VnReview
Hà Nội

Xây website TMĐT, doanh nghiệp nhỏ tăng cơ hội cạnh tranh

Tạo lợi thế cạnh tranh cho mình trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do và việc các doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là việc mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần quan tâm kịp thời. Với sự giúp sức của công nghệ, việc xây dựng website thương mại điện tử là bước đi vừa đơn giản lại hiệu quả trong việc tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Đến nay, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công 10 hiệp định thương mại tự do, trong thời gian tới, dự tính sẽ có thêm 6 hiệp định mới được kí kết. Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do này, nhiều mặt hàng sẽ được đánh mức thuế quan thấp hơn, đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp ngoại sẽ tấn công thị trường Việt Nam và doanh nghiệp Việt cũng được mở rộng cánh cửa ngoại thương, tiếp cận với đối tác và khách hàng nước ngoài.

hiệp định tự do thương mại

Các cơ hội giao thương tự do rất cần sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực thương mại điện tử

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến xu hướng chuyển mình sang thương mại điện tử. Đây là xu hướng chung của nền kinh tế toàn cầu. Theo thống kê, tại Việt Nam, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng đạt khoảng 2,97 tỷ đô la vào năm 2014. Hình thức thương mại này mang lại những lợi thế tuyệt vời mà thương mại truyền thống không thể sánh bằng như khả năng cho phép hoạt động bán hàng diễn ra 24/7, giảm thiểu chi phí bán hàng, dễ dàng tiếp cận và mở rộng đối tượng khách hàng.

Nhắc đến thương mại điện tử và sự mở rộng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia để thấy rằng thị trường được nhân rộng, cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), song nếu không có biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh thì các doanh nghiệp nội sẽ sớm bị các tên tuổi nước ngoài nuốt thị phần.

Thương mại điện tử lẽ dĩ nhiên sẽ gắn liền với internet, website và các hình thức thanh toán trực tuyến. Trong các khâu này, việc xây dựng một website gần gũi với tên doanh nghiệp hay danh mục sản phẩm của công ty sẽ mang lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp vì tăng khả năng được tìm thấy khi khách hàng sử dụng các công cụ tìm kiếm.

Tên miền .COM – công cụ đắc lực xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến

Bước đầu tiên khi xây dựng một website là lựa chọn tên miền phù hợp. Đây là nền tảng cơ bản nhưng vô cùng quan trọng để định hình một thương hiệu trực tuyến thành công lâu dài. Theo ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Chi nhánh phía Nam, Công ty P.A Việt Nam – một trong những nhà đăng kí tên miền hàng đầu Việt Nam, từ thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp đều lựa chọn tên miền .COM khi bắt tay xây dựng thương hiệu trực tuyến của mình.

xây dựng website thương mại điện tử

Lý giải sự yêu thích mà các doanh nghiệp dành cho tên miền .COM, các chuyên gia cho rằng đây là tên miền có lịch sử lâu đời so với các tên miền khác. Trong hơn 17 năm qua, đã có tới hơn 117 triệu tên miền .COM được đăng kí và sử dụng trên toàn thế giới. Người dùng internet cũng có xu hướng truy cập các website có tên miền .COM vì tính chính thống, ổn định và đáng tin của các trang web sử dụng tên miền này. Các website với tên miền .COM cũng giúp SEO tốt hơn các tên miền khác. Khảo sát của Searchmetrics trên hơn 100 nghìn tên miền và hơn 100 triệu liên kết trực tuyến cho thấy: có tới 75% các liên kết chuyển hướng sang các trang web có tên miền .COM.

Với sự phát triển mạnh mẽ từng ngày của công nghệ thông tin, ngày càng xuất hiện nhiều tên miền mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn nên lựa chọn tên miền truyền thống .COM, bởi khách hàng mà họ hướng tới – những người sử dụng internet vẫn luôn có thiện cảm với tên miền .COM và thường xuyên truy cập website có tên miền này. Lựa chọn tên miền .COM cũng là lời khuyên nhiều chuyên gia dành cho các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử trong lộ trình xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến – công cụ sinh lời lâu dài của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, chi phí đăng kí và duy trì website với tên miền này không lớn, chỉ khoảng 200-300 nghìn. Với một khoản đầu tư rất nhỏ này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể vươn ra thị trường rộng lớn và tiếp cận với hàng triệu khách hàng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

A.M

Chủ đề khác