VnReview
Hà Nội

Chân dung người kế nhiệm CEO Microsoft

Steven Sinofsky là nhân vật được cho là sẽ kế thừa vị trí CEO Microsoft của Steve Ballmer.

Đối với ông Steven Sinofsky, vị quản lý kỹ thuật nghiêm khắc nhưng rất sáng tạo hiện đang dẫn dắt bộ phận Windows của Microsoft, thì 29/2 là ngày đại trình diễn.

Vào ngày đó, ở Barcelona (Tây Ban Nha), ông Sinofsky sẽ chủ trì buổi phát hành hệ điều hành Windows 8 bản thử nghiệm rộng rãi – phiên bản mới quan trọng nhất của sản phẩm "đinh" của Microsoft trong hàng thập kỷ nay.

Được tối ưu cho điện toán cảm ứng và các bộ vi xử lý tiêu thụ điện năng thấp, Windows 8 sẽ chạy trên máy tính bảng cũng như desktop và laptop và có thể thậm chí là điện thoại di động trong tương lai.

Nếu Windows 8 cất cánh, nó có thể mở rộng một trong những thương hiệu hấp dẫn nhất trong lịch sử kinh doanh và khôi phục lại một số dấu ấn thương hiệu Microsoft đang nhạt dần.

Nó cũng có thể đưa ông Sinofsky lên vị trí cao nhất ở Microsoft khi CEO Steve Ballmer cuối cùng đến lúc phải dừng bước.

giao diện metro

Chụp màn hình giao diện Metro của Windows 8

Frank Artale, giám đốc điều hành công ty quản lý quỹ Ignition ở Seatle – công ty do một nhóm cựu giám đốc Microsoft thành lập – nhận xét ông Sinofsky có cả các kỹ năng công nghệ và trình diễn trước công chúng cần thiết cho vị trí CEO Microsoft.

Những người ủng hộ tin ông Sinofsky có khả năng lập lại trật tự đối với quá trình phát triển phần mềm đôi lúc hỗn loạn ở Microsoft – phần lớn bằng cách cắt giảm các lớp quản lý qua những gì hiện nay được nội bộ Microsoft gọi là "Sinofskyisation" (tạm dịch là Sinofsky hóa) và đưa sản phẩm ra ngoài thị trường.

Còn những người chỉ trích nói ông thiếu sức thu hút cần thiết cho vị trí CEO Microsoft và câu hỏi là liệu ông có tài năng công nghệ lỗi lạc của Bill Gates hoặc khả năng phân tích sắc sảo và cá tính mạnh mẽ của Ballmer?

Mặc dù vậy, hầu hết đồng tình rằng hiệu suất mạnh mẽ của Windows 8 sẽ là tất cả những gì đưa ông trở thành người kế vị Microsoft rõ rệt nhất.

Microsoft từ chối để phóng viên Reuters phỏng vấn Sinofsky.

Steven Sinofsky

Steven Sinofsky- chủ tịch bộ phận Windows, người được cho là sẽ kế vị CEO Steve Ballmer

Tuy nhiên, triển lãm Mobile World Congress ở Barcelona sẽ là sân khấu lớn nhất đối với ông Sinofsky, 46 tuổi, người ít được thế giới bên ngoài công nghệ biết đến.

Sinh ra ở New York nhưng lớn lên ở Florida, nơi cha ông quản lý một cửa hàng bán dụng cụ thể thao, ông Sinofsky gia nhập Microsoft ngay khi mới tốt nghiệp năm 1989. Khi đó, ông bắt đầu công việc của một kỹ sư thiết kế phần mềm.

Hồi đầu năm 1994, ông đã viết một bức thư cho Bill Gates, trong đó thuật lại việc sinh viên và giáo viên đã xem email và Internet "phổ biến khắp nơi và được kỳ vọng phổ biến như dịch vụ điện thoại thông thường".

Bill Gates đã tin tưởng Sinofsky và ông J. Allard – lực lượng phía sau Xbox – vì đã giúp ông thấy mức độ đầy đủ của cuộc cách mạng Internet.

Sau đó, Sinofsky được đưa về nhóm Office, bộ phận trong Microsoft cạnh tranh với Windows về danh hiệu sản phẩm lợi nhuận nhất công ty. Ông đã nhanh chóng được bổ nhiệm đến vị trí phó chủ tịch năm 1998 và sau khi thành công trong việc phát triển Office 2003 và Office 2007, ông đã tạo ra danh tiếng như là một "shipper" – một danh hiệu vinh dự cao ở Microsoft đánh giá việc đưa các sản phẩm hoàn thiện vào thị trường cao hơn bất kể điều gì.

