VnReview
Hà Nội

Lập website thương mại điện tử không phép chiếm 87% lỗi vi phạm

Năm 2014, sai phạm phổ biến nhất của các website thương mại điện tử là thiết lập website mà không thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chiếm tới 87% tổng số lỗi vi phạm, tăng gần 25% so với năm 2013.

Thông tin nêu trên vừa được Cục Thương mại điện tử và CNTT thuộc Bộ Công Thương chính thức công bố, trong Báo cáo hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2014.

Năm 2014, việc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT đã được đẩy mạnh tại Hà Nội và TP.HCM (Ảnh: Nasuamerica.com.vn là 1 trong các website TMĐT; bị phạt vì thiết lập website mà không thông báo với Bộ Công Thương)

Theo Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ (Nghị định 52) về TMĐT, thương nhân, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Bộ Công Thương khi thiết lập website TMĐT bán hàng và đăng ký với Bộ Công Thương khi thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT. Trường hợp thiết lập website TMĐT vừa là website TMĐT bán hàng vừa là website cung cấp dịch vụ TMĐT, thương nhân, tổ chức sẽ phải thực hiện các thủ tục thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương.

Cũng theo Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2014, sau hơn 1 năm Nghị định 52 có hiệu lực, đã có 7.814 tài khoản doanh nghiệp và 3.418 tài khoản cá nhân được duyệt trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ online.gov.vn, tăng 5.891 tài khoản doanh nghiệp và 3.113 tài khoản cá nhân so với năm 2013.

Hồ sơ thông báo, đăng ký website thương mại điện tử trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử năm 2014.

Thống kê trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT cho thấy, tổng số hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT được xử lý trong năm 2014 là 1.112 hồ sơ, tăng 768 hồ sơ so với năm 2013; trong đó, số website được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tính đến cuối tháng 12/2014 là 357 website. Trong 357 website cung cấp dịch vụ TMĐT này, có 283 sàn giao dịch TMĐT, 60 website khuyến mại trực tuyến và 14 website đấu giá trực tuyến.

Số lượng hồ sơ thông báo website TMĐT bán hàng được xử lý trong năm ngoái là 9.075 hồ sơ, tăng 8.563 hồ sơ so với năm 2013; trong đó tính đến cuối năm 2014, số website đã được xác nhận thông báo là 5.082 website.

Thông tin phản ánh của người dân tại Cổng thông tin quản lý hoạt động Thương mại điện tử trong năm 2014.

Đáng chú ý, Cục TMĐT và CNTT thuộc Bộ Công Thương cho biết, thông tin phản ánh của người dân tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT năm 2014 tập trung chủ yếu vào hoạt động thiết lập website TMĐT mà không thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương, chiếm tới 87% tổng số lỗi vi phạm. 13% còn lại rải rác ở các thông tin phản ánh liên quan đến những lỗi vi phạm như: kinh doanh hàng giả, hàng cấm (3,5%); vi phạm về thông tin trên website TMĐT (4,5%); lợi dụng danh nghĩa hoạt động TMĐT để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác (0,5%)…

Tình hình thực thi pháp luật thương mại điện tử tại TP.HCM và Hà Nội trong năm 2014.

 Trong năm 2014, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT đã được đẩy mạnh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo thống kê, tổng số vụ việc đã được kiểm tra, xử lý tại 2 thành phố lớn này trong năm ngoái là 101 vụ việc, với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính xấp xỉ 2 tỷ đồng. Nội dung xử lý chủ yếu là nhóm hành vi vi phạm quy định về thiết lập website TMĐT, theo Điều 81 Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ICTNews

Chủ đề khác