VnReview
Hà Nội

Khi người Việt bị “thuốc” bằng iPhone giá rẻ

Của rẻ chưa chắc đã là của ôi, những chiếc iPhone với mức giá thấp tạo điều kiện cho người dùng làm quen với iOS, hứa hẹn sẽ làm lao đao thị trường smartphone Việt.

Nửa đầu năm 2015, hàng trăm nghìn chiếc iPhone 5C, 5 và 5S lock (khoá mạng) đột ngột "đổ" về Việt Nam, với mức giá thấp nhất chỉ từ 3,2 triệu đồng/chiếc kèm sim ghép, chưa tính giá phụ kiện.

Nếu tính phụ kiện lô cả cable, củ sạc thêm 200.000 đồng/bộ, một chiếc iPhone 5C có giá chỉ 3.4 triệu đồng/chiếc, mức giá chênh lệch khoảng 1 triệu đồng với iPhone 5 và các loại iPhone thế hệ tiếp theo lại cộng thêm từ 1 triệu đồng/ đời máy.

Những chiếc máy giá rẻ này, lôi kéo không nhỏ bộ phận người dùng, đang chần chừ với việc chọn mua điện thoại cho mình "xuống tay", để dùng thử iPhone một lần cho biết và trở nên quen với chiếc điện thoại của Apple.

Giới công nghệ sử dụng từ "thuốc" để nói về việc khách hàng từ không thích, không dùng, cho đến mê iPhone sau khi dùng thử.

Những chiếc iPhone 5C lock bị "thất sủng" được bán với giá rẻ làm tăng cơ hội tiếp cận của người dùng với iPhone - ảnh minh hoạ: Getty Images

Anh Lê Đình Đức, Giám đốc công ty Maritime Logistics (162A/3 Tôn Đức Thắng) mua cho vợ một chiếc iPhone 5C từ lời tư vấn của bạn bè, từ khi mua chiếc máy đến nay, anh hoàn toàn hài lòng: "Vợ không hoàn toàn để ý đến iPhone, nhưng từ khi mua máy rồi thì không đòi hỏi mua thêm máy nào nữa".

Trước đây, anh Đức dùng một chiếc Samsung Galaxy S3, sau đó đổi sang iPhone 5, vợ anh trước đó đang dùng HTC 8x. Từ khi mua máy, hai vợ chồng có thể nhắn tin qua iMess mà không mất tiền, không phải thao tác thêm vào các dịch vụ OTT khác như Line hay Viber để nhắn tin miễn phí qua mạng.

Hệ sinh thái của Apple bao gồm cả OS X dành cho dòng máy tính và iOS ngày càng có sự liên quan mật thiết như iMess, iCloud thực sự là một công cụ để kết nối mạnh mẽ giữa những chủ nhân điện thoại, thông qua thiết bị đầu cuối là iPhone và trên nền tảng kết nối mạng rất hiệu quả.

Nhân viên Apple Store tại Shibuya chào đón người mua hàng, Nhật Bản là nguồn cung những chiếc điện thoại lock của các hãng như Softbank, Docomo, Au về Việt Nam - ảnh: Thành Lương

"iPhone chiếm khoảng 50% sự quan tâm so với các hãng khác, nếu như đầu tháng 3 và tháng 4, khách hàng họ quan tâm đến iPhone 5C, thì giờ đây, họ đang chú ý đến iPhone 5 và 5S", Đào Văn Tú, Quản lý bán hàng tại cửa hàng Di Động Thông Minh (119 Thái Thịnh, 208 Xã Đàn, Hà Nội) nhận định, sau hàng loạt iPhone lock về Việt Nam đợt vừa qua, thị trường di động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, giờ đây nhiều nhà gia đình, cả nhà dùng iPhone (do iPhone đã có giá rất rẻ - pv) và họ đã làm quen với việc, sử dụng iPhone.

iPhone lock chủ yếu là iPhone được mua dạng hợp đồng giữa các nhà mạng như Docomo, Softbank, Au (Nhật), hoặc T-Mobile, AT&T... (Mỹ).

Trong nhiều năm, nghiên cứu thị trường của các hãng lớn, luôn chỉ ra rằng, tỉ lệ người dùng trung thành với iPhone là cao nhất, trong khi, luôn có tỉ lệ dịch chuyển từ Android và các hệ điều hành khác sang iOS cao hơn là các chỉ số ngược lại.

Năm 2013, Tổ chức Consumer Intelligence Research Partners (CIRP) công bố kết quả điều tra thể hiện, 81% người dùng iPhone muốn nâng cấp điện thoại iPhone của mình lên đời cao hơn, chứ không muốn dùng loại điện thoại khác. Tỉ lệ chuyển đổi giữa iPhone sang Android chỉ là 7%, trong khi từ Android sang iPhone là 20%.

Năm 2014, Wall Street Journal cung cấp kết quả điều tra, dựa trên mẫu người dùng ở Mỹ, Anh và Australia, cho thấy, những khách hàng sử dụng iPhone luôn là nhóm khách hàng trung thành nhất.

Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nào về người dùng Việt, nhưng dường như số lượng người dùng iPhone tại các thành phố lớn luôn áp đảo. Gần đây, Apple đã để ý mạnh mẽ đến thị trường Việt Nam, họ đưa hình ảnh Việt Nam vào quảng cáo iPad Air, tiếp đó, hãng này cung cấp dịch vụ Apple Music đến người dùng Việt với mức giá khá "cạnh tranh" là 2,99 USD/tháng.

Trong nhiều năm, mức giá iPhone mới luôn chỉ dành cho những người giàu có với giá trung bình từ 16 triệu đồng/chiếc, mức giá cũ dao động khoảng 8 – 9 triệu đồng/chiếc, là một rào cản khá lớn để nhiều người dùng có cơ hội làm quen với hệ điều hành này. Tuy nhiên, với mức giá chỉ từ 3.5 – 5 triệu đồng/chiếc iPhone lock, iPhone "xách tay" đã đánh thẳng vào phân khúc tầm trung, vốn nhiều năm là sân chơi riêng của Samsung, HTC, Asus, hay những thương hiệu Trung Quốc như Oppo… làm mất thị phần của những thương hiệu này.

Một người buôn iPhone nghiệp dư, hoạt động chủ yếu trên các trang rao vặt cho biết, cách đây vài năm, iPhone lock vốn nhiều lỗi vặt khiến người dùng e ngại, nhưng giờ đây sim ghép đã ổn định, các lỗi nhỏ của iPhone lock đều khắc phục được, hoặc không đáng kể như lỗi không tra được tài khoản, hay nạp tiền bằng phím tắt mà phải bấm nút gọi tổng đài.

Tuy nhiên, mua iPhone lock cũng cần phải là người am hiểu để chọn máy, tránh gặp phải máy "dựng" đã thay vỏ, ép lại kính màn hình, thay thế linh kiện từ những chiếc máy cũ để bán cho người dùng.

Hiện tại, ngoài các loại iPhone lock đời cũ hơn, iPhone 6 và 6 Plus hàng lock cũng đã xuất hiện trên thị trường, với mức giá khoảng từ 10 triệu đồng/chiếc cho hàng nguyên hộp.

Theo ICTNews

Chủ đề khác