VnReview
Hà Nội

Viettel không muốn là doanh nghiệp duy nhất "thống lĩnh thị trường"

Trước việc MobiFone và VinaPhone sắp có cơ hội ra khỏi nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, Viettel đã đề xuất, Bộ TT&TT nên giữ nguyên vị trí của 3 nhà mạng như hiện nay để quản lý, không nên có sự thay đổi để tránh cuộc chiến cạnh tranh về giá cước, có nguy cơ gây xáo trộn thị trường di động.

Viettel sẽ là doanh nghiệp duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường trong thời gian tới

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, Bộ TT&TT nên xem xét lại khái niệm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, theo đó Bộ TT&TT không nên thay đổi vị trí của các doanh nghiệp di động thống lĩnh thị trường và xếp 3 nhà mạng có vị trí tương đương nhau như hiện tại. Ý kiến này được ông Dũng phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT tháng 5/2015 vào sáng 5/6/2015.

;Ông Lê Đăng Dũng giải thích, việc thay đổi vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra khỏi nhóm thống lĩnh thị trường phát triển thoải mái hơn, họ có thể tự quyết định giá cước rẻ hơn doanh nghiệp khác. Điều này có nguy cơ sẽ gây xáo trộn thị trường, bởi khách hàng có thể đua nhau chuyển mạng sang nhà mạng có giá cước rẻ hơn, nhà mạng sẽ có cuộc chiến về giá cước để cạnh tranh gây hỗn loạn thị trường. Do đó, Viettel kiến nghị sẽ không thay đổi vị trí của các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường viễn thông mà giữ nguyên như hiện nay, cùng quản lý 3 nhà mạng như các doanh nghiệp lớn.

Sở dĩ Viettel đưa ra đề xuất này, bởi theo dự thảoThông tư sửa đổi một số quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT ngày 15/11/2012 Bộ TT&TT, trong lĩnh vực dịch vụ thông tin di động mặt đất, Viettel là doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường duy nhất.

Trước đó, theo Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT, trong lĩnh vực dịch vụ thông tin di động mặt đất, cả 3 đơn vị là: Viettel, MobiFone, và VNPT, đều thuộc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với cả 3 dịch vụ gồm: Dịch vụ điện thoại, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ truy nhập Internet.

Theo ông Phan Tâm, Cục trưởng Cục Viễn thông, theo từng thời kỳ, căn cứ theo diễn biến của thị trường viễn thông, Bộ TT&TT sẽ ban hành danh mục các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, hoặc nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Danh mục này được xây dựng căn cứ vào báo cáo doanh thu của từng doanh nghiệp, việc quyết định có đưa một doanh nghiệp hay không đưa một doanh nghiệp vào danh mục này không phụ thuộc ý chí chủ quan của Bộ, còn nhận thức của xã hội chỉ là một kênh thông tin tham khảo. Do đó, Viettel hay bất cứ doanh nghiệp viễn thông nào khác phải chấp nhận việc thay đổi,  nằm trong hay nằm ngoài nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng, đến hết năm 2014 Viettel đã chiếm tới 52,12% thị phần thuê bao di động, nên phải chấp nhận thực hiện đúng quy định quản lý đối với doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để thị trường di động có sự cạnh tranh lành mạnh.

Theo con số công bố của Bộ TT&TT, đến hết năm 2014, VinaPhone có 26 triệu thuê bao, MobiFFone có 40 triệu thuê bao và Viettel có 55,5 triệu thuê bao. Sau khi MobiFone tách ra khỏi VNPT thì hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone sẽ ra khỏi nhóm thống lĩnh thị trường. Nếu không nằm trong nhóm thống lĩnh thị trường, VinaPhone và MobiFone có điều kiện thuận lợi hơn Viettel về quyền quy định giá cước, khuyến mãi để có cơ hội phát triển.

Theo Thông tư mà Bộ TT&TT ban hành về Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng mà Nhà nước cần quản lý cạnh tranh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013 thì Viettel, MobiFone và VinaPhone nằm trong nhóm các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ thông tin di động. Khi doanh nghiệp xếp vào nhóm có vị trí thống lĩnh thị trường sẽ bị quản lý chặt.

Chẳng hạn, với những doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần,  trước khi họ muốn ban hành một mức giá cước nào đó, thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý trên cơ sở không được bán dưới giá thành.

Còn đối với doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế, họ được quyền ban hành giá cước có thể thấp hơn cả giá thành của mình, nhưng không quá thấp so với mức trung bình hiện có trên thị trường.

Về cơ bản nguyên tắc quản lý kinh tế, Nhà nước không để các doanh nghiệp ép giá, phá giá, trong trường hợp có những biến động lớn Nhà nước sẽ tiến hành những biện pháp bình ổn giá cả trên thị trường. Đây là nội dung lớn nhất về quản lý đang nóng trên thị trường viễn thông di động.

Theo ICTNews

Chủ đề khác