VnReview
Hà Nội

Xe otô Made in Vietnam “đắp chiếu” vì thuế

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki, chia sẻ với phóng viên VnReview rằng chính sách thuế đối với ô tô đã khiến cho xe VG, mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất ngành ô tô Việt Nam, ra mắt cách đây 3 năm nhưng vẫn chỉ nằm lạnh lẽo trong xưởng.

 

Ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch công ty CP Vinaxuki.

Năm nay đã 73 tuổi và từng là một người thợ cơ khí, cơ duyên nào đã đưa ông đến với ý tưởng chế tạo mẫu xe ô tô tại Việt Nam?

Tôi mong muốn tự tay làm ra một chiếc xe hơi từ lâu lắm rồi. Có lẽ là từ hồi lớp 4, lớp 5 khi tôi được xem những thước phim đen trắng về cảnh kéo pháo lên trận địa Điện Biên Phủ... Ước mơ làm xe cứ thế theo tôi trong suốt những năm tháng học tập. Những năm 1970, tôi tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải và làm kỹ sư ở Cục Ô tô, Bộ Giao thông vận tải. Ban ngày đi làm, nhưng đến tối là tôi lại mày mò làm săm lốp, pêđan, các loại phụ tùng xe đạp… Một thời gian sau thì tôi mua sắt vụn về chế tạo máy cán thép thủ công, bán cho nhà máy Gang thép Thái Nguyên, cũng khá lãi. Căn hộ của bốn người gia đình tôi (gồm vợ, một con trai, một con gái) cũng dần biến thành một xưởng cơ khí.

Kiếm được bao nhiêu tiền tôi dồn hết đi mua sách kỹ thuật cơ khí để nghiên cứu, áp dụng thử vào sản xuất ô tô. Nhưng phải đến năm 1992, tôi về hưu, không bị ràng buộc với cơ quan nữa thì mới thuê đất và phát triển xưởng sản xuất cơ khí lớn như hiện nay.

Điều gì đã khiến ông tự tin theo đuổi giấc mơ ô tô trong quãng thời gian dài như vậy?

Theo tôi, phải tự tay làm thì mới yên tâm về chất lượng, nhưng quan trọng hơn là giảm được rất nhiều chi phí. Tôi tự tin rằng, mình là người Việt Nam đầu tiên tự tay thiết kế xây dựng xưởng chế tạo ôtô Made in Vietnam.

Tôi lọc lấy cái hay của công nghệ xứ người rồi áp dụng cho mình, kết hợp với sử dụng vật liệu, thiết bị, nhân công của Việt Nam nên giá thành rẻ hơn rất nhiều. Ví dụ như xe VG được lắp động cơ, lắp bộ phụ tùng ngang dòng xe tầm trung. Loại xe này nước ngoài đang bán từ 550 - 600 triệu đồng, nhưng xe tôi chỉ bán khoảng 350 triệu đồng. Tôi nghĩ chất lượng xưởng lắp ráp của tôi không thua kém bất cứ một liên doanh nào. Tôi cũng có bể sơn điện ly hiện đại không chỉ nhất ở Việt Nam mà còn được hãng Nippon (Nhật Bản) công nhận là hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á.

Có nhiều ưu điểm như vậy nhưng tại sao sau 3 năm thì mẫu xe VG vẫn chỉ là phiên bản thử nghiệm? Điều gì khiến chiếc ô do người Việt tự sản xuất vẫn chưa thể thành công?

Tôi là người đầu tiên làm nội địa hóa ô tô, trong đó khó khăn lớn nhất là về vốn và các chính sách thuế. Nếu ra được thị trường giá bán của xe cũng chẳng thể rẻ hơn giá xe nhập khẩu là bao.

Mức giá xe VG được căn cứ dựa trên đề xuất của Bộ Công Thương là giảm 75% thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe có tỷ lệ nội địa hóa cao trên 50%. Tuy nhiên, đề nghị này sau đó đã không được thông qua khiến Vinaxuki gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thiện phần còn lại của mẫu xe.

Một khó khăn khác mà chúng tôi đang gặp phải là chính sách của ngành vẫn chưa rõ ràng. Chiến lược phát triển ngành ôtô đã được phê duyệt nhưng gần như chỉ có ưu đãi cho các doanh nghiệp lắp ráp. Còn doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư nội địa hóa thì lại loay hoay vì không có tiền.

