VnReview
Hà Nội

Reuters: Kaspersky cố tình phá hoại các đối thủ cạnh tranh

Các nguồn tin của hãng tin Reuters cho biết Kaspersky đã thực hiện tung mã độc "ảo" để đánh lừa các đối thủ cạnh tranh trong suốt 10 năm qua. Một số chiến dịch tấn công của Kaspersky được nhà đồng sáng lập Eugene Kaspersky trực tiếp dẫn đầu.

Công ty đến từ nước Nga đã lên tiếng quyết liệt phủ nhận các cáo buộc được Reuters đưa ra.

Trụ sở của Kaspersky Lab tại Moscow, Nga.

Có thể nói rằng Kaspersky Lab hiện đang là một trong những công ty bảo mật thành công nhất thế giới hiện nay. Qua nhiều năm, công ty bảo mật này đã gây dựng được danh tiếng nhờ thành tích phát hiện và làm rõ các loại mã độc nguy hiểm, tinh vi như worm Stuxnet được NATO dùng để tấn công Iran cũng như dòng mã độc Flame vốn được dùng để thực hiện chiến tranh số ở Trung Đông.

Song, một tuyên bố mới nhất được hãng tin;Reuters hé lộ vào ngày hôm nay (15/8) có thể khiến cho danh tiếng của Kaspersky nhanh chóng tiêu tan: trích lời 2 cựu nhân viên giấu tên của Kaspersky, Reuters khẳng định công ty bảo mật Nga này đã cố tình tạo ra các loại mã độc "ảo" để "đánh lừa" các sản phẩm cạnh tranh.

Theo lời các nhân viên này, Kaspersky đã dành ra hàng tháng trời để nghiên cứu cách hoạt động của các chương trình đối thủ. Sau đó, công ty bảo mật này sẽ tìm cách gài các đoạn mã độc giả mạo vào các file hệ thống quan trọng, khiến cho các chương trình chống virus khác phát hiện nhầm và xóa các file vốn thực chất là vô hại.

Sở dĩ Kaspersky có thể đánh lừa các đối thủ theo cách này là bởi các hãng bảo mật thường ký bản quyền chia sẻ các thông tin về mã độc với nhau và gửi mã độc về các chương trình tổng hợp của bên thứ ba, ví dụ như VirusTotal của Google. Trong khi cách làm này có thể giúp tất cả các công ty phát hiện virus nhanh hơn, tình trạng "copy" giữa các công ty bảo mật cũng vì thế mà xảy ra thường xuyên hơn. Vào năm 2010, Kaspersky đã từng lên tiếng phàn nàn về tình trạng này và kêu gọi các công ty bảo mật cần phải tôn trọng vấn đề quyền trí tuệ hơn nữa.

Các nguồn tin của Reuters cho biết Kaspersky đã thực hiện tung mã độc "ảo" để đánh lừa các đối thủ cạnh tranh trong suốt 10 năm qua. Một số chiến dịch tấn công của Kaspersky được nhà đồng sáng lập Eugene Kaspersky trực tiếp dẫn đầu.

Nhà sáng lập Eugene Kaspersky của Kaspersky Lab.

Các nhân viên cũ của Kaspersky khẳng định với Reuters rằng chương trình tấn công đối thủ của công ty này thường kéo dài hàng tháng trời, với mục tiêu bao gồm các công ty như AVG, Avast và thậm chí là cả Microsoft. Một trong những vụ tấn công điển hình là vào năm 2013, khi chương trình Windows Defender của Microsoft bỗng dưng phát hiện nhầm các file driver máy in thành mã độc.

Kaspersky sau đó đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các cáo buộc của Reuters. Trong một tuyên bố chính thức, công ty này khẳng định chưa từng tung mã độc "ảo", cùng lúc khẳng định rằng hành động này là "vô đạo đức, thiếu trung thực và vi phạm luật pháp". Ngoài ra, tuyên bố của công ty cũng khẳng định Kaspersky cũng là nạn nhân của một đợt tung mã độc "ảo" chưa rõ thủ phạm vào năm 2012.

Lê Hoàng

Theo Daily Mail

Chủ đề khác