VnReview
Hà Nội

Làm con ốc vít hay sản phẩm đẳng cấp quốc tế?

Khi câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi những linh kiện rất đơn giản cho Samsung chưa lắng xuống thì việc đặt vấn đề sản phẩm Việt Nam đẳng cấp quốc tế có phải là mơ mộng hão huyền?

Diễn đàn Đẳng cấp quốc tế và lời giải cho sản phẩm Việt

Từ trái qua: Ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương; Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ. Ảnh: Đàm Lương

 

Sáng nay, ngày 01/11/2014 tại Hà Nội đã diễn ra "Diễn đàn Đẳng cấp quốc tế và lời giải cho sản phẩm Việt" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển truyền thông KH&CN tổ chức. Tại đây, vấn đề "đụng chạm đến tự ái" là doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi con ốc vít một lần nữa được nhắc đến.

Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý đều khẳng định doanh nghiệp Việt Nam "làm được hết, nhưng vấn đề là có đáng làm không? có làm tốt không?", chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh nói. Hay làm ra được rồi mà không biết lắp vào đâu? (không có ai mua).

 

Tại Diễn đàn, từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav nêu một thực trạng sản xuất trong chuỗi giá trị mà không phải ai cũng biết: đó là ngay cả khi tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thì lợi nhuận cũng rất nhỏ. Minh chứng là chiếc iPhone 6 giá thị trường gần 20 triệu đồng, nhưng giá thành linh kiện của hàng trăm nhà cung cấp cộng lại chỉ khoảng 4 triệu đồng.

Đồng cảm với ý kiến này, ông Bùi Xuân Lợi, Giám đốc công ty Phong Cách Mới - một doanh nghiệp chuyên sản xuất nhựa ở Hà Nội - kể rằng cách đây 5 năm, Công ty cung cấp sản phẩm cho khách hàng Canada nhưng lợi nhuận quá thấp, chưa kể năm nào cũng bị ép giảm giá nên cuối cùng Công ty đã phải bỏ mối khách hàng Canada.

Võ trí thành

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương;(CIEM). Ảnh: Đàm Lương

Trong bối cảnh doanh nghiệp còn loay hoay không tìm được chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu như vậy, đặt vấn đề sản phẩm Việt đẳng cấp quốc tế có phải là xa vời không? Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, "Trước hết phải khẳng định rằng, nếu không có [sản phẩm] đẳng cấp quốc tế thì chúng ta cũng không thể vươn ra thị trường thế giới, còn thị trường trong nước sẽ dần bị thu hẹp và ngay cả người Việt Nam yêu nước nhất cũng không sử dụng".

Các chuyên gia cho rằng sản phẩm đẳng cấp quốc tế đầu tiên phải là đạt tiêu chuẩn quốc tế: ngoài các tiêu chuẩn về công nghệ, kỹ thuật, quy trình, giám sát chất lượng... còn các tiêu chuẩn về môi trường, thể chế... Tiêu chuẩn thế giới không có nghĩa là hạn chế sự sáng tạo, khác biệt mà theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đó là sự khác biệt có trí tuệ, trong đó thấy được xu hướng trên thế giới và được thị trường chấp nhận. Như sản phẩm nhà thông minh của Bkav là một ví dụ. Bkav đã nghiên cứu phát triển sản phẩm này từ cách đây 10 năm và hiện nó đang là xu hướng công nghệ mới nổi trên thị trường quốc tế.

Ông Vũ Thanh Thắng

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav. Ảnh: Đàm Lương

Ông Vũ Thanh Thắng chia sẻ ngay từ đầu với sản phẩm nhà thông minh, Bkav đã xác định tham gia vào phần giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng chất xám của người Việt. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải giải quyết bốn vấn đề chính: nhân lực, công nghiệp phụ trợ, văn hóa doanh nghiệp và vốn.

Về nguồn nhân lực, Bkav phải đào tạo cho chính mình bằng cách tuyển sinh viên thực tập ngay từ năm thứ 2 vì thị trường không sẵn có (đáp ứng nhu cầu). Về phụ trợ, Bkav đã tìm đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặt yêu cầu làm theo tiêu chuẩn nhưng rốt cuộc, do "các doanh nghiệp chưa khắt khe, không nỗ lực giải quyết vấn đề" như lời ông Thắng nên Bkav quyết định xây dựng nhà máy cơ khí chuyên sản xuất khuôn mẫu sau đó đem đặt hàng sản xuất theo mẫu. Hiện Bkav có hơn 100 nhà cung cấp linh kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế, đều là nhà cung cấp cho các hãng công nghệ lớn như Apple, LG... Về vốn, ông Thắng tiết lộ mỗi năm Bkav chi khoảng 100 tỷ đồng cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm - một con số đáng kể trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước rất dè xẻn chi cho nghiên cứu phát triển...

"Tôi cho rằng mình [Việt Nam] có thể làm được sản phẩm đẳng cấp quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin vì trong công nghệ thông tin, hàm lượng sáng tạo chiếm phần lớn", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trả lời phóng viên VnReview bên lề Diễn đàn. "Bkav cho biết sản phẩm nhà thông minh SmartHome của họ được tổ chức quốc tế độc lập đánh giá là ở thế hệ thứ ba, chưa hãng nào làm được là một điều chúng ta rất đáng tự hào".

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết ông rất ấn tượng với sản phẩm SmartHome. "Ấn tượng từ cách tư duy, từ cách tiếp cận và đặt vấn đề của Bkav khi hình thành sản phẩm nhà thông minh. Bkav đã không e ngại nhưng tên tuổi lớn trên thế giới, họ đã tìm ra một hướng đi mới bằng trí tuệ Việt Nam. Tôi cũng rất ấn tượng rằng Bkav đã tạo ra được một văn hóa doanh nghiệp rất tốt, góp phần tạo ra những sản phẩm thuần Việt nhưng đạt chuẩn quốc tế", ông nói. Thứ trưởng bổ sung rằng có thể Bkav đã sử dụng các chi tiết phụ trợ để tạo nên SmartHome, nhưng quan trọng là phần mềm và thiết kế là hoàn toàn của người Việt tự làm.

Các chuyên gia nhận định câu chuyện của Bkav tạo ra chuỗi giá trị và dẫn đầu chuỗi giá trị không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Bởi nó tùy thuộc vào lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Đối với Việt Nam, có hai lĩnh vực được cho là có thể hướng tới số 1 thế giới, đồng hành cùng thế giới là công nghệ thông tin và nông nghiệp.

Kết luận Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng việc lựa chọn dẫn đầu hoặc theo sau chuỗi giá trị phải từ chính doanh nghiệp quyết định. Xét cho cùng, lựa chọn nào cũng dẫn đến kết quả là giá trị gia tăng đến đâu? Ông Lộc cho biết VCCI và Bộ KHCN, Viện CIEM sẽ ngồi lại với nhau, mời tổ chức đánh giá quốc tế độc lập để đánh giá nhà thông minh SmartHome của Bkav đạt trình độ công nghệ như thế nào? cùng Bkav đẩy mạnh sản phẩm này.

"Việc xây dựng trở thành thương hiệu đẳng cấp quốc tế không phải chỉ doanh nghiệp mà cả Chính phủ nữa", ông Vũ Tiến Lộc nói. "Chính phủ tạo ra bệ đỡ để những doanh nghiệp như thế này có thể lớn nhanh, bền vững".

Thanh Xuân

Chủ đề khác