VnReview
Hà Nội

Uber vẫn hoạt động bình thường sau khi Sở GTVT TP.HCM “tuýt còi”

Bất chấp dư luận và cả kết luận của Sở GTVT TP.HCM cho rằng Uber hoạt động trái phép tại Việt Nam, theo báo ICTnews ngày 28/2, ông Đặng Việt Dũng, Tổng Giám đốc Uber Việt Nam khẳng định Uber vẫn đang hoạt động bình thường tại TP.HCM và Hà Nội. Công ty này không hoạt động trái phép theo như kết luận của Sở GTVT TP.HCM mà theo đúng 2 ngành nghề đăng ký là dịch vụ tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường.

Một đối tác của Uber bị thanh tra giao thông TP.HCM kiểm tra. Ảnh: Internet.

Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn Tổng Giám đốc Uber Việt Nam do trang ICTNews thực hiện, VnReview xin đăng tải nguyên văn:

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi tới Bộ GTVT đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử phạt Uber do không có giấy phép kinh doanh lĩnh vực vận tải, chỉ đăng ký 2 ngành nghề là dịch vụ tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Uber là một công ty công nghệ. Ứng dụng điện thoại của chúng tôi hoạt động như một nền tảng công nghệ giúp kết nối các tài xế đã được cấp giấy phép hành nghề đầy đủ với các hành khách đăng ký sử dụng dịch vụ.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Uber đăng ký 2 ngành nghề là dịch vụ tư vấn quản lý và dịch vụ nghiên cứu thị trường, và chúng tôi khẳng định là đang hoạt động đúng theo 2 lĩnh vực đã đăng ký.

Cụ thể, chúng tôi tư vấn cho các đối tác về những lợi ích về kinh tế từ việc gia nhập hệ thống Uber và những mô hình quản lý hiệu quả dựa trên tính ưu việt của công nghệ. Chúng tôi cũng nghiên cứu thị trường để công ty mẹ, Uber B.V., trụ sở đặt tại Amsterdam (Hà Lan) để triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp.

Mọi giao dịch của khách hàng và tương tác của đối tác vận tải thông qua hệ thống Uber đều do công ty mẹ Uber B.V quản lý, còn Uber Vietnam không tham gia vào hoạt động kinh doanh này. Tại Việt Nam, chúng tôi chỉ thực hiện theo đúng những hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh.

Công nghệ mang tính đột phá của Uber đang mang lại sự thay đổi cho một ngành công nghiệp vốn chưa có cơ hội phát triển trong nhiều năm qua. Công nghệ này là một minh chứng cho mô hình kinh doanh "Kinh tế chia sẻ" mới mẻ mà hiện nay vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Trên khắp thế giới, chúng tôi đang nỗ lực hợp tác với chính quyền các nước để có cơ hội được trình bày về mô hình kinh doanh và những lợi ích mà công nghệ của chúng tôi có thể mang lại.

Vậy hoạt động của Uber tại TP.HCM hiện nay ra sao?

Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường tại khu vực TP. HCM và Hà Nội.

Tuy nhiên đáng nói là qua kết luận của Sở GTVT TP. HCM, cơ quan này cũng khẳng định hầu hết các chủ xe sử dụng phần mềm Uber để kinh doanh vận tải đều không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải, xe chở khách không có phù hiệu theo quy định, không có thiết bị giám sát hành trình... Ông lý giải gì về vấn đề này? Có hay không chuyện Uber chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không xác minh đầy đủ năng lực pháp lý của đối tác?

Tôi xin khẳng định là các đối tác của chúng tôi luôn tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ, cũng như của Bộ Giao thông Vận tải. Dựa trên những cuộc kiểm tra riêng của chúng tôi, chúng tôi biết rằng 100% đối tác của chúng tôi đều có giấy phép kinh doanh phù hợp.

