VnReview
Hà Nội

Lợi nhuận suy giảm 47%, Qualcomm sa thải 15% nhân sự

"Intel trong thế giới di động" dường như đang gặp khó khăn hơn lúc nào hết. Trong quý 2 vừa qua, hãng sản xuất chip di động lớn nhất thế giới vẫn có lãi 1,2 tỷ USD song con số này thấp hơn đáng kể so với một năm trước.

Trở lại vài năm trước, cái tên Qualcomm Snapdragon có mặt gần như trên hầu hết mọi siêu phẩm di động của các hãng (tất nhiên ngoại trừ của Apple). Thậm chí các sản phẩm tầm trung cũng ưu tiên sử dụng chip do đơn vị này sản xuất. Vì vậy mà Qualcomm được ví von như "Intel của làng di động". Thế nhưng đến cuối 2014 vừa qua và sang nửa đầu 2015 này, mọi thứ trở nên không tốt cho cái tên này.

Lỗi không chỉ nằm ở Snapdragon 810

Trước hết là sự cố quá nhiệt của siêu chip Snapdragon 810 đã khiến không chỉ chính Qualcomm khốn đốn mà bạn hàng của doanh nghiệp này cũng bị vạ lây. HTC "đổ thừa" doanh số One M9 bị "yếu" chính do sản phẩm đó xài... Snapdragon 810. Những tên tuổi di động khác cũng lần lượt quay lưng với sản phẩm này và lợi nhuận của Qualcomm tụt dốc như đồ thị giá trị cổ phiếu.

HTC One M9, một trong các sản phẩm sử dụng Snapdragon 810

Điều "may mắn" cho Qualcomm là hãng chỉ có một sản phẩm bị "tẩy chay". Bạn hàng của công ty này vẫn tiếp tục đặt hàng các chip Snapdragon để trang bị cho sản phẩm như Snapdragon 808, 805, 620, 615... Do vậy mà doanh số trong Q2 vừa qua của Qualcomm vẫn tương đương cùng kỳ 2014 - hãng này bán ra được 225 triệu con chip MSM. Song, do giá bán của những con chip trên thấp hơn Snapdragon 810 nên doanh thu đạt được của doanh nghiệp Mỹ này thấp đi hẳn - 5,8 tỷ USD (Q2/2015) so với 6,8 tỷ USD (Q2/2014).

Và điều đáng nói hơn là tuy doanh thu chỉ sụt 14%, nhưng vì giá bán trung bình thấp đi đáng kể, nên lợi nhuận Q2/2015 của Qualcomm sụt đi tới 47% so với cùng kỳ 2014 (1,2 so với 2,2 tỷ USD). Lợi tức trên từng cổ phiếu (EPS) chỉ còn 73 cent, thấp hơn 44% so với 131 cent của Q2/2014. Các cổ đông và nhà đầu tư rất không thích thông tin này chút nào.

Lợi nhuận trong quý 2 vừa qua (Q3'2015) của Qualcomm sụt giảm đáng kể

Nhưng khác với Intel "xịn", "Intel di động" không có được ưu thế độc quyền kiến trúc ARM. Nhờ độc quyền cấp phép bản quyền sản xuất chip x86, Intel duy trì được thế độc tôn gần như tuyệt đối trước đối thủ AMD nhỏ bé. Nhưng Qualcomm không có điều này, kiến trúc ARM không do Qualcomm nắm giữ. Bất kỳ hãng nào cũng có thể mua bản quyền từ ARM và tự sản xuất lấy chip của riêng mình. Ngoài Samsung và Apple ra, những đối thủ đáng gờm nhất của Qualcomm đến từ Trung Quốc.

Qualcomm hiện chỉ ở "chiếu trên" do nắm trong tay bản quyền công nghệ LTE 4G cho modem điện thoại và họ có thể bán quyền sử dụng cho các công ty khác. Song không phải quốc gia nào cũng có hạ tầng 4G và 4G cũng không phải là điểm dừng sau cùng của công nghệ truyền thông. Đối thủ kiêm bạn hàng, Samsung, hiện đang đầu tư rất mạnh cho 5G. Nên về lâu dài, khó nói Qualcomm có thể tiếp tục "rung đùi" như nhiều năm vừa qua hay không.