Vì vậy mà nhiều người quan niệm rằng đầu tư nội địa hóa ôtô ẩn chứa quá nhiều rủi ro, nên họ không đầu tư phát triển như Vinaxuki. Tôi tin sau khi nghe được các ý kiến phản ánh đúng đắn, tham mưu hợp lý, kịp thời, Chính phủ sẽ nhìn thấy và có các chính sách hợp lý. Tôi đặt niềm tin vào điều đó bởi phát triển sản xuất trong nước là bước đi đúng đắn, vững chắc nhất.

Bao giờ xe hơi Made in Vietnam mới hoàn thiện?

Là người chủ một doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa, ông mong muốn một chính sách ưu đãi như thế nào?

Tôi mong Chính phủ sẽ hạ các loại thuế cho các xe nội địa hóa để các dòng xe này có giá bán cạnh tranh hơn nữa. Không riêng gì xe của tôi, sẽ ít người dám mua một dòng xe mới chưa được biết đến thương hiệu, nhưng nếu bán rẻ thì người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Đáng lẽ cái xe có giá 550 triệu, người tiêu dùng chỉ phải mua 350 triệu. Với mức giá như vậy, tôi tin là trong 100 người Việt Nam, sẽ có đến 60-70 người muốn sử dụng hàng trong nước.

Ngoài các khoản hỗ trợ về thuế, phí như trên, tôi mong Chính phủ sẽ đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho ô tô ở Việt Nam nhiều hơn nữa. Đây chính là cánh cửa để doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước phát triển nhanh nhất có thể.

Theo ông, công nghiệp phụ trợ ô tô trong nước nên được phát triển ra sao?

Chính sách cho công nghiệp phụ trợ hiện nay của Việt Nam vẫn chưa được chú trọng. Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ muốn đầu tư nhưng khi đưa ra thì Bộ Tài chính lại không đồng ý vì cho rằng đã hỗ trợ gần 10 năm mà ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa làm được.

Tôi cho rằng Bộ Tài chính nên xem xét lại vấn đề vì số tiền hỗ trợ 10 năm qua chủ yếu vẫn "chảy" vào khu vực liên doanh và một số doanh nghiệp nhà nước, còn những doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi thì gần như không được hỗ trợ gì. Sản xuất phụ tùng ai cũng biết là quan trọng, nhưng không có cái gì tự nhiên nó có cả. Để dân làm được thì nhà nước phải cho vay vốn, và quan trọng là phải dài hạn. Giống như các tập đoàn ô tô Hàn Quốc, trước đây họ được cho vay thời hạn tới 30 năm mà lãi suất có thể bằng 0.

Trở lại với khó khăn hiện tại của Vinaxuki: công ty đang nợ 1.200 tỷ đồng, nhà máy buộc phải ngừng hoạt động đã 3 năm nay, số lượng lao động cũng phải cắt giảm từ 1.160 xuống còn hơn 200 người… Vậy ông đã tìm ra giải pháp nào để gỡ khó cho doanh nghiệp mình chưa?

Tôi đã vay ngân hàng khoảng 36% tổng số vốn đầu tư, nhưng ngân hàng không tin là chúng tôi có thể làm được ô tô, họ giữ hết tài sản nên tôi không đi vay được vốn tiếp. Tôi cần thêm 60 tỷ đồng để hoàn thiện mẫu xe VG nên tôi đang tính đến giải pháp bán nợ. Phía Hàn Quốc và các công ty tài chính có thể mua lại nợ của chúng tôi ở ngân hàng, sau đó họ sẽ giúp tôi vay vốn thêm ở các công ty nước ngoài. Tôi cũng dự định sẽ bán 50% cổ phần của công ty. Tài sản của Vinaxuki hiện giờ kiểm toán có giá trị 3.200 tỷ đồng, nếu bán một nửa cổ phần tôi sẽ có đủ tiền để trả hết nợ ngân hàng. Phần tiền còn lại, tôi sẽ tập trung đầu tư để nhà máy có thể hoạt động trở lại.

Gia Lộc

Chủ đề khác