Tuy nhiên, do mô hình Uber vẩn còn khá mới và các đối tác chưa có hướng dẫn cụ thể với nên họ đã gặp không ít trở ngại để có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu được ghi trong Nghị định số 86/2014/ND-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT.

Đối với yêu cầu phải trang bị một hộp đen GPS, bình chữa cháy, lý lịch tài xế và bảng hiệu xe hợp đồng, chúng tôi vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác để có thể tuân thủ đầy đủ.

Do nguồn lực tại các doanh nghiệp đối tác của chúng tôi còn hạn chế nên quá trình thực hiện đầy đủ các quy định theo luật diễn ra lâu hơn dự kiến.

Ba tuần trước đây, Uber đã gửi thư kiến nghị đến Bộ Giao thông Vận tải gia hạn thêm thời gian để các đối tác của chúng tôi có thể hoàn tất đầy đủ các thủ tục theo luật pháp trong khoảng thời gian đó.

Trong bức thư này, Uber cũng đồng thời trình bày với Bộ Giao thông Vận tải, trong trường hợp của Uber, hợp đồng vận tải được ký kết giữa hành khách và tài xế được thay thế bằng hợp đồng Điều khoản và Điều kiện điện tử mang lại tiện lợi đồng thời đảm bảo quyền lợi đầy đủ của người tiêu dùng cũng như của đối tác. Mọi thông tin cần thiết của hợp đồng đều được lưu trữ điện tử. Vì vậy, nếu yêu cầu tài xế luôn phải mang theo hợp đồng giấy kèm theo dấu và chữ ký, điều này vô tình làm mất đi tính ưu việt, tiện lợi và thân thiện đối với người tiêu dùng của dịch vụ và cũng vô tình tạo trở lực đối với xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện thủ tục hành chính.


Ông Đặng Việt Dũng, Tổng Giám đốc Uber Việt Nam.

Như vậy, Uber hiện vẫn hoạt động và đối tác liên kết với Uber vẫn có thể tiếp tục bị xử phạt như trong suốt thời gian qua. Uber có biện pháp gì để "trấn an" đối tác? Và có hay không chuyện Uber "bao phạt" để họ tiếp tục hoạt động?

Uber sẽ luôn đồng hành cùng các đối tác. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc để đảm bảo rằng các đối tác của mình tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt theo pháp luật hiện hành.

Chúng tôi đảm bảo rằng những doanh nghiệp đối tác này sẽ tuân thủ đầy đủ trong thời gian được gia hạn, để họ có thể tiếp tục kinh doanh chân chính, mang lại phương thức di chuyển an toàn, thuận tiện, giá cả phải chăng cho người tiêu dùng và thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình họ.

Với thực tế đang diễn biến như hiện nay, liệu giữa Uber Việt Nam và cơ quan quản lý sẽ tìm được "tiếng nói chung"?

Tôi xin tái khẳng định Uber là công ty về công nghệ và tại Việt Nam chúng tôi hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật. Có một thực tế là công nghệ Uber đã mang đến một luồng gió mới và động lực cạnh tranh lành mạnh cho thị trường giao thông vận tải. Công nghệ tiên tiến và mô hình kinh doanh độc đáo của nên kinh tế chia sẻ này thường chưa được hiểu một cách đúng đắn và đây chính là thách thức đối với Uber.

Uber là một công ty toàn cầu (hiện mức vốn hoá thị trường đạt 41 tỷ USD) với nhiều kinh nghiệm hợp tác cùng nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Chúng tôi đang tích cực làm việc với các ban ngành chính phủ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài Chính, Bộ TT&TT, Bộ Công thương, Quốc hội và Văn phòng Chính phủ với mong muốn được chia sẻ những lợi ích mà công nghệ Uber đã và sẽ mang đến cho nền kinh tế Việt Nam, cho ngành giao thông vận tải và du lịch cũng như tạo ra một môi trường sống an toàn hơn cho người dân, mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn cho tài xế.

Theo ICTNews

Chủ đề khác