Bên cạnh đó, các chip Snapdragon trước đời 810 đều sử dụng các nhân tuỳ biến (custom core) Krait dựa trên kiến trúc ARMv7. Nhân Krait cho phép đạt mức hiệu năng/năng lượng tiêu thụ tốt hơn các nhân ARMv7 mặc định. Vì vậy mà các chip Snapdragon trước 810 (đặc biệt như Snapdragon 800) rất được các hãng sản xuất smartphone chuộng dùng cho sản phẩm của họ. Song điều trên không còn đúng với Snapdragon 810 nữa.

Chip Snapdragon 810 không còn "linh dược" Krait như thế hệ đàn anh

Trong cuộc đua 64-bit, Qualcomm không có đủ thời gian để tung ra kịp một con chip dựa trên nhân tuỳ biến của riêng mình. Hãng này dùng lại cấu hình big.LITTLE do chính ARM đề ra. Và các đối thủ khác cũng thực hiện điều tương tự. Snapdragon 810 không có điểm gì nổi bật hơn các đối thủ mang tên Exynos hoặc MediaTek. Thế nên nó lại càng trở nên khó tiêu thụ hơn, bên cạnh scandal quá nhiệt.

Được biết, Qualcomm chỉ có thể tung ra mẫu chip ARMv8 với nhân tuỳ biến Kryo ở thế hệ chip Snapdragon 820. Nếu Kryo có thể kế thừa được điều mà Krait đã làm, Qualcomm sẽ trở lại ánh hào quang. Song nếu Kryo thất bại, ban lãnh đạo "Intel di động" chắc chắn sẽ rất đau đầu.

Tái cơ cấu lại nhân lưc

Đau đầu với kết quả kinh doanh Q2 vừa qua. Steve Mollenkoft, CEO Qualcomm, đã công bố sẽ sa thải tới 15% số nhân sự nhằm tái cấu trúc lại toàn bộ công ty. Con số này thực tế còn cao hơn mức 10% mà giới công nghiệp đã dự đoán trước đó. Mục đích của việc cắt giảm nhân sự này nhằm tiết kiệm cho hãng 1,1 tỷ USD. Và kết hợp với việc giảm mức chi trả cổ tức cho các cổ đông tới 300 triệu USD, Qualcomm kỳ vọng có thể tiết kiệm được tới 1,4 tỷ USD cho tới cuối tài khoá 2016 (kết thúc vào cuối Q3 năm sau).

Qualcomm có thể bị chia đôi

Hiện tại, ban lãnh đạo Qualcomm đang đối mặt với rất nhiều sức ép từ các nhà đầu tư. Họ cho rằng công ty này nên tách làm đôi với một đơn vị chuyên kinh doanh bản quyền công nghệ (LTE 4G chẳng hạn) và đơn vị còn lại chuyên kinh doanh chip di động. Nếu Qualcomm thực hiện điều đó, các cổ đông của đơn vị kinh doanh bản quyền sẽ rất hài lòng với một nguồn thu lợi ổn định và nhiều khả năng họ sẽ bỏ rơi đơn vị kinh doanh chip còn lại, vốn đang tồn tại trong một môi trường cạnh tranh nhiều rủi ro.

Nhưng dù Qualcomm có "nghe lời" các cổ đông hay không, mọi thứ lệ thuộc chính vào Snapdragon 820, thế hệ chip cao cấp sẽ thay thế "quạ đen" Snapdragon 810 vốn có nhiều tai tiếng. Nếu Snapdragon 820 thực sự tốt và giành lại được thị trường, cả hai kịch bản tách rời hoặc giữ nguyên doanh nghiệp sẽ đều có lợi cho các cổ đông. Nhưng nếu ngược lại, rất có thể việc chia đôi sẽ là điều bắt buộc.

Huyền Thế

Tham khảo AnandTech

Chủ đề khác