Vào năm 2006, ông được chuyển đến bộ phận Windows và đến năm 2009 thì đảm nhiệm vị trí quản lý bộ phận này.

Mặc dù ở vị trí quyền lực như vậy nhưng các đồng nghiệp ở bộ phận Windows nói ông Sinofsky – còn được gọi nội bộ là 'SteveSi' – vẫn dành thời gian trả lời email cá nhân và thường tán gẫu trên hành lang mặc dù có thể ông không luôn là một người mà các nhân viên muốn gặp.

Các đồng nghiệp nói, họp hành với ông Sinofsky có thể khó nhưng ông không chửi thề như Bill Gates hay la ó như Steve Ballmer.

Sinofsky đã viết blog dài về các ý tưởng quản trị của mình và thậm chí dạy một lớp quản trị kinh doanh ở trường Kinh doanh Harvard. Một số bài blog hay nhất của ông đã được sử dụng trong cuốn sách "One Strategy: Organization, Planning, and Decision Making" xuất bản năm 2010.

Sinofsky nhấn mạnh đến việc làm cân bằng điều ông gọi là những ý tưởng "từ dưới lên" từ các lập trình viên ở tuyến đầu với nhu cầu "từ trên xuống" của các quản lý, những người phải đảm bảo rằng sản phẩm phù hợp với chiến lược.

"Đó là một kế hoạch từ dưới lên được xây dựng và khóa trong một cách có hệ thống", một cựu giám đốc cấp cao từng làm việc với ông Sinofsky ở bộ phận Windows nói. "Mọi người nhận được đầu vào về kế hoạch, nhưng một khi kế hoạch được thiết lập thì cứ thế mà làm".

Ông Sinofsky không còn liên quan đến công việc viết code ngày này qua ngày khác nữa. "Mã của tôi luôn hay và trật tự nhưng có lẽ tôi đã không thể viết code đủ nhanh để thực sự giỏi nhất về lập trình", ông viết như vậy từ năm 2005. Nhưng ông có kiến thức cần thiết để trị các lập trình viên.

"Dân công nghệ biết rằng họ không thể qua mắt ông ấy", một nhân viên hiện đang làm ở bộ phận Windows nói.

Ông Sinofsky gia nhập bộ phận Windows vào cuối năm 2006, ngay sau khi hệ điều hành Vista đoản mệnh được phát hành tới các nhà sản xuất PC và chuẩn bị được công bố đầy đủ vào tháng 1/2007. Công việc đầu tiên của ông là phát triển một tiến trình trật tự hơn cho hệ điều hành tiếp theo. Ba năm sau đó, công việc này đã gặt hái thành công với Windows 7 – hệ điều hành cho đến nay đã bán được 525 triệu bản.

‘Sinofsky-hóa'

Sinofsky viết trên blog của mình về cắt giảm cấp quản lý giữa ông và vòng thấp nhất ở bộ phận Windows xuống còn 3 hoặc 4 so với 7 trước đây.

Việc "giảm cân" này cộng với thực hiện kế hoạch nghiêm ngặt đã trở thành dấu ấn của ông ở Microsoft nhưng cũng đã đụng chạm đến một số người ở hãng bởi vì ông đã giảm một số tổng quản lý, vị trí mà mọi người phải sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau thay vì tập trung vào các chức năng làm phần mềm cốt lõi: phát triển, kiểm thử và quản trị các chương trình đặc biệt.

Nhưng kết quả là chỉ có một vài xung đột.

"Tất nhiên là việc tinh giảm làm cho tổ chức mỏng đi nhưng nó cũng chắc chắn loại bỏ nhiều cấp bậc", một cựu giám đốc Windows nói.

Artale, người đứng đầu chương trình quản trị trong bộ phận Windows những năm 1990 trong khi Sinofsky đảm nhiệm song song cả vị trí ở Office bổ sung: "Steve là một người thiên về sản phẩm. Anh ấy sống và thở sản phẩm. Anh ấy sở hữu nó. Sản phẩm sẽ phản ánh cá nhân và phong cách anh ấy".

Xét về thể chất và tính khí, Sinofsky là gần như đối lập với CEO Steve Ballmer.

