoại tính năng.

Tháng 4 và 5/2013

Ngay sau khi HTC ra mắt One M7 và HTC First, bảy đại diện cao cấp của hãng đã chia tay với công ty bao gồm: Giám đốc sản phẩm Kouji Kodera, CEO Nam Á Lennard Hoornik, Giám đốc marketing bán lẻ toàn cầu Rebecca Rowland, Giám đốc marketing kỹ thuật số John Starkweather, trưởng bộ phận dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu Elizabeth Griffin, Phó chủ tịch truyền thông toàn cầu Jason Gordon và Quản lý chiến lược sản phẩm Eric Lin.

Nhìn lại hai năm "chảy máu nhân tài" của HTC

Sau khi gắn bó với HTC trong ba năm, Kodera ra đi "để theo đổi những sở thích khác", theo một tuyên bố chính thức của HTC. Kodera ngay sau đó đã thành lập một công ty khởi nghiệp sản xuất thiết bị có thể mang theo có tên Zero360. Hoornik, người đã nghỉ phép hai tháng mà không có lý do, đã gia nhập Dyson trong tháng tiếp theo. Rowland chuyển sang Microsoft và sau đó là Amazon; Starkweather đầu quân cho AT&T; Griffin nhận việc mới tại Nintendo; Gordon chuẩn bị thành lập một công ty khởi nghiệp còn Lin hiện đang làm việc trong nhóm Skype của Microsoft.

Sự ra đi của rất nhiều tên tuổi lớn trong công ty khiến người ta đồn rằng điều kiện làm việc tại HTC không tốt. Ngọn lửa được thổi bùng lên khi Lin đăng lên Twitter cá nhân một dòng trạng thái với nội dung kêu gọi đồng nghiệp cũ rời khỏi công ty. Thời điểm đó HTC đã gần như "rơi tự do", theo The Verge.

Tháng 6/2013

Đầu tháng 6/2013, COO Matthew Costello đã rời khỏi HTC. Theo một email nội bộ vẫn giữ vị trí cố vấn cho HTC ở châu Âu, nhưng một năm sau ông đã nhận vị trí COO của Beats. Một số nhà phân tích lại cho rằng sự ra đi của Matthew Costello là dấu hiệu tốt cho HTC. Bamboo Lin, một nhà phân tích của SinoPac Securities, đã chia sẻ với Bloomberg Businessweek rằng HTC có quá nhiều giám đốc và một sự tinh giản vừa phải sẽ có lợi cho hãng điện tử Đài Loan.

Tháng 8 và 9/2013

Đây có thể là bê bối nội bộ lớn nhất trong năm của HTC, ba nhà thiết kế hàng đầu của công ty đã bị bắt (sau đó bị truy tố) vì tiết lộ bí mật thương mại, làm sai lệch chi phí và nhận hối lộ từ các nhà cung cấp. Phó chủ tịch phụ trách thiết kế Thomas Chien, Giám đốc R&D Bill Wu và Quản lý cao cấp thiết kế và sáng tạo Justin Huang đã lên kế hoạch rời khỏi công ty để thành lập một hãng sản xuất smartphone của riêng họ. Bộ ba này đã tiết lộ thiết kế của Sense 6.0 cho một đối tác kinh doanh mà họ định hợp tác. Ba người này phải bồi thường hàng triệu đô la và phải chịu ít nhất là 10 năm tù cho mỗi tội danh.

Nhìn lại hai năm "chảy máu nhân tài" của HTC

Ngoài ra, Chủ tịch HTC Trung Quốc Ray Yam cũng bị giáng chức xuống vị trí giám sát tình hình phát triển thị trường mới nổi. Hiện tại ông chuyển sang làm giám đốc điều hành cho Electrolux.

Tháng 10/2013

Mới tới HTC được bốn tháng, Phó chủ tịch toàn cầu phụ trách PR và truyền thông Lorain Wong đã rời khỏi công ty vì lý do cá nhân. Mặc dù cô đã đồng ý ở lại như một nhà tư vấn trong vài tháng nhưng sau đó cô đã nhận vị trí CMO của Global Cloud Xchange, một công ty tư nhân sở hữu hệ thống cáp quang lớn dưới đáy biển.

