VnReview
Hà Nội

T-Mobile bị đòi bồi thường vì đăng ký dịch vụ "hộ" khách hàng

Uỷ ban Thương mại Mỹ (FTC) mới đây buộc tội nhà mạng T-Mobile đã tính phí gian lận hàng trăm triệu USD các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng, trong khi khách hàng không hề đăng ký sử dụng những dịch vụ đó.

FTC cho rằng T-Mobile đã nhận "từ đâu đó" 35% đến 40% tổng số tiền cước mà các thuê bao phải trả cho những dịch vụ SMS như những lời khuyên khi tỏ tình, thông tin tử vi hay những chuyện lá cải của các ngôi sao. Những dịch vụ SMS này có mức phí khoảng 9,99 USD/tháng. Theo cáo buộc của FTC, trong một số trường hợp, T-Mobile vẫn tiếp tục tính phí dịch vụ "ma" này nhiều năm ngay cả khi đã phát hiện ra dấu hiệu gian lận.

"Một công ty như T-Mobile lại kiếm lời từ sự gian lận đối với khách hàng là hoàn toàn sai trái, đặc biệt khi có những dấu hiệu rõ ràng việc tính phí mà T-Mobile áp đặt là gian lận", nữ chủ tịch Edith Ramiez của FTC nói. "Mục đích của FTC là đảm bảo T-Mobile phải hoàn tiền lại cho tất cả khách hàng đã bị tính phí gian lận này".

Đối với dịch vụ của bên thứ ba, nhà mạng sẽ tính phí trên hoá đơn điện thoại của thuê bao và thường nhận lại một khoản phần trăm trên tổng số phí đó. Khi mức phí bị tính nhưng không phải do thuê bao sử dụng, đó được xem là "lừa đảo".

FTC cho rằng do có số lượng thuê bao yêu cầu T-Mobile phải hoàn tiền là quá nhiều, tới mức có thể trở thànhlà dấu hiệu cho thấy họ không hề đăng ký sử dụng các dịch vụ đó. Các tài liệu nội bộ của công ty còn cho thấy T-Mobile đã nhận được phàn nàn của rất nhiều khách hàng về vấn đề này ít nhất là từ năm 2012.

FTC đã có nhiều nỗ lực chấm dứt tình trạng lừa đảo này. Trong năm ngoái, ngoài việc tổ chức hội thảo về lừa đảo trên di động, FTC còn có đơn kiện một số hãng dịch vụ giá trị gia tăng lừa đảo như Jesta Digital, Wise Media, và Tatto Inc. Vụ việc T-Mobile tính phí các dịch vụ "ma" ngày hôm nay liên quan đến hãng dịch vụ Texas Attorney General.

Ngoài ra, FTC còn cho rằng cơ chế tính phí của T-Mobile khiến khách hàng khó nhận ra họ đang bị tính phí. Khi khách hàng xem bản tổng kết cước trực tuyến của T-Mobile, nó không liệt kê cho họ thấy rằng họ đang bị tính phí bởi bên thứ ba, hay đó là mức phí thuê bao định kỳ. Các tiêu đề phí chỉ được liệt kê dưới dạng "Premium Services" (Dịch vụ mất phí), và khách hàng chỉ có thể xem rõ hơn sau khi click vào một tiêu đề khác mang tên "Use Charges" (các phí sử dụng). Ngay cả khi click vào đó, họ vẫn không thể xem đầy đủ từng mức phí riêng biệt.

Các hoá đơn cước điện thoại đầy đủ của T-Mobile có thể dài đến hơn 50 trang, khiến khách hàng gần như không thể tìm và hiểu những khoản cước thuê bao của bên thứ ba. Thậm chí, thông tin còn được liệt kê dưới dạng viết tắt, chẳng hạn như "8888906150BrnStorm23918", và không hề giải thích đó là cước thuê bao của bên thứ ba do khách hàng đăng ký. Ngoài ra, khách hàng trả trước không nhận được hoá đơn cước hàng tháng, và mức phí thuê bao bị trừ luôn trong tài khoản trả trước của họ mà họ không hề biết.

John Legere, CEO của T-Mobile USA

Khi khách hàng nhận ra họ đang bị trừ phí những dịch vụ mà họ không đăng ký, T-Mobile lại không hoàn trả đầy đủ cho khách hàng. Trong một số trường hợp, T-Mobile cho rằng khách hàng đã đăng ký dịch vụ, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng.

FTC muốn toà án ra lệnh ngăn chặn T-Mobile vĩnh viễn không dính líu đến các hoạt động lừa đảo trên di động và phải hoàn tiền cho khách hàng. FTC cũng đã nhờ đến Uỷ ban Truyền thông Mỹ (FCC) và Cục Thi hành hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ trong trường hợp này.

John Legere, CEO của T-Mobile USA cho rằng những phàn nàn của FTC là không có căn cứ. T-Mobile đã ngừng tính phí các dịch vụ SMS đó từ năm ngoái và đã ra chương trình hoàn tiền đầy đủ cho các khách hàng cho rằng họ bị trừ cước những dịch vụ họ không muốn.

Tuy nhiên, vụ kiện đã được FTC gửi lên toà án cấp quận tại Quận Tây Washington của Mỹ.

Hoàng Lan

Theo Androidpolice

Chủ đề khác