Cao khoảng 1m73, thường bận một chiếc áo thun gọn gàng hoặc áo chui cổ chữ V, Sinofsky với chiếc đầu hói lặng lẽ chỉ đạo ánh đèn sân khấu tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2012 tổ chức đầu tháng 1/2012 tại Las Vegas (Mỹ) trong lúc CEO Steve Ballmer vạm vỡ, hùng hổ qua một loạt cuộc họp báo.

Không giống như hầu hết các giám đốc Microsoft thích những ngôi nhà lớn ở ngoại ô cây xanh Lake Washington và lái xe đến trụ sở Microsoft thuận tiện, ông Sinofsky sống trong một căn hộ ở trung tâm Seatle.

Các tài liệu công khai cho thấy ông đã quyên tặng 10.000 USD cho chiến dịch phản đối thuế nhà nước đánh vào người giàu ở bang Washington năm 2010 cùng với ông Ballmer, người quyên tặng 425.000 USD. Trong khi đó, Bill Gates lại ủng hộ việc đánh thuế này và đây cũng là đề xuất do cha ông đưa ra.

Theo tài liệu nộp cho cơ quan quản lý chứng khoán, cổ phần của Sinofsky ở Microsoft trị giá khoảng 35 triệu USD.

Mặc dù không phải là nghệ sỹ biểu diễn bẩm sinh nhưng ông Sinofsky thích thú trình diễn sản phẩm của mình. Cuộc ra mắt phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Windows 8 vui nhộn của ông hồi tháng Chín năm ngoái đã cho thấy ông có một mối quan hệ với các nhà phát triển, thậm chí còn nhận được những nụ cười từ họ bằng cách đùa rằng Microsoft cập nhật chương trình 'Task Manager' của mình "cứ mỗi 15 năm một lần hoặc đại loại như vậy". Song ông không phải là một hương vị dành cho tất cả mọi người.

"Tôi không nghĩ mọi người quan tâm về phong cách trình bày của ông ấy. Ông ấy là một trong những dạng siêu thông minh nhưng xuất hiện hơi khô khan một chút", ông Ryan Lowdermilk, người tổ chức một podcast nổi tiếng cho các nhà phát triển ứng dụng và đã tham dự buổi ra mắt Windows 8 cho các nhà phát triển năm ngoái nhận xét. "Nhưng các nhà phát triển tôn trọng những người cho ra sản phẩm. Đó là điều mọi người thích nhất ở ông ấy".

Còn khi đối diện mặt đối mặt, một số phóng viên cho biết họ đã nhận được cái liếc băng giá, không lời khi họ hỏi câu hỏi khó.

CEO tiếp theo?

Trong năm thứ 13 là CEO Microsoft, ông Steve Ballmer đã đem về cho hãng khoản lợi nhuận khổng lồ và tăng trưởng mơ ước nhưng ông cũng đồng thời bị chỉ trích ngay từ ngày đầu nhận chức CEO. Mặc dù đạt con số tăng trưởng cao trong 4 năm liên tục nhưng giá cổ phiếu của hãng vẫn ở mức như cách đây một thập kỷ và giá trị thị trường của hãng chỉ bằng hơn một nửa Apple.

Chỉ trích Steve Ballmer đạt đỉnh vào hồi tháng Năm năm ngoái, khi nhà quản lý quỹ rủi ro bộc trực David Einhorn – lúc đó công ty Greenlight Capital của ông sở hữu khoảng 0,1% cổ phần Microsoft – nói hãng có một tương lai mạnh mẽ nhưng đã đến lúc Ballmer nên từ chức và "để cho ai đó có cơ hội".

Sự thành công của Windows 8 có thể giúp làm lắng đi những lời chỉ trích. Và nó cũng có thể là một cái đà lớn cho Sinofsky.

Song không phải mọi người đều nghĩ ông Sinofsky là người phù hợp với vị trí đó.

"Bill Gates là người có trí tuệ đáng kinh ngạc nhất mà tôi đã từng gặp. Anh có thể trình bày một slide Power Point cho ông ấy và ông ấy sẽ hỏi tại sao nó khác so với slide anh đã trình bày với ông ấy ba năm trước", một cựu giám đốc khác của Microsoft nói: "Steve Ballmer là một người có trực giác toán học nhất mà tôi đã từng làm. Còn Steve (Sinofsky) chẳng có những tố chất ấy".

Nhưng trừ phi Microsoft ra ngoài tìm kiếm người về làm CEO – điều mà nếu thành hiện thực sẽ là sự ngạc nhiên lớn – thì ông Sinofsky vẫn là ứng cử viên số 1.

Trí Minh

Chủ đề khác