VnReview
Hà Nội

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: có “đầu ra” sẽ làm được

Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều doanh nghiệp và người dân về nền sản xuất công nghiệp trong nước thì doanh nghiệp Việt Nam không thể sản xuất các sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao và chi phí sản xuất lớn, cho dù là một con ốc vít tinh xảo. Tuy nhiên thực tế không hẳn là không thể, mà còn thiếu một số điều kiện.

Những yêu cầu khá ngặt nghèo…

Tại Hội thảo Phát triển Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam do Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức ngày 11/9 tại Hà Nội, đại diện Samsung đã chia sẻ với hơn 200 nhà cung cấp toàn quốc trong các lĩnh vực khác nhau như điện tử, cơ khí, nhựa... về những điều kiện để trở thành nhà cung cấp cho Samsung, cũng như những linh kiện, phụ tùng mà Samsung đang cần.

Theo ông Jang Hoyoung, Tổng giám đốc bộ phận mua hàng SEV, Samsung đang cần mua rất nhiều linh phụ kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất tại các nhà máy sản xuất điện thoại di động của hãng, thuộc 6 nhóm mặt hàng gồm Màn hình (khuôn màn hình LCD, mẫu camera); Lắp ráp điện (gói pin, sạc pin, bộ thích ứng…); Linh kiện điện (loa, động cơ, đồ nối, ăng-ten…); Cơ khí (hộp chắn, tấm nắp, đinh vít, bàn phím…); Nhựa (Vỏ pin, vỏ lưng máy…); In ấn – Bao bì (sách hướng dẫn, hộp đựng…). Đây đều là những mặt hàng mà Samsung đang mua từ khoảng 100 doanh nghiệp vệ tinh đến từ Hàn Quốc và một số ít doanh nghiệp Việt Nam, nhưng Samsung cho biết nhu cầu mở rộng sản xuất của hãng vẫn đang rất lớn và vẫn cần thêm nhà cung cấp mới để đáp ứng được nhu cầu linh kiện lớn.

phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ông Jang Hoyoung trình bày quy trình để trở thành nhà cung cấp cho Samsung

Tuy nhiên, để trở thành nhà cung cấp cho Samsung, doanh nghiệp phải đạt 5 mục bắt buộc về Lao động/Quyền con người, 8 mục bắt buộc về Môi trường và An toàn, 8 yếu tố đánh giá về công nghệ, chất lượng, sự đáp ứng, khả năng giao hàng, giá cả, môi trường và luật pháp. Trong đó, có những yêu cầu thực sự ít có doanh nghiệp Việt Nam nào đạt được, như về Công nghệ thì ngoài năng lực kỹ thuật, doanh nghiệp còn phải có đăng ký bằng sáng chế, có cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển (R&D), hay về Chất lượng thì phải có chứng nhận ISO về quy trình kiểm soát, đảm bảo chất lượng; có quy trình ra quyết định; có khả năng giao hàng linh hoạt và đáp ứng kịp thời khi có yêu cầu khẩn; giá cả thì phải tối ưu, có sức cạnh tranh cao; môi trường cũng phải được đảo bảo có chứng nhận ISO và OHSAS về bảo vệ môi trường; về Tài chính phải có bảo đảm tín dụng và có tỉ lệ vốn lưu động thích hợp…

… Nhưng sẽ làm được, nếu có đảm bảo đầu ra

Trước những đòi hỏi ngặt nghèo của Samsung, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng: những điều kiện mà Samsung đưa ra có thể nói là khó có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được. Ông Toàn cho rằng nếu được cam kết về việc bao tiêu sản phẩm, được hỗ trợ về công nghệ thì một số doanh nghiệp có thể tìm cách liên kết với các công ty vệ tinh của Samsung.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lưu Hoàng Long - Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư để sản xuất linh kiện cho Samsung, nhưng liệu Samsung có thể ký một thỏa thuận khung để doanh nghiệp yên tâm về đầu ra của sản phẩm và mạnh dạn đầu tư? Với yêu cầu này, TGĐ bộ phận mua hàng Samsung đã khẳng định là không thể, vì Samsung không nắm được năng lực, khả năng của doanh nghiệp đén đâu và chất lượng sản phẩm như thế nào để mà ký trước một cam kết như vậy.

"Điều này cũng như vấn đề con gà có trước hay quả trứng có trước vậy", ông Vũ Duy Hiểu - Đại diện một công ty cơ khí tại TP.HCM, nhận xét. Theo ông Hiểu, ít nhất phải ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước về đầu ra sản phẩm hoặc có chính sách ưu tiên về giá thì công ty mới dám đầu tư dây chuyền mới để cung cấp cho Samsung. Ông Hiểu cho biết công ty của ông cũng đã sản xuất ốc vít cho doanh nghiệp nước ngoài.

cung cấp linh kiện cho samsung

Doanh nghiệp Việt Nam không phải "không sản xuất nổi ốc vít", mà mỗi yêu cầu đặc thù cần phải sắm máy móc, công nghệ phù hợp, trong khi đầu ra không chắc chắn

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp phụ trợ Việt Nam có trụ sở tại Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, nhận định: "Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết không đảm bảo được các yêu cầu của Samsung như phải có bằng sáng chế, có chứng nhận ISO về quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường, có chỉ số tín dụng cao…, do đó họ không có hy vọng được là nhà cung cấp trực tiếp cho Samsung mà chỉ có thể liên kết với các doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp vệ tinh hiện tại của Samsung và chỉ nhận làm một khâu nhỏ trong chuỗi sản xuất linh kiện. Thực tế nếu được đảm bảo đầu ra thì tôi nghĩ sẽ có không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào dây chuyền sản xuất, nhập khẩu máy móc công nghệ. Vấn đề đặt ra là làm sao kết nối được với các doanh nghiệp lớn, trong khi chính họ cũng phải điều chỉnh và nâng cấp thì mới giành được hợp đồng từ Samsung?".

