VnReview
Hà Nội

Steve Jobs đã nghĩ đến cái chết để sống có ích hơn

Trong bài phát biểu dài khoảng 4 trang A4 tại lễ trao học vị tại đại học Stanford năm 2005, Steve Jobs đã từng nói đến cảm giác của ông đứng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Dưới đây là bài phát biểu của Steve Jobs tại buổi lễ trao học vị cho ông của đại học Stanford (Mỹ) hôm 12/6/2005. Đây là tài liệu duy nhất, đầy đủ nhất về cuộc đời Steve Jobs do chính bản thân ông tự bạch về cuộc sống, sự thất bại cũng như;làm thế nào ông vượt qua thách thức, đấu tranh để giành thắng lợi.

“Tôi rất vinh hạnh có mặt tại đây hôm nay, tại một trong những trường đại học tốt nhất trên thế giới.

Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Sự thật mà nói, đây là lần gần nhất tôi từng nhận được một bằng tốt nghiệp đại học. Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn ba câu chuyện của cuộc đời tôi. Có bấy nhiêu thôi. Không có gì to tát cả. Chỉ ba câu chuyện.

Câu chuyện thứ nhất về việc kết nối các dấu chấm hết.

Tôi đã bỏ ngang sau khi theo học tại trường Reed College chỉ sáu tháng nhưng sau đó vẫn quanh quẩn ở đó đến 18 tháng hoặc đại loại như vậy trước khi tôi thực sự bỏ học. Vậy tại sao tôi bỏ học?

Nó đã bắt đầu trước khi tôi được sinh ra.

Mẹ đẻ của tôi là một sinh viên đại học còn trẻ, chưa chồng và bà quyết định cho tôi làm con nuôi.

Bà có linh cảm rất mạnh mẽ rằng tôi nên được các sinh viên tốt nghiệp nhận làm con nuôi, vì vậy mọi thứ đã được sắp đặt cho tôi để một luật sư và vợ ông nhận làm con nuôi từ khi mới sinh.

Ngoại trừ việc khi tôi cất tiếng chào đời họ mới quyết định vào phút chót là họ thực sự muốn một bé gái.

Do đó, cha mẹ tôi, người đang ở trong danh sách chờ, đã nhận được một cú điện thoại lúc nửa đêm hỏi rằng:

“Chúng tôi có một đứa con trai mới sinh không mong đợi; ông bà có muốn nó không?” Cha mẹ tôi nói: “Tất nhiên”.

Mẹ đẻ tôi sau đó phát hiện rằng mẹ nuôi tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học và rằng cha tôi chưa bao giờ có bằng trung học. Bà từ chối ký các giấy tờ thủ tục con nuôi.

Bà chỉ chịu nhượng bộ sau đó vài tháng, khi cha mẹ tôi hứa rằng một ngày nào đó tôi sẽ vào đại học”.

Và 17 năm sau, tôi vào đại học. Nhưng tôi lại ngây thơ chọn một trường đại học hầu như đắt đỏ ngang với Stanford và tất cả số tiền tiết kiệm cha mẹ tôi, thuộc tầng lớp công nhân viên chức, được dùng chỉ để trả học phí đại học của tôi.

Sau sáu tháng, tôi không thể thấy có giá trị nào trong đó.

Tôi không biết điều tôi muốn làm trong cuộc đời mình là gì và tôi không biết trường đại học sẽ giúp tôi tìm ra câu trả lời đó như thế nào.

Trong khi ở đó, tôi đang tiêu dần tất cả tiền cha mẹ tôi dành dụm suốt cả đời mình. Do đó, tôi đã quyết định bỏ học và tin tưởng rằng tôi sẽ tìm ra cách.

Thực sự, lúc đó tôi đã rất sợ nhưng nhìn lại đó là một trong những quyết định tốt nhất của tôi.

Từ cái phút tôi bỏ học, tôi có thể chấm dứt tham gia các buổi học bắt buộc mà tôi không thích và bắt đầu nhảy vào các lớp khác trông có vẻ thú vị.

Nó chẳng lãng mạn chút nào. Tôi không được ở trong ký túc xá nên tôi ngủ trên sàn trong phòng của bạn bè. Tôi trả lại các vỏ chai nước ngọt (coke) để lấy 5 xu tiền đặt cọc mua thức ăn. Và tôi sẽ đi bộ 7 dặm khắp thành phố mỗi tối Chủ nhật để kiếm một bữa ăn ngon mỗi tuần tại chùa Hare Krishna.

Tôi thích điều đó.

Phần lớn những gì tôi va vấp là bắt đầu từ sự tò mò và trực giác của tôi và nó trở nên vô giá sau này.

