VnReview
Hà Nội

Công ty Trung Quốc dọa kiện chủ sở hữu phần mềm Gcafe của Việt Nam

Một công ty đến từ Trung Quốc vừa thông tin sẽ kiện Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình (tên tiếng Anh: Hoa Binh Informatics JSC) chủ sở hữu của phần mềm quản lý phòng máy internet "Gcafe Không Ổ Cứng" tại Việt Nam.

Sáng 12-8-2015 tại TP HCM, đại diện truyền thông, pháp luật của công ty Trung Quốc là Hangzhu Shunwang đã có buổi gặp mặt với báo giới TP HCM thông tin về việc công ty này là chủ sở hữu chính thức phần mềm quản lý phòng máy internet có tên gọi i-Cafe Mavin tại Trung Quốc.

Đại diện công ty này cho rằng i-Cafe Mavin là sản phẩm được Công ty Shunwang nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu i-Cafe Mavin tại Cục Sở hữu trí; tuệ Việt Nam ngày 26-7-2010 và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 181921 ngày 28-3-2012. Trước đó, phần mềm i-Cafe Mavin cũng đã được Cục bản quyền nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cấp Giấy chứng nhận số 0269936 ngày 12-2-2011.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 181921 của phần mềm i-Cafe Mavin do Công ty Shunwang được cấp tại Việt Nam.

Buổi gặp mặt này diễn ra chóng vánh trong vòng 10 phút chỉ với các thông tin xoay quanh việc Hangzhu Shunwang thông báo là chủ sở hữu của phần mềm quản lý i-Cafe Mavin mà không có thêm thông tin gì khác.

Tuy nhiên, đến tối cùng ngày đại diện truyền thông, pháp luật của Hangzhu Shunwang đã phát đi thông cáo báo chí. Theo đó, công ty này cho biết đã phát hiện nhiều hiện tượng xâm phạm bản quyền đối với phần mềm i-Cafe Mavin mà Hangzhu Shunwang đang sở hữu.

Cụ thể, trong phần mềm "Gcafe Không Ổ Cứng" đang được nhiều phòng máy internet ở Việt Nam sử dụng, Hangzhu Shunwang phát hiện toàn bộ các file cài đặt, file hệ  thống đều có chữ ký điện tử của Hangzhu Shunwang. Do đó Hangzhu Shunwang cho rằng phần mềm "Gcafe Không Ổ Cứng" đã sao chép toàn bộ phần mềm i-Cafe Mavin.

Đại diện Shunwang cho biết thêm rằng phần mềm i-Cafe Mavin đã được nhiều đơn vị mua lại để phát hành tại một số quốc gia trên thế giới. Trong đó, họ có ký kết Hợp đồng phân phối i-Cafe Mavin tại Việt Nam với Công ty Garena Singapore có thời hạn từ ngày 1-2-2012 đến ngày 28-2-2015. Khi hết hạn hợp đồng, Shunwang đã có thông báo với Garena Singapore về việc gia hạn và công ty này xác nhận là đã chấm dứt việc phân phối phần mềm này tại Việt Nam.

Shunwang cho rằng phần mềm "Gcafe Không Ổ Cứng" do Công ty Cổ Phần Tin Học Hòa Bình (Hoa Binh Informatics JSC) (hay Công ty Hòa Bình) phân phối tại Việt Nam là sản phẩm sao chép từ i-Cafe Mavin. Hangzhu Shunwang cho rằng Công ty Hòa Bình đã xâm phạm luật bản quyền và thu lợi bất hợp pháp khi vẫn tiếp tục ký hợp đồng với các chủ phòng máy internet trên "Gcafe Không Ổ Cứng".

Cụ thể, theo Shunwang với hơn 26.000 đại lý sử dụng Gcafe tại Việt Nam, trung bình mỗi đại lý có 25 máy tính, với khoảng thu 6.000 đồng máy/tháng thì đến nay, sau 5 tháng, Công ty Hòa Bình đã thu được số tiền lên đến 20 tỉ đồng, đại diện pháp luật của Shunwang cho biết.

Shunwang yêu cầu Công ty Hòa Bình, Công ty Garena Singapore phải chấm dứt phân phối, triển khai, sử  dụng, sao chép phần mềm Gcafe trên lãnh thổ Việt Nam; đền bù thiệt hại 1 triệu USD và gỡ bỏ phần mềm i-Cafe Mavin.

Trước hành vi này của Shunwang, sáng nay (13-8), đại diện Công ty Hòa Bình đã phát đi thông cáo báo chí "đáp trả" việc bị Shunwang "dọa kiện". Theo Công ty Hòa Bình thì chương trình phần mềm máy tính Gcafe Professional (Gcafe) là do công ty phát triển; thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình theo Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 1486/2011/QTG do Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp ngày 10-5-2011.

 

Giấy chứng nhận đăng kí quyền tác giả số 1486/2011/QTG do Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp cho Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình, những thông tin một chiều từ phía công ty Shunwang đã gây hiểu nhầm cho dư luận, đồng thời gây ảnh hưởng tới việc vận hành Gcafe tại Việt Nam và uy tín của công ty.

Đối với mọi hành vi tố cáo nhằm gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, Hòa Bình sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để làm rõ các vấn đề trong thời gian sớm nhất, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công ty cũng như các khách hàng đang sử dụng phần mềm Gcafe tại Việt Nam.

Theo báo Người Lao Động

Chủ đề khác