Lách qua khe cửa hẹp

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, doanh nghiệp Việt Nam tuy nhỏ nhưng cũng đủ sức cạnh tranh về giá với các công ty nước ngoài, bởi doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ nhiều mặt trong khi doanh nghiệp nước ngoài phải mất nhiều chi phí hoạt động để tuân thủ pháp luật Việt Nam dành cho doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Đây có thể xem là một lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng liệu các doanh nghiệp trong nước có chen chân được vào đội ngũ các doanh nghiệp vệ tinh hiện đã khá hùng hậu do Samsung kéo theo từ Hàn Quốc sang? Ông Jang Hoyoung khẳng định: Do chi phí đầu tư sản xuất lớn nên ngay cả những doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm cho Samsung cũng cần mở rộng sản xuất. Hơn nữa chính sách mua hàng của Samsung không phụ thuộc vào một, hai doanh nghiệp mà luôn tìm kiếm nhà cung cấp mới, đánh giá lại các nhà cung cấp cũ để đảm bảo có đủ linh phụ kiện phục vụ sản xuất. Các nhà cung cấp mới nếu khẳng định được chất lượng sản phẩm, giá cả và thời gian giao hàng thì sẽ được xem xét. Ngoài ra trong những trường hợp Samsung có đơn hàng gấp thì các doanh nghiệp có tên trong danh sách nhà cung ứng sẽ được Samsung mua hàng.

cung cấp linh kiện cho Samsung

Đại diện Samsung trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp về hướng hợp tác

Một tín hiệu đáng mừng mà phóng viên VnReview đã nhận thấy tại buổi trao đổi trực tiếp giữa đại diện Samsung và các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 (nhóm tiềm năng) về khả năng cung cấp linh phụ kiện cho Samsung, đó là khá nhiều doanh nghiệp cho biết có thể làm một số sản phẩm về bao bì, nhựa, cơ khí. Đại diện công ty Hanel Plastic khẳng định công ty có thể cung cấp một số linh phụ kiện cho bộ sạc điện của Galaxy S5 và một số thiết bị khác của Samsung.

Hanel Plastic

Đại diện Hanel Plastic đặc biệt quan tâm đến phụ kiện cho sạc điện mà họ có thể cung cấp cho Samsung

cung cấp bao bì cho samsung

Bao bì cho sản phẩm Samsung hiện do 5 công ty cung cấp, trong đó có 1 công ty Việt Nam là công ty Bao bì Việt Hưng. Doanh nghiệp kinh doanh mảng này có thể tham gia nếu thỏa mãn các điều kiện của Samsung.

Chị Lương Thị Quế, chuyên viên bộ phận mua sản phẩm ép nhựa (Injection Sourcing) của Samsung cho biết, trong cả chuỗi các linh kiện ở đây, doanh nghiệp có thể chỉ cần nhận một khâu sản xuất nhỏ và làm vendor thứ cấp, như vậy sẽ giảm suất đầu tư và vừa sức hơn. Chị Quế cũng cho biết, toàn bộ các khuôn mẫu sản phẩm sẽ do Samsung cung cấp, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư máy móc và sản phẩm theo đúng khuôn mẫu. Chị Hoàng Thu Dung, Giám đốc bán hàng thuộc văn phòng đại diện công ty Woojin Plaimm chuyên cung cấp máy cán ép nhựa của Hàn Quốc cho biết, tùy theo công suất máy, các máy này có giá từ 1-2 tỉ đồng, nếu doanh nghiệp mua sẽ được công ty hỗ trợ đào tạo sử dụng, giới thiệu nguồn nguyên liệu.

linh kiện điện thoại samsung

Số lượng linh, phụ kiện rất nhiều, doanh nghiệp có thể chỉ chọn một vài khâu sản xuất tùy theo quy mô doanh nghiệp của mình, tuy nhiên phải liên kết được với vendor cấp 1

Như vậy, lối đi cho doanh nghiệp Việt Nam để tham gia cung cấp các sản phẩm phụ trợ, ở đây cụ thể là sản phẩm phụ trợ cho các thiết bị di động Samsung, là có. Giải pháp liên kết với các doanh nghiệp lớn hoặc đầu tư cho một số doanh nghiệp đầu tàu để hoàn thiện các điều kiện còn thiếu so với yêu cầu của Samsung, rồi từ đó chia nhỏ các phần việc cho các vendor cấp 2, cấp 3 cùng tham gia hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành nghề, các cơ quan quản lý, cùng với nỗ lực tự thân vận động của doanh nghiệp.

Hiện nay Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và sẽ có những ưu đãi đặc biệt với các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản phẩm phụ trợ. Một dự thảo nhằm thay thế Quyết định 12/2011 QĐ-TTg về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được hoàn thiện theo hướng có những sửa đổi nhằm hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp trong nước. Các khu công nghiệp trong nước cũng đã nhận thấy vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ và đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp sản xuất linh kiện, bán thành phẩm. Một giải pháp nữa cũng được đề cập là đẩy mạnh đào tạo phát triển nhân lực chất lượng cao cho các dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ. Ông Trương Thanh Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công thương cũng nói, doanh nghiệp có thể gửi email về Vụ công nghiệp nặng để được hỗ trợ.

Đông Phong

Chủ đề khác