VnReview
Hà Nội

Hiệu trưởng ĐH FPT: Mô hình trường đại học cũ không còn phù hợp

"Hãy để thị trường tự định hướng cho người học. Người học chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin là có thể lựa chọn đúng ngành nghề đang được thị trường săn đón. Cần thống kê ra các đầu công việc trong xã hội đang có và thu nhập trung bình tương ứng là bao nhiêu, biến động trong những năm vừa qua thế nào...", tiến sĩ Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT, chia sẻ.

Ở tuổi 35, tiến sĩ Đàm Quang Minh đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học FPT, trở thành hiệu trưởng Đại học trẻ nhất Việt Nam (tính đến hết năm 2014). Trước khi trở thành hiệu trưởng Đại học FPT, ông Minh từng là Giám đốc Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Việt Nam, Viện phó Viện Đào tạo quốc tế FPT, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trợ lý cao cấp cho chủ tịch FPT, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Hoa kỳ (IAE), Giám đốc Văn phòng đại diện công ty Moskito-GIS, CHLB Đức, giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Minh nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Trái đất của trường Đại học Tổng hợp Greifswald, CHLB Đức năm 2007...

Tiến sĩ Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường Đại học FPT.

Việc một người mới 35 tuổi nhưng đã có khá nhiều kinh nghiệm giảng dạy, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, am hiểu về công nghệ như ông Đàm Quang Minh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Đại học FPT khiến rất nhiều người quan tâm đến ngành giáo dục, các sinh viên, người cùng thế hệ bất ngờ và không khỏi nể phục. Vậy bí quyết nào đã giúp ông Minh thành công đến vậy? Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, phóng viên VnReview đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Tiến sĩ Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường Đại học FPT, người đang giữ "kỷ lục" là hiệu trưởng trẻ nhất của một trường Đại học ở Việt Nam.

Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn, mời bạn đọc theo dõi:

Tại sao ông lại được lựa chọn làm hiệu trưởng Đại học FPT? Ông có ý tưởng đặc biệt nào để thuyết phục được lãnh đạo FPT chọn mình?

Tôi không phải thuyết phục ban lãnh đạo, tôi được mời làm hiệu trưởng trường Đại học FPT từ tháng 9/2014. Theo tôi, hiệu trưởng không phải là nghề đào tạo được, đó là một quá trình học hỏi và tự phát triển. Trên thế giới cũng chưa có trường học nào đào tạo hiệu trưởng. Tôi đã làm việc trong nghành giáo dục 15 năm, cộng với 7 năm làm việc tại FPT, tôi có lợi thế là gần như đã tham gia tất cả các mảng của Đại học FPT, trong đó tự mình tham gia khởi dựng nhiều mảng như: FPT Greenwich, Viện Đào tạo Quốc tế FPT, FPT Polytechnic, GEM... Chỉ còn mảng đại học và Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB) tôi chưa được tham gia một cách trực tiếp. Có thể nói đây là lợi thế rất lớn vì tôi không mất thời gian để tìm hiểu mà có thể bắt tay vào việc ngay lập tức.

Đâu là thách thức khi ông đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng của một trường đại học?

Với một hiệu trưởng của Đại học FPT thì thách thức lớn nhất chính là sự thành công. Đại học FPT là một trường đại học lớn. Tuy mới chỉ đảm nhận cương vị hiệu trưởng từ vài tháng trước nhưng với những thành quả đã đạt được trong quá khứ, tôi tự tin rằng mình đủ sức quản lý Đại học FPT trong thời gian tới.

Ở tuổi 35 mà đã là hiệu trưởng một trường đại học dân lập khá có tiếng. Ông có chia sẻ gì với những bạn trẻ về sự thành công?

Theo tôi thành công đến từ sự tập trung trong công việc. Hãy coi công việc như là cuộc sống và niềm đam mê của chính mình, từ đó thành công sẽ tới. Ví dụ những người thành công nhất trong thể thao là bởi họ coi thể thao là cuộc sống của mình. Chỉ có đam mê mới giúp các bạn vượt qua những thách thức khó khăn nhất. Ngoài đam mê thì hãy sống thật với những cảm xúc của chính mình. Đừng theo đuổi giấc mơ của người khác mà hãy theo đuổi giấc mơ của bạn. Hãy tự lập và sống cuộc sống của chính mình.

