VnReview
Hà Nội

Đến thăm “nguồn” cung 45% sản lượng tablet cho thế giới

Nguồn cung những chiếc máy tính bảng rẻ trên thế giới đến từ đâu? Không nằm ngoài dự đoán, chúng có "xuất phát điểm" là từ một thị trường "đầu mối" nằm tại một tỉnh phía Nam Trung Quốc.

Thực tế, một trong các thị trường điện tử chính có thể kể đến là Huaqiangbei, Thâm Quyến, Trung Quốc. Đến nơi đây, bạn có thể tìm thấy đủ loại máy tính bảng gần như giống hệt nhau mà lại có giá rất rẻ trong các gian hàng. Thậm chí, có cả những thiết bị nhìn khá giống với hình dáng của iPad nhưng chỉ có giá khoảng 299 Nhân dân tệ (48 USD, khoảng 1 triệu đồng).

Đặc biệt, dù na ná nhau, song chúng lại đến từ các thương hiệu hoàn toàn khác biệt như Ramos, Teclast, Ployer, Colortab và Iaiwai. Đây đều là các thương hiệu nội địa trẻ, họ đã làm rất tốt trong công tác "học hỏi", sản xuất và gây áp lực với các đối thủ cạnh tranh, ngay cả ông lớn như Apple, Samsung cũng không nằm ngoài tầm ngắm.

Theo giới phân tích, các nhà sản xuất địa phương tại Thâm Quyến ngày nay đã ;chiếm đến 45% sản lượng tablet được bán ra trên thế giới – chủ yếu được bán ở Trung Quốc và một số thị trường các nước đang phát triển khác – và thu hút được nhiều sự chú ý của giới kinh doanh trên thế giới, trong đó có Silicon Valley.

Hàng chục sản phẩm tablet cùng được bày bán trên một kệ hàng tại Huaqiangbei

Không chỉ dừng lại ở phân khúc thị trường máy tính bảng, một số hãng tại Thâm Quyến còn mở rộng kinh doanh bằng cách tiến hành sản xuất cả những thiết bị điện tử đơn giản hơn, ví dụ như máy nghe nhạc MP3. CEO của công ty Ramos, Wan Qiuyang cho biết, "Từ hoạt động sản xuất máy nghe nhạc MP3 đã mang lại cho chúng tôi nền tảng để chuyển đổi sang chế tạo những thiết bị cao cấp hơn, ví dụ như máy tính bảng."

Tuy giữa máy nghe nhạc và máy tính bảng vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn về công nghệ, song với đà phát triển này của các hãng doanh nghiệp nội địa, khả năng độc lập chế tạo ra được một chiếc tablet là hoàn toàn có thể trong tương lai.

Điều quan trọng là những chiếc máy tính bảng được chế tạo ra đều có giá rất rẻ. Chìa khóa chính nằm ở việc sử dụng các chip giá rẻ của nhà sản xuất Mediatek (Đài Loan) và Rockchip (Trung Quốc), 2 công ty chuyên thực hiện các khâu kĩ thuật và bán cho các hãng những khuôn mẫu để chế tạo thiết bị.

Bằng cách "học hỏi" các hãng khác và trả chi phí nghiên cứu vào giá thành xuất xưởng của sản phẩm, những nhà sản xuất chip kể trên đã có khả năng cung cấp một giải pháp máy tính bảng rẻ hơn nhiều so với bất kỳ một ông lớn nào khác phải trả tiền cho công tác tự nghiên cứu.

Theo Antonio Liu, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường IDC, nhờ những nhà sản xuất chip giá rẻ cùng chiến dịch kinh doanh theo cụm (cluster effect) đã giúp các doanh nghiệp địa phương tại Thâm Quyến có thể tự chế tạo riêng một chiếc máy tính bảng mang thương hiệu riêng, với giá thành rẻ mà vẫn bắt kịp được các xu thế công nghệ mới của thời đại.

Tablet Ramos i9

Bên cạnh đó, các hãng nội địa tại Trung Quốc nói chung, cũng như Thâm Quyến nói riêng đang dần mở rộng ra thị trường toàn cầu. Bằng chứng rõ nét nhất có thể kể đến chính là sự hợp tác của Ramos với Intel trong việc cho ra mắt chiếc máy tính bảng Ramos i9.

Ông Wan cho biết thêm, "Ramos đang nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng cho bản thân. Chúng tôi muốn hợp tác cùng các công ty quốc tế và học hỏi để trở thành một công ty toàn cầu".

Hoàng Anh

Theo Wall Street Journal

Chủ đề khác