VnReview
Hà Nội

Android chịu thua iOS trong mảng doanh nghiệp?

Hệ điều hành Android của Google ngày càng gia tăng thị phần di động. Tuy nhiên vẫn còn một lĩnh vực rất quan trọng khác có thể sinh lợi nhuận cao mà Google đang bỏ qua, đó là mảng doanh nghiệp.

Hãng nghiên cứu Gartner dự đoán chi tiêu trong lĩnh vực IT của giới doanh nghiệp trong năm 2014 sẽ là 3,7 tỷ USD. Phần lớn trong số đó được dành cho smartphone, máy tính bảng cũng như các dịch vụ và ứng dụng hỗ trợ đi kèm.

byod Apple Android doanh nghiệp iOS Google

BlackBerry đã độc chiếm lĩnh vực doanh nghiệp trong nhiều năm song vẫn không cứu nổi thất bại trong mảng khách hàng cá nhân. Apple đang dần có mặt thông qua phong trào BYOD (mang thiết bị cá nhân tới nơi làm việc) và đã thấy được tiềm năng. Mặc dù đã có những bước đi nghiêm túc như tung ra dịch vụ đám mây Google Apps for Business phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp, Google vẫn chưa có một chiến lược tương xứng cho Android.

Liệu có phải Google đã bỏ lỡ cơ hội, hay vẫn còn chỗ trên thị trường cho gã khổng lồ tìm kiếm thâm nhập?

Apple củng cố vị thế

Theo dữ liệu đến từ 5.000 công ty trên 184 quốc gia của hãng bảo mật và quản lý thiết bị di động Good Technology, iOS đã có mặt trên 72% số máy được kích hoạt trong giới doanh nghiệp quý I/2014. Trong số đó, 51% là iPhone và 21% là iPad.

CEO Tim Cook của Apple cho biết iOS thậm chí còn chiếm thế thượng phong tại các công ty và tập đoàn nổi tiếng. Theo đó, "hơn 98% doanh nghiệp có mặt trong danh sách Fortune 500 và trên 92% trong danh sách Global 500 sử dụng iOS cho công việc". Con số này được ước tính từ trước khi Apple và IBM tuyên bố hợp tác.

Không chỉ bán phần mềm cho các thiết bị iOS thông qua thỏa thuận mới, IBM còn sẵn sàng cung cấp 100.000 nhân viên tư vấn và lập trình viên để giúp Apple tiến xa hơn. Hơn nữa, IBM còn có kế hoạch "bán iPhone và iPad trên toàn cầu, được cài sẵn các ứng dụng doanh nghiệp tùy theo ngành nghề".

byod Apple Android doanh nghiệp iOS Google

Những điều trên không có nghĩa rằng Google không thể làm gì để tăng thị phần của Android trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, công ty đã để cho Apple dẫn trước với khoảng cách khá xa, trong khi giới doanh nghiệp thường tỏ ra chậm chạp trong việc áp dụng công nghệ mới. Một trong những lý do khiến BlackBerry còn tồn tại là bởi các công ty chưa thể rũ bỏ Dâu đen ngay lập tức. Nếu Apple đã củng cố được vị trí trong mắt rất nhiều khách hàng, hơn nữa lại được tiếp thêm sức lực bởi IBM – một ông lớn trong giới doanh nghiệp – sẽ rất khó để có thể lật đổ ngôi vị này.

BYOD sẽ là con đường tiếp cận hiệu quả

Người dùng đang có xu hướng mang các thiết bị di động của họ tới nơi làm việc. Ngày càng có nhiều công ty thiết lập chính sách để ủng hộ xu hướng này thông qua tăng cường hỗ trợ IT để cấp quyền truy cập cho những thiết bị cá nhân vào những hệ thống cần thiết. Nhiều công ty hiện đang cho phép BYOD 100% và ước tính sẽ còn nhiều công ty nữa sẽ làm vậy trong những tháng tới. Tuy nhiên, bản thân Android cũng đang gặp phải một số trở ngại.

Bảo mật và phân mảnh

Bảo mật là một trong những vấn đề được giới doanh nghiệp quan tâm nhất. BYOD giúp họ tiết kiệm chi phí, tăng mức độ thoải mái cho nhân viên, khuyến khích mọi người làm thêm giờ nhưng cũng mang trong mình những mối nguy về bảo mật. Một cuộc khảo sát của Gartner hé lộ rằng có tới 25% người dùng doanh nghiệp "thú nhận đã gặp phải một vấn đề bảo mật với thiết bị cá nhân trong năm 2013, nhưng chỉ có 27% trong số này cảm thấy cần phải báo cáo với cấp trên".

Android vốn có tiếng tăm không mấy tốt đẹp về mức độ bảo mật. Hơn nữa, đặc tính phân mảnh cũng là một cơn đau đầu mà phòng IT phải giải quyết khi cố gắng đưa ra một chính sách quản lý thiết bị di động vững chãi.

Với những khách hàng doanh nghiệp mua máy số lượng lớn, iOS sẽ là một sự lựa chọn hấp dẫn. Apple đã đơn giản hóa công đoạn phân phát máy cho nhân viên của doanh nghiệp thông qua công cụ "Streamlined Setup Assistant", giúp cài đặt iPhone và iPad ngay từ khi chưa mở hộp.

Android for Work

byod Apple Android doanh nghiệp iOS Google

Tại hội nghị các nhà phát triển vừa qua, Google đã giới thiệu Android for Work (Android cho công việc) dành cho giới doanh nghiệp. Đây là công cụ cho phép người dùng phân chia dữ liệu cá nhân và công việc trên cùng một thiết bị Android. Tính năng này đã có mặt trên BlackBerry với tên gọi Balance, và cũng đã được tích hợp trong Samsung Knox.

Android for Work sẽ có mặt trong Android L nhưng cũng được hỗ trợ cho các thiết bị chạy Ice Cream Sandwich trở lên. Nó sẽ mang trong mình một số tính năng quản lý thiết bị di động rất quan trọng, cũng như cấp quyền điều khiển cho phòng IT để Android trở nên an toàn hơn với BYOD. Ngoài ra, giao diện lập trình ứng dụng (API) cũng được phát hành để các hãng quản lý di động doanh nghiệp có thể tích hợp vào phần mềm của riêng mình.

Samsung thúc đẩy Android phát triển

Lý do Android for Work khá giống với Knox là bởi Samsung đã đóng góp rất nhiều cho công cụ này. Chinh phục thị trường doanh nghiệp bằng phần cứng có thể không có nhiều ý nghĩa với Google nhưng lại rất quan trọng với Samsung. Lợi nhuận trong ngành này khá cao, đó cũng là lý do Apple bỏ ra rất nhiều công sức bởi thị trường cá nhân đang dần đạt mức bão hòa và Quả táo không muốn tiến vào phân khúc giá rẻ.

byod Apple Android doanh nghiệp iOS Google

Google tỏ ra vui mừng vì thị phần liên tục tăng, hơn nữa hãng cũng đã có mặt trong mảng doanh nghiệp thông qua các ứng dụng của mình. Dường như lãnh đạo Samsung đã nhận ra rằng nếu họ muốn máy Galaxy thu hút được sự chú ý của các tổ chức, họ sẽ phải tự thân vận động. Đây thực ra là cuộc chiến giữa Apple và các hãng di động Android, dẫn đầu bởi Samsung thay vì giữa Apple và Google.

Cơ hội ngoài nước Mỹ

Dường như tình hình có nhiều nét tiêu cực hơn là tích cực với Android, song Mỹ không phải là thị trường duy nhất mang đầy cơ hội. Một cuộc nghiên cứu của IDC cho biết tại các tập đoàn Mỹ, iPhone chiếm 82% tổng số smartphone còn iPad chiếm 73% tổng số máy tính bảng. Tuy nhiên, con số trên toàn cầu lần lượt chỉ là 36% và 39%.

Nhờ thị phần lớn và đang tiếp tục tăng trưởng, xu hướng BYOD sẽ mang nhiều máy Android hơn tới giới doanh nghiệp. Nếu Samsung có thể kéo Google và các hãng di động lại gần với nhau hơn, tạo ra một Android đủ hấp dẫn với các công ty, chắc chắn hệ điều hành này sẽ vững bước vào thị trường doanh nghiệp không chỉ ở bên trong nước Mỹ.

Việt Dũng

Theo Android Authority

Chủ đề khác