Tôi ví dụ thế này: Đại học Reed lúc đó có lẽ là trường tốt nhất cả nước về hướng dẫn thư pháp. Khắp trường – ký túc xá, giảng đường – mỗi poster, mỗi nhãn hiệu trên mỗi ngăn kéo được họa thư pháp bằng tay rất đẹp.

Bởi tôi đã bỏ học và không phải tham gia các lớp học thông thường, tôi quyết định tham gia lớp học thư pháp.

Tôi học về kiểu chữ có chân và không có chân, về sự khác nhau về lượng khoảng trắng giữa các chữ cái khác nhau, về cái gì làm cho kiểu chữ lớn đẹp.

Đó là nghệ thuật tinh tế, lịch sử và cái đẹp mà khoa học không thể nắm bắt được và tôi thấy nó rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, thậm chí tôi không hy vọng có thể ứng dụng gì được chúng trong cuộc đời mình. Vậy mà mười năm sau, nó lại trở nên rất có ích khi chúng tôi thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên.

Chúng tôi đã đưa nghệ thuật thiết kế vào Mac.

Đó là chiếc máy tính đầu tiên có kiểu chữ rất đẹp. Nếu tôi chưa bao giờ tham gia một khóa học như vậy ở trường đại học, Mac sẽ không bao giờ có kiểu dáng chữ đa dạng hoặc khoảng cách font chữ đều nhau như vậy.

Và bởi Windows chỉ sao chép Mac, nên chắc chắn không có chiếc máy vi tính cá nhân nào làm được như Mac.

Nếu như tôi chưa bao giờ bỏ học, tôi sẽ chẳng bao giờ dự các lớp thư pháp và các máy tính cá nhân có lẽ chẳng có được dạng chữ tuyệt vời như vậy.

Tất nhiên, không thể kết nối các dấu chấm hết phía trước khi tôi còn tiếp tục học đại học.

Song bạn không thể kết nối các dấu chấm hết phía trước, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại phía sau.

Do đó, bạn phải tin các dấu chấm hết bằng một cách nào đó sẽ kết nối trong tương lai của bạn.

Bạn phải tin tưởng vào điều gì đó – linh tính, số phận, cuộc sống, nghiệp chướng, bất cứ điều gì.

Sự tiếp cận này chưa bao giờ làm tôi thất vọng và nó đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của tôi.

Câu chuyện thứ hai của tôi là về tình yêu và sự mất mát.

Tôi là người may mắn – tôi đã tìm thấy điều tôi yêu thích làm khi còn trẻ. Woz [Steve Wozniak] và tôi đã thành lập Apple trong nhà để xe của cha mẹ tôi khi tôi 20 tuổi. Chúng tôi làm việc chăm chỉ và trong mười năm, Apple đã lớn thành một công ty 2 tỷ đô-la với hơn 4.000 nhân viên so với ban đầu chỉ có hai chúng tôi trong một cái nhà xe. Chúng tôi đã cho ra đời tác phẩm tuyệt nhất của chúng tôi – Macintosh – khi tôi mới chỉ bước sang tuổi 30. Và sau đó, tôi bị sa thải.

Làm sao bạn lại có thể bị công ty do chính bạn sáng lập sa thải? Vâng, khi Apple đã lớn, chúng tôi thuê ai đó, người tôi nghĩ là rất có tài, để điều hành công ty với tôi và trong năm đầu tiên mọi thứ chạy rất tốt. Nhưng sau đó tầm nhìn của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác biệt và cuối cùng chúng tôi mỗi người một ngả, còn ban giám đốc Apple lại về phe anh ấy. Nên ở tuổi 30, tôi bị đuổi khỏi Apple, rất công khai. Điều từng là trọng tâm của toàn bộ cuộc đời trưởng thành của tôi bị tống khứ và tôi hoàn toàn suy sụp.

Tôi thực sự không biết làm gì trong một vài tháng. Tôi cảm thấy tôi đã làm các doanh nhân thế hệ trước tôi thất vọng – rằng tôi đã đánh rơi cái gậy chỉ huy khi nó được chuyển giao cho tôi.

Tôi là một thất bại rất điển hình và tôi thậm chí nghĩ về việc bỏ chạy khỏi thung lũng Sillicon. Song có điều gì đó tôi bắt đầu nhận ra – tôi vẫn yêu những gì mình đã làm.

Những sự kiện thay đổi ở Apple đã không làm điều đó thay đổi dù một chút. Còn tôi đã bị từ chối nhưng tôi vẫn đang yêu. Vì vậy, tôi quyết định lại bắt đầu lại. Sau đó, tôi đã nhận ra rằng việc bị đuổi khỏi Apple là một trong những điều tốt nhất có thể xảy ra với tôi. Gánh nặng của việc phải trở nên thành công được thay thế bởi sự nhẹ nhõm của một người bắt đầu lại, ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Nó giải phóng tôi để tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời mình.

