VnReview
Hà Nội

"Cơn bão" Vingroup sẽ quét qua thị trường điện máy như thế nào?

Ngày mai, 21/03/2015, 4 siêu thị điện máy VinPro đầu tiên của Vingroup chính thức khai trương tại Hà Nội và TP.HCM. Liệu "ông lớn" Vingroup trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp vừa "đánh tiếng" mua hai cảng biển lớn nhất Việt Nam, sẽ làm thay đổi cục diện thị trường điện máy vốn dĩ đã cạnh tranh rất khốc liệt như thế nào?

Trong vòng 5 năm (từ 2011 đến 2015), thị trường điện máy trong nước chứng kiến sự ra đời, phát triển và lụi tàn của nhiều tên tuổi điện máy.;

Những ngày đầu năm 2015, chuỗi siêu thị điện máy Top Care đồng loạt đóng cửa nhưng không cho biết nguyên nhân cụ thể. Trước đó, HomeOne, Best Carings, WonderBuy cũng lần lượt rời khỏi thị trường chỉ sau 2 năm kinh doanh. Riêng WonderBuy chưa đầy một năm đã phá sản và gánh thêm khoản lỗ tới 52 tỷ đồng.

Chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã 2 năm liền không mở rộng mạng lưới. Đến tháng 1/2015, Nguyễn Kim đã khiến thị trường điện máy rúng động bởi thương vụ bán lại 49% cổ phần cho đại gia Thái Lan Central Group. 

Nguyễn Kim hai năm liền không mở rộng mạng lưới, bán phần lớn cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan.

Trao đổi với phóng viên VnReview, giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy cho hay đây là một thị trường rất khắc nghiệt: Đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp (trên dưới 5%), giá hàng điện máy liên tục theo chiều hướng giảm. Trong khi đó, đây là mặt hàng tiêu dùng dài hạn, doanh số tại các trung tâm điện máy lớn khó có thể tăng trưởng mạnh, thậm chí còn thụt lùi vì nhu cầu của người dân đã giảm dần.

"Cơn bão" VinPro

Như đã đề cập ngay từ đầu, VinPro là một mảng kinh doanh mới của Vingroup, một "đại gia" bất động sản đang lấn sân sang rất nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch, bán lẻ, thương mại điện tử... Khi nhắc đến Vingroup, điều đầu tiên người ta nghĩ ngay đến là tập đoàn này có tiềm lực tài chính rất mạnh. Do vậy, không có gì ngạc nhiên với việc VinPro ồ ạt tấn công thị trường với quy mô không một doanh nghiệp điện máy nào hiện nay đạt được.

Cụ thể, theo thông cáo từ Vingroup, trong năm 2015, tập đoàn này đặt mục tiêu hoàn thành chuỗi cửa hàng trên toàn quốc với 25 trung tâm Công nghệ - Điện máy VinPro và 100 cửa hàng Công nghệ VinPro+. Trước mắt, trong ngày khai trương 21/3, 4 trung tâm VinPro sẽ bắt đầu hoạt động tại các vị trí đắc địa tại Hà Nội (các khu đô thị Royal City và Times City) và TP. Hồ Chí Minh (Vincom Đồng Khởi, Vincom Thủ Đức).

Chưa tính tới Vinpro+, hoạt động theo mô hình bán lẻ di động, con số 25 trung tâm vào cuối năm 2015 mà VinPro tuyên bố thực sự là một con số "khủng". Theo thống kê, tính tới cuối năm 2014, chưa có tên tuổi điện máy nào đạt tới con số này. Chuỗi điện máy Chợ Lớn, đang đứng đầu Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 24 trung tâm, theo sau là Dienmay và Nguyễn Kim.

Nhưng không chỉ dừng lại có vậy. VinPro còn có ưu thế là nó nằm trong một hệ sinh thái toàn diện cho thị trường bán lẻ Việt Nam mà Vingroup đang tạo dựng. Đó là VinMart (bán lẻ), VinPro (điện máy) và VinEcom (thương mại điện tử). Phải nói, đây là một hệ sinh thái trong đó các mảng có sự bổ trợ cho nhau mà riêng trong lĩnh vực điện máy chưa có doanh nghiệp nào có đủ tiềm lực làm như Vingroup.

Theo một nhà phân tích thị trường, giải pháp để doanh nghiệp điện máy thúc đẩy tăng trưởng là mở rộng quy mô thông qua tăng số lượng cửa hàng nhắm vào những nơi có tiềm năng và nhu cầu có xu hướng đi lên. Đây rõ ràng chính là hướng mà VinPro đang tiếp cận.

Nhưng "đường dài mới biết ngựa hay"

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận chuỗi điện máy VinPro sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường mặc dù có tiềm lực tài chính mạnh và cách tiếp cận đúng hướng. Tại sao?

VinPro là ẩn số lớn của thị trường điện máy Việt Nam

Phóng viên VnReview đã liên hệ với đại diện Nguyễn Kim, Trần Anh, Pico... để có thêm nhận định về thị trường với sự xuất hiện của "nhân tố mới" VinPro (thực ra không mới vì thông tin Vingroup nhảy vào lĩnh vực điện máy họ đã biết từ lâu). Tuy nhiên, các nguồn tin này đều từ chối với lý do bận hoặc hẹn trả lời vào dịp khác.

Một vị là giám đốc truyền thông đồng ý trả lời với điều kiện không nêu tên, cho biết việc VinPro tham gia thị trường có chút xáo trộn vì nhân sự nhảy việc. Còn về giá - yếu tố sống còn trong việc thu hút khách hàng - thì chưa thấy đáng ngại khi có VinPro.

"Giá thì khó có thể giảm hơn nữa", vị này cho biết và bổ sung theo quan sát được thấy giá niêm yết sản phẩm của VinPro nếu trừ giá trị quà tặng thì thuộc hàng giá thấp nhất trên trường. Nhưng vấn đề là nếu người tiêu dùng tinh ra thì họ sẽ biết đây không phải là giá thấp vì phải mua sản phẩm bán kèm dưới dạng hàng khuyến mãi.

Để kiểm chứng điều này, chúng tôi đã khảo sát giá nhiều mặt hàng đăng trên website Vinpro và thấy nhận xét trên có vẻ đúng. Chẳng hạn, một số mặt hàng điện thoại, TV có giá niêm yết trên Vinpro ngang với giá của các hệ thống bán lẻ khác, nhưng hơn ở chỗ có sản phẩm khuyến mãi như sạc dự phòng, tai nghe không dây, ấm siêu tốc, nồi cơm điện Kangaroo... Nếu trừ giá trị khuyến mại, có sản phẩm của VinPro cao hơn với giá bán của các website bán qua mạng, hoặc ngang bằng.

Trong buổi khai trương ngày mai, VinPro thu hút khách hàng bằng các chương trình tặng quà miễn phí cho khách thăm quan, gồm chuột máy tính, tai nghe, ốp lưng điện thoại, phụ kiện khác... Trước đó, tờ rơi quảng cáo VinPro đã được phát tới tận cửa nhà người dân.

Nói chung, những gì VinPro đang làm - từ tiếp thị cho đến giá cả - chưa thấy có điểm gì mang tính đột phá so với các đối thủ. Cho nên, VinPro có tạo thành "bão", thay đổi cục diện thị trường điện máy hiện nay hay không cần phải chờ thêm thời gian trả lời.

LD

Chủ đề khác