Chúng ta cũng phải tập trung vào thế mạnh, sở thích, lĩnh vực phù hợp nhất. Đó sẽ là động cơ, cảm xúc thuận lợi hơn khi làm việc, khi làm việc sẽ thấy vui, vì thế không thấy mệt. Ai cũng từng phải nếm trải những khó khăn, thất bại trong sự nghiệp. Số lượng thất bại có thể nhiều hơn thành công nhưng quan trọng là cách người ta đối mặt với nó. Đối mặt và không lảng tránh, bởi thành công không bao giờ tới với những kẻ lười biếng.

Là hiệu trưởng, ông mong muốn gì ở các sinh viên của mình nhất?

Đối với sinh viên Đại học FPT thì điều đầu tiên cần có là đam mê. Phải thực sự thích việc mình làm, nếu lựa chọn những việc không thích thì sẽ không có động lực, từ đó học tập (hoặc làm việc) không có hiệu quả và khó có thể lâu dài được. Đam mê sẽ giúp cho con người có động lực để vượt qua các khó khăn. Tuy nhiên thì sinh viên cũng cần phải nhìn vào thực tế và tìm những việc phù hợp với khả năng của mình. Bởi có những việc mình rất thích, rất đam mê nhưng không có khả năng thực hiện thì mình cũng không nên chọn. Những gì xã hội cần thì nên làm. Thí dụ khi lựa chọn ngành nghề thì nên chọn theo xu thế, nhu cầu của xã hội.

Ông đặt mục tiêu như thế nào cho Đại học FPT trong những năm tới? Như 5 năm hoặc 10 năm tới?

Dự định của Đại học FPT là trở thành một trường Đại học theo chiến lược GSM (Global - Smart - Mega) với ý nghĩa quốc tế hóa, đưa công nghệ vào giáo dục và trở thành siêu đại học.

Với tiêu chí Global, Đại học FPT mong muốn có nhiều sinh viên nước ngoài, biến Đại học FPT trở thành nơi có thể "xuất khẩu giáo dục". Các khối đào tạo dựa trên công nghệ giáo dục tiên tiến, được vận hành theo phương thức Smart. Đại học FPT cũng mong muốn trở thành một Mega University - siêu đại học có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Dự kiến Đại học FPT sẽ có 100 ngàn học sinh - sinh viên, trong đó sinh viên nước ngoài chiếm khoảng 10% (hướng tới 20%) trong năm 2020.

Học phí của Đại học FPT thuộc dạng cao ngất ngưởng hiện nay. Có ý kiến cho rằng học phí cao sẽ quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Chất lượng đào tạo liên quan đến hiệu quả của việc sử dụng tài chính trong giáo dục. Học phí của Đại học FPT không phải là thấp, nhưng cũng chưa phải thuộc loại cao nhất hiện nay. Nhiều trường đã tăng học phí nhưng từ năm thành lập (2006) đến nay thì Đại học FPT vẫn chưa tăng học phí. Phải nói rằng đây là một nỗ lực rất lớn của nhà trường. Kết hợp với việc tăng chất lượng giáo dục, nghĩa là hiệu quả sử dụng tài chính càng ngày càng tăng lên. Đó là cốt lõi giúp cho người học thành công.

Một số ý kiến nhận định rằng sinh viên FPT sau khi ra trường thường khởi nghiệp đều rất thành công, nhưng không bền vì ham làm giàu bằng mọi giá. HaiVL là một ví dụ, được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình ca ngợi hết lời nhưng sau đó đã bị đóng cửa. Anh nghĩ thế nào về điều này?

Thực tế thì Haivl là một doanh nghiệp. Nếu như dùng một doanh nghiệp để đánh giá chung cho thành công hay thất bại của một trường đại học thì độ xác thực không cao. Vì hàng năm có rất nhiều sinh viên đại học ra trường, và người lãnh đạo của Haivl chỉ là một trong số những sinh viên đó.

Có một tình trạng chung hiện nay là sinh viên đại học dân lập rất khó xin việc ở các cơ quan nhà nước. Theo ông, thực tế này nói lên điều gì?

Xin việc ở các cơ quan nhà nước không nên là lựa chọn được ưu tiên nhất. Bởi vẫn có nhiều cơ quan tư nhân hiện nay đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người lao động, không kém gì các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, việc khó xin việc còn nằm ở yếu tố chủ quan là người lao động yếu về năng lực làm việc. Tất nhiên kết quả sinh viên ra trường đi làm như thế nào thì đều là do chất lượng đào tạo của nhà trường. Sinh viên chọn học trường thế nào thì họ sẽ nhận được kết quả như vậy. Đương nhiên trong chuyện này có một phần lỗi của hệ thống giáo dục còn lệch lạc, những chỗ cần nhiều người thì đào tạo ít, những chỗ cần ít người thì lại đào tạo nhiều.

Nhiều chuyên gia phát biểu là giáo dục của chúng ta có vấn đề. Mười năm nay vẫn cứ nói thế nhưng vấn đề ở đâu, như thế nào và làm gì để khắc phục lại không thấy đề cập cụ thể. Theo anh, vấn đề của giáo dục Việt Nam nằm ở đâu?

Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất hiện nay là do sự thay đổi công nghệ trong cuộc sống, diễn ra với tốc độ rất nhanh và đa phần các trường đại học không theo kịp. Mô hình trường đại học cũ trở nên không còn phù hợp và đòi hỏi một mô hình mới ưu việt hơn, đáp ứng được nhu cầu xã hội. Mô hình đó như thế nào hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng nhưng chắc chắn sẽ cần ứng dụng rất nhiều về công nghệ thông tin, hướng tới đào tạo kỹ năng sáng tạo và thích nghi cho người học.

Như vậy chúng ta phải định hướng lại nền giáo dục?

Hãy để thị trường tự định hướng cho người học. Mọi người cứ nghĩ đó là vấn đề định hướng nhưng về bản chất nó là vấn đề thông tin. Người dân nói chung chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin để quyết định được. Đó là những thông tin như có bao nhiêu doanh nghiệp, tỷ lệ người lao động làm trong các lĩnh vực ra sao, tên công việc là gì. Thống kê ra các đầu công việc trong xã hội đang có và thu nhập trung bình tương ứng là bao nhiêu, biến động trong những năm vừa qua…

Nếu cần phải có một chính sách thay đổi trong giáo dục đại học, thì theo ông cần phải thay đổi những gì?

Hãy trao nhiều quyền hơn cho các trường đại học và tạo môi trường cạnh tranh thực sự giữa các trường công – dân lập. Nghĩa là bớt "xin, cho" đối với các trường công lập và bớt những quy định không cần thiết. Thí dụ, thay vì nhà nước đầu tư tiền cho trường công lập thì hãy mang nó đến tay người học. Vì người học là những người đóng thuế, là những người bình đẳng, hơn là cho các trường. Với số tiền "trợ giá" này thì sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn trường đại học hơn. Hiện nay chủ yếu vì giá học phí thấp nên nhiều sinh viên đã lựa chọn trường công để học tập và nghiên cứu. Nếu thay đổi được điều này thì các trường tư thục và dân lập sẽ phát triển hơn, từ đó sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa.

Trong một báo cáo mới đây của EIU về chỉ số tài năng toàn cầu, Việt Nam ở top cuối trong 60 nước, vùng lãnh thổ. Trong đó, các tiêu chí như giáo dục đại học, chất lượng nguồn nhân lực đều thấp và bị giảm so với năm 2011. Là một người đứng đầu một cơ sở giáo dục đại học lớn ông có suy nghĩ gì?

Hiện giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Đó không phải là điều mới. Để ;thay đổi hệ thống giáo dục đại học thì về bản chất là thay đổi cơ chế quản lý giáo dục. Hiện tại giáo dục đại học ở Việt Nam có đến 84% là hệ thống công lập. Trong khi đó các quốc gia trong  khu vực Đông Nam Á khác (Thái Lan, Malaysia, Philippin, Singapore…) thì không có tỷ lệ cao như vậy. Tỷ lệ này hiện vẫn khá bất hợp lý. Chúng ta cần giảm bớt tỷ lệ này và đẩy mạnh các trường tư thục, các trường dân lập.

Chủ đề khác