VnReview
Hà Nội

6 lãnh đạo kì cựu của FPT rời Hội đồng quản trị

Trong số 7 thành viên HĐQT được đề cử và thông qua tại Đại hội cổ đông năm 2012 của Tập đoàn FPT vừa tổ chức hôm 14/4 đã không còn có mặt 6 lãnh đạo kì cựu - trong đó có những người tham gia sáng lập FPT từ ngày đầu.

Báo ICTPress đưa tin cho biết, ngay trước khi Đại hội cổ đông diễn ra, HĐQT của FPT đã thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT từ 11 xuống còn 07 thành viên trong nhiệm kì mới (2012-2017).

Bốn thành viên HĐQT khóa trước tiếp tục được bầu lại gồm các ông Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT khóa trước), Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước), Đỗ Cao Bảo (Ủy viên HĐQT khóa trước, Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống Thông tin FIS) và Trương Đình Anh (Ủy viên HĐQT khóa trước, TGĐ FPT). Ông Trương Gia Bình tiếp tục được bầu là Chủ tịch HĐQT.

Sáu lãnh đạo kì cựu sẽ không còn tiếp tục có mặt trong HĐQT của FPT gồm bà Trương Thị Thanh Thanh (chị gái ông Trương Gia Bình) và các ông Lê Quang Tiến, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Nam Tiến, và Nguyễn Điệp Tùng.

Trong số này, ngoại trừ ông Nam Tiến được bầu vào HĐQT FPT năm 2004 và ông Điệp Tùng (năm 2006), những người còn lại đều là thành viên HĐQT ngay từ khi FPT trở thành công ty cổ phần năm 2002 đến nay. Đây cũng là thế hệ lãnh đạo đầu tiên tại FPT đã có rất nhiều đóng góp và cùng đưa FPT qua những giai đoạn phát triển đỉnh cao.

Được thay vào đó là 3 thành viên bên ngoài đại diện cho các cổ đông lớn của FPT là Quỹ Orchid Fund (cổ đông lớn nhất, giữ 9,8% cổ phần FPT), Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (giữ 6,16% cổ phần), và Quỹ Red River Holdings (giữ 5,26% cổ phần). Đó là ông Lê Song Lai, Phó TGĐ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), được SCIC đề cử; ông Jean Charles Belliol (quốc tịch Pháp) - Trưởng đại diện của Trí Tín quốc tế tại Hà Nội, do Quỹ Red River Holdings đề cử; và bà Lê Nữ Thùy Dương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May và Xây dựng Huy Hoàng, do Orchird Fund đề cử.

hội đồng quản trị mới FPT

HĐQT nhiệm kì 2012-2017 của FPT có 4 thành viên FPT và 3 thành viên bên ngoài. Ảnh: FPT.

Trước đó, ngày 13/4, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã ký quyết định thành lập Hội đồng sáng lập FPT, gồm các ông, bà: Trương Gia Bình, Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc, Đỗ Cao Bảo, Hoàng Minh Châu, Trương Thị Thanh Thanh, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Nam Tiến, Trương Đình Anh, Nguyễn Điệp Tùng, Trần Quốc Hoài, Lê Trường Tùng và Phan Ngô Tống Hưng. Theo quyết định thành lập, Hội đồng sáng lập FPT là đơn vị trực thuộc HĐQT FPT, tuân thủ quy định cơ cấu tổ chức và hoạt động HĐQT, Ban Điều hành FPT. Như vậy, 6 cựu thành viên HĐQT nói trên thực chất vẫn thuộc HĐQT nhưng giữ vai trò "cố vấn", ngoài ra, họ vẫn giữ những vị trí quan trọng tại các công ty con của Tập đoàn FPT.

Theo ông Trương Gia Bình, sự tham gia của các cổ đông lớn thể hiện mong muốn đồng hành lâu dài của các cổ đông này cùng FPT trong quá trình phát triển; đóng góp cho sự ổn định và bền vững của Tập đoàn. Thêm vào đó, các cổ đông lớn sẽ giúp FPT nâng cao công tác quản trị theo chuẩn mực quốc tế, minh bạch và độc lập.

Ông Bình cũng cho biết, việc HĐQT FPT giới thiệu các cá nhân bên ngoài vào HĐQT nhằm tách bạch giữa các hoạt động quản lí và điều hành, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của công ty.

Đây có thể xem là bước thay đổi đáng lưu ý của FPT khi lần đầu tiên đưa tới 3/7 thành viên bên ngoài tham gia vào HĐQT, bên cạnh việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo thế hệ kế tiếp tại cả Tập đoàn mẹ và các công ty thành viên trong thời gian gần đây.

6 lãnh đạo kì cựu của FPT không còn tham gia HĐQT:

hội đồng quản trị cũ FPT

HĐQT FPT nhiệm kì trước (từ trái qua): Đỗ Cao Bảo, Trương Thị Thanh Thanh, Hoàng Minh Châu, Bùi Quang Ngọc, Lê Quang Tiến, Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam, Trương Đình Anh, Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Điệp Tùng và Jonathon Ralph Alexander Waugh.

Ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước, là một trong 13 thành viên sáng lập FPT. Trong suốt thời gian từ 1988-2009, ông Tiến là trụ cột về lĩnh vực tài chính cho cả Tập đoàn FPT, ông là một trong những đồng tác giả của hệ thống tài chính FPT - hệ thống được FPT đánh giá là tiên tiến và minh bạch bậc nhất Việt Nam hiện nay. Ông Tiến hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong.

Ông Hoàng Minh Châu - Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước. Ông Châu là Giám đốc Chi nhánh FPT TP. HCM từ ngày đầu thành lập năm 1990 đến 10/2009, ông đã xây dựng từ một tổ chức nhỏ bé, lần lượt vượt qua những công ty nổi tiếng về CNTT tại TP. HCM để trở thành một đơn vị hàng đầu tại đây. Ông Châu được coi là linh hồn của văn hoá doanh nghiệp FPT, một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển con người của Tập đoàn này.

Bà Trương Thị Thanh Thanh - Phó Chủ tịch HĐQT khóa trước. Bà Thanh là người đầu tiên bắt tay xây dựng Chi nhánh FPT TP. HCM.

Ông Nguyễn Thành Nam - Ủy viên HĐQT khóa trước, là một trong 13 thành viên sáng lập FPT. Dưới sự dẫn dắt của ông Nam, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) là một trong những công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực gia công phần mềm (100%/năm), với doanh thu đạt 1.000 tỉ đồng năm 2010. Ông Nam được bổ nhiệm giữ chức TGĐ FPT trong vòng gần 2 năm, sau đó chuyển giao lại cho ông Đình Anh vào tháng 2/2011. Ông Nam hiện là Giám đốc Dự án Phát triển thị trường Nigeria của FPT.

Ông Hoàng Nam Tiến - Ủy viên HĐQT khóa trước. Ông Nam Tiến là "chiến tướng" từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng của Tập đoàn FPT, với đỉnh cao là giai đoạn 2003-2008 khi Công ty Phân phối FPT do ông làm Tổng Giám đốc đã nhanh chóng phát triển được mạng lưới phân phối lớn nhất tại Việt Nam và liên tục đem lại doanh thu cũng như lợi nhuận cao nhất cho Tập đoàn FPT. Tháng 10/2011, ông Nam Tiến được bổ nhiệm thay ông Thành Nam giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm FPT (FPT Software).

Ông Nguyễn Điệp Tùng - Ủy viên HĐQT khóa trước. Ông Tùng đã kinh qua các vị trí: Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính FPT. Tháng 07/2007, ông Tùng được bổ nhiệm là TGĐ Công ty Chứng khoán FPT.

Ngoài ra, HĐQT FPT nhiệm kì trước còn có một thành viên người nước ngoài là ông Jonathon Ralph Alexander Waugh, quốc tịch Anh, là đồng sáng lập Quỹ Đầu tư PXP VietNam Asset Management, từng làm Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB, được mời về FPT tham gia HĐQT vào tháng 3/2009 sau khi Phó chủ tịch Phan Ngô Tống Hưng nộp đơn xin rút khỏi HĐQTội đồng Quản trị. Ông Waugh cũng không còn có tên trong HĐQT mới.

Một số thông tin từ Đại hội cổ đông FPT:

Kết thúc năm tài chính 2011, tổng doanh thu của FPT đạt 25.978 tỷ đồng, đạt 105,87% so với kế hoạch đã được HĐQT thông qua đầu năm và đạt hơn 97% so với kế hoạch điều chỉnh tăng giữa năm, tăng hơn 27% so với năm 2010. Năm 2011, lãi trước thuế của FPT đạt 2.501,5 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm trước, lãi sau thuế đạt 2.079,1 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 22,9%. Mức lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.681,8 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng cao nhất, lên tới 33%. Với mức lợi nhuận này, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu của FPT năm 2011 đạt 7.806,5 đồng, tăng 19,4%. Lĩnh vực nội dung số của FPT đạt mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng với mức 130%, lĩnh vực phần mềm tăng 30% nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trên thị trường quốc tế.

Những kết quả nổi bật của HĐQT FPT năm 2011 gồm: Tái cấu trúc sở hữu FPT Software, FPT IS và FPT Trading; Thay đổi Ban Điều hành FPT; Quyết định rút khỏi dự án đầu tư vào EVN Telecom; Đầu tư xây dựng khu Campus Đại học và Phần mềm FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo giai đoạn; Đầu tư văn phòng cho các lĩnh vực kinh doanh tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM; Đầu tư vào việc phát triển Chuỗi bán lẻ Kỹ thuật số FPT với quy mô 150 cửa hàng; Đầu tư vào các hoạt động M&A và Đầu tư vào các giải pháp công nghệ hạ tầng.

Trong năm 2012, HĐQT FPT có kế hoạch đầu tư vào vào việc mở rộng và nâng cấp hạ tầng mạng đường trục viễn thông; đầu tư đường trục viễn thông Bắc - Nam.

Vân Hà

Chủ đề khác