VnReview
Hà Nội

Samsung, Intel, LG đua nhau "đặt cược lớn" vào Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam với lực lượng lao động giá rẻ và các lợi thế khác đã thu hút hàng tỷ đô la đầu tư từ các hãng sản xuất điện tử trên toàn cầu. Năm 2014 này, với việc các hãng công nghệ tiếp tục cho xây dựng các nhà máy mới, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng được hưởng lợi từ các dòng vốn và công nghệ của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu trong thập kỷ trước, nhưng trong năm vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu lượng thiết bị và linh kiện có giá trị lên tới 38 tỷ USD – theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). Mặc dù con số này chẳng đáng là bao khi đặt cạnh mức kim ngach xuất khẩu 560 tỷ USD của Trung Quốc, nước sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam hiện đang là nước đứng thứ 12 trong số những nước xuất khẩu đồ điện tử lớn nhất thế giới. Ngành dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam hiện cũng đang phát triển nhanh, theo nghiên cứu của trang web Techonomy.com

Các hãng công nghệ hàng đầu đặt cược lớn vào Việt Nam

Trên thực tế, rất nhiều nhà sản xuất đến với Việt Nam bởi những thách thức về điều kiện kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc. Đất nước đông dân nhất thế giới này đang có một lực lượng lao động lão hóa, với mức thu nhập ngày càng tăng, cùng với nhiều xu hướng khác khiến cho việc sản xuất chi phí thấp ngày càng không thể chấp nhận trong nhiều ngành công nghiệp. Trung Quốc sẽ vẫn là nước dẫn đầu lĩnh vực sản xuất trong những năm tới, nhưng lợi thế cạnh tranh về sản xuất và lắp ráp giá rẻ của gã khổng lồ này đang mất dần.

Xu hướng này sẽ đem lại lợi ích cho nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Phillippines. Những nước này đều có nguồn lao động giá rẻ luôn sẵn sàng và mong muốn tận dụng thời cơ từ Trung Quốc. Các hãng sản xuất điện tử đang dịch chuyển dần tới những thị trường này trong vài năm gần đây, nhưng phát triển mạnh nhất ở Việt Nam, nơi mà lượng xuất khẩu hàng điện tử đang tăng lên với tốc độ nhanh nhất thế giới.

Samsung là hãng đóng góp nhiều nhất trong số các tập đoàn sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử hàng đầu đang đầu tư vào Việt Nam. Họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào một chuỗi các nhà máy, dự kiến sẽ đóng góp một phần lớn vào sản lượng smartphone của hãng trong năm nay. Intel và LG cũng đang đầu tư mỗi hãng hơn 1 tỷ USD, trong khi hàng tá các công ty khác cũng đã đầu tư những khoản lên tới tám, chín con số.

Các hãng công nghệ hàng đầu đặt cược lớn vào Việt Nam

Nhưng tại sao lại là Việt Nam? Vị trí địa lý của nước ta góp một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Không giống như Indonesia hay Phillipines, những quốc đảo nằm ở rìa của Đông Nam Á, sự gần gũi về khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến cho việc đồng bộ hóa các chuỗi cung ứng sẵn có trở nên dễ dàng hơn. Việt Nam cũng ít phải đối mặt với các thảm họa tự nhiên hơn các nước khác trong khu vực, như là lũ lụt, động đất hay bão.

Nhu cầu trong nước đang tăng của Việt Nam cũng là sức hút đối với các nhà sản xuất. "Rất nhiều hãng sản xuất điện tử tìm kiếm nhiều yếu tố khác ngoài nguồn lao động giá rẻ khi họ lựa chọn một địa điểm để sản xuất" – theo giám đốc của ngân hàng ANZ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ông Glenn Maguire – "Họ cũng tìm kiếm những nước có một thị trường nội địa lớn. Việt Nam có vẻ là hội tụ đủ những yếu tố cần thiết cho việc đó".

Giám đốc Glenn Maguire tin tưởng rằng Việt Nam cũng đang có những lợi thế khác, như hệ thống cung ứng điện tốt hay cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Việt Nam cũng đang cho thấy sự ổn định về chính trị. Mặc dù hàng loạt vụ bạo động chống Trung Quốc gần đây đã làm dấy lên những lo ngại từ các nhà đầu tư, nhưng ảnh hưởng thực sự của chúng cũng chỉ có giới hạn và tình hình cũng lắng xuống rất nhanh.

Tuy nhiên, lao động giá rẻ vẫn là yếu tố chính thu hút các hãng sản xuất điện tử. Việt Nam là một trong những nước có thu thập thấp nhất trong khu vực. Chỉ những người lao động ở Campuchia, Lào và Myanmar có mức lương thấp hơn, nhưng những nước này không có được những lợi thế mà Việt Nam sở hữu.

Sự bùng nổ về lĩnh vực sản xuất đồ điện tử sẽ tạo đòn bẩy cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, nhưng vẫn có những băn khoăn về việc làm thế nào để phân bổ đều những lợi ích này. Hiện giờ, hầu hết các nhà máy đều chỉ đang tập trung vào việc lắp ráp và sản xuất các sản phẩm giá trị thấp. Mặc dù để điều hành những nhà máy này cũng đòi hỏi đội ngũ các nhà quản lý, kỹ sư và nhân viên kỹ thuật chất lượng cao, nhưng hầu hết người lao động sẽ bị gắn liền với một dây chuyền sản xuất nhất định.

Sự phát triển dài hạn có bền vững hay không phụ thuộc vào việc chính phủ Việt Nam làm thế nào để nâng tầm chuỗi giá trị sản xuất và tạo ra thêm công nhân có tay nghề. Sự xuất hiện của các hãng sản xuất điện tử nước ngoài đang mang đến cho người Việt cơ hội có một không hai để tiếp thu trí tuệ và công nghệ trên thế giới. Nó cũng mang đến những nguồn vốn cần thiết để tài trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Các hãng công nghệ hàng đầu đặt cược lớn vào Việt Nam

Một vài nhà sản xuất đang cố gắng giúp đỡ phát triển các tài năng công nghệ của Việt Nam. Khi Intel lần đầu tiên thử thuê lao động địa phương làm việc cho nhà máy lắp ráp trị giá 1 tỷ USD của hãng được xây dựng từ năm 2010, họ đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những kỹ sư đủ năng lực. Vì vậy, để tự đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho mình, Intel đã mở một chương trình học bổng đặc biệt để đào tạo kỹ sư cho các cơ sở của hãng, chi tới 7 triệu USD cho việc gửi học viên tới Đại học Portland State ở Oregon, Hoa Kỳ.

Nếu Việt Nam có thể tiếp tục phát triển các tài năng công nghệ của mình, thì một thế hệ nhân lực chất lượng cao mới sẽ cho phép nước ta xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao. Nó cũng sẽ tăng số lượng các chuyên gia có thu nhập cao, đồng thơi thúc đẩy nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, kể cả khi điều đó không xảy ra, Việt Nam vẫn sẽ là một địa điểm hấp dẫn những nhà đầu tư mới, ít nhất là cho tới khi một thị trường khác giá rẻ hơn xuất hiện.

Anh Minh

Theo Forbes

Chủ đề khác