Tháng 4/2014

Nhìn lại hai năm "chảy máu nhân tài" của HTC

 

Người tiếp theo rời HTC là Phó chủ tịch cao cấp phụ trách thiết kế và trải nghiệm người dùng Scott Croyle, người nhận vị trí mà Kodera bỏ lại gần một năm trước và chịu trách nhiệm thiết kế và phát triển phần cứng của One M8. Không một lý do chính thức nào được công bố. Đây là một đòn đau cho HTC. Về mặt thiết kế, mất hai giám đốc thiết kế trong vòng chưa đầy một năm là một điều tệ hại. HTC tuyên bố rằng đây là một phần trong quá trình chuyển đổi lâu dài, Croyle sẽ đảm nhiệm vai trò tư vấn và sẽ tập trung vào "các dự án đặc biệt". Tuy nhiên, theo trang cá nhân của Croyle trên LinkedIn, sự nghiệp của ông tại HTC đã chính thức kết thúc vào tháng 4/2014.

Tháng 7/2014

Các tin tức mới nhất cho thấy, HTC sắp mất thêm hai giám đốc cao cấp, CMO Ben Ho xin từ chức và Chủ tịch kỹ thuật và vận hành Fred Liu xin nghỉ hưu. Trong nhiệm kỳ ngắn của mình Ho chịu trách nhiệm chiến dịch 1 tỷ USD "Here's to Change" của HTC với sự tham gia của "người sắt" Robert Downey Jr.. Sự thất bại của chiến dịch chính là nguyên nhân khiến Ho phải ra đi. Ho sẽ gắn bó với HTC cho tới hết năm nay nhưng với những cống hiến hạn chế.

Đối với Liu, ông đã gắn bó với HTC 16 năm, nhưng ông sẽ không hoàn toàn rời khỏi công ty. Sau này ông sẽ không đảm nhiệm nhiều công việc của HTC mà chỉ đóng vai trò "cố vấn chiến lược".

Mặc dù sự ra đi của Liu được coi là nghỉ hưu nhưng nhiều người lại cho rằng đây là một động thái "rút lui an toàn" bằng cách chuyển sang giữ chức vụ nhỏ hơn, một con đường mà nhiều lãnh đạo khác, những người đã rời HTC trong hai năm qua, đã thực hiện. Thực tế, The Verge cho rằng ít nhất một trong hai người này đã bị "sa thải theo cách rất đẹp".

Kết

Bên cạnh bộ ba bị khởi tố vào cuối năm ngoái, danh sách giám đốc đã rời khỏi HTC có thể được chia thành hai phe. Một số trong số họ, chủ yếu phụ trách thiết kế và quản lý sản phẩm, dường như đã ra đi theo cách riêng của họ, bởi họ không hài lòng với phương hướng của công ty hoặc đã bị cuốn theo nhiều yếu tố hỗn loạn khác của doanh nghiệp. Một số người khác, chủ yếu phụ trách tiếp thị và các hoạt động, đã buộc phải từ chức, thường là ngay sau những thất bại tốn kém của HTC: hợp tác với Beats, HTC First và chiến dịch marketing Robert Downey Jr..

Nhìn lại hai năm "chảy máu nhân tài" của HTC

Xét về mặt tích cực, điều này chỉ ra rằng một cuộc thanh lọc đang diễn ra bên trong HTC, những người gây ra những thất bại nặng nề cho công ty trong hai năm qua đã phải ra đi, và những nhân tố mới là điều tốt cho hầu hết các công ty, đặc biệt là những người đã từng trải qua xung đột nội bộ và suy thoái tài chính. Mặt khác, liệu có tìm ra những tài năng mới sẵn sàng đảm nhận những thách thức, tham gia vào hội đồng quản trị để giúp HTC vượt qua khó khăn? Nếu câu trả lời là có, HTC sẽ có cơ hội tìm lại danh tiếng và khôi phục thị trường của hãng. Nhưng nếu câu trả lời là không, HTC sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong vài năm tới, thậm chí có nguy cơ bị thâu tóm bởi các đối thủ cạnh tranh.

Theo bạn đọc VnReview, liệu HTC có vượt qua được gót chân achilles của những công ty đồng cảnh như Nokia, Motorola,... hay không?

Hoàng Kỷ

Theo Engadget

Chủ đề khác