Trong 5 năm sau, tôi thành lập một công ty tên là NeXT và một công ty khác tên là Pixar, rồi phải lòng một phụ nữ tuyệt vời, người sau này trở thành vợ tôi. Pixar tạo ra bộ phim hoạt hình đầu tiên thế giới bằng sử dụng máy tính – Toy Story – và hiện là một trong những studio hoạt hình thành công nhất trên thế giới.

Trong các sự kiện thay đổi đáng kể, Apple đã mua NeXT, và tôi đã trở lại Apple. Công nghệ chúng tôi đã phát triển ở NeXT là trái tim phục hưng của Apple hiện nay. Còn tôi và Laurene [vợ Steve Jobs] có một gia đình tuyệt vời.

Tôi dám chắc rằng không có gì xảy ra như hôm nay nếu tôi không bị Apple sa thải. Đó là một liều thuốc đắng kinh khủng nhưng tôi đoán người bệnh nhân cần nó. Có đôi lúc cuộc sống giáng một cục gạch vào đầu bạn, nhưng đừng mất niềm tin.

Tôi tin rằng điều duy nhất giúp tôi tiếp tục bước đi là do tôi yêu những gì mình đã làm. Bạn phải tìm được cái mình yêu thích, và điều đó đúng đối với công việc cũng như đối với những người bạn yêu.

Công việc của bạn sẽ tiếp tục chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin đó là công việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm công việc tuyệt vời là yêu thích những gì bạn làm. Nếu chưa tìm thấy, bạn tiếp tục tìm kiếm, đừng dừng lại.

Với sự mách bảo của con tim, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và giống như bất kỳ mối quan hệ tuyệt vời nào, nó chỉ ngày càng tốt hơn cùng với thời gian. Vì vậy, tiếp tục kiếm tìm khi bạn tìm thấy nó. Đừng bao giờ bỏ cuộc.

Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết

Khi tôi 17 tuổi, tôi đọc được một câu trích dẫn đại loại là: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của mình, một ngày nào đó, chắc chắn nó sẽ đúng như vậy”.

Tôi rất ấn tượng với câu nói này và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, mỗi buổi sáng tôi nhìn vào gương và tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, tôi có muốn làm những điều mà mình định làm hôm nay không?”

Và bất kỳ khi nào câu trả lời là “Không” trong quá nhiều ngày liên tiếp, tôi biết tôi cần phải thay đổi thứ gì đó.

Tự nhủ rằng mình sẽ chết sớm là công cụ quan trọng nhất giúp tôi có được các lựa chọn lớn trong cuộc đời. Bởi hầu hết mọi thứ – mọi kỳ vọng ngoại cảnh, tất cả niềm tự hào, tất cả nỗi sợ hãi thất bại hoặc xấu hổ – chẳng còn là gì khi đối mặt với cái chết, chỉ còn duy nhất cái gì thực sự quan trọng.

Nhớ rằng sẽ chết là cách tốt nhất tôi biết để tránh cạm bẫy nghĩ rằng mình có gì đó để mất. Một khi đã trần trụi, chẳng có lý do gì để không đi theo lời mách bảo của trái tim.

Khoảng một năm trước đây, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Tôi đã đi chụp chiếu lúc bảy giờ ba mươi sáng và nhìn thấy rõ ràng có một khối u trong tuyến tuỵ.

Tôi thậm chí còn chẳng biết tuyến tuỵ là gì. Các bác sĩ bảo tôi đây gần như chắc chắn là một loại ung thư không thể chữa được và tôi nên trông đợi được sống thêm quá ba đến sáu tháng. Bác sĩ của tôi khuyên tôi về nhà và thu xếp mọi công việc. Bác sĩ nói như thế có nghĩa là tôi chuẩn bị chờ chết rồi.

Có nghĩa là hãy cố nói với con cái mọi thứ bạn sẽ nói với chúng 10 năm tới chỉ trong vòng có một vài tháng. Điều đó có nghĩa phải đảm bảo mọi thứ được thu xếp để nó trở nên dễ dàng nhất có thể đối với gia đình bạn, hay có nghĩa là hãy nói những lời vĩnh biệt.

Tôi đã sống với chẩn đoán đó suốt cả ngày. Chiều đó, tôi làm sinh thiết – các bác sĩ đưa ống nội soi vào cổ họng tôi, thọc xuống dạ dày, ruột non và dùng kim châm vào tuyến tuỵ để lấy một ít tế bào từ khối u đó. Vợ tôi ở bên tôi nói rằng khi xem các tế bào dưới kính hiển vi, các bác sĩ đã bật thốt lên vì đó là một dạng ung thư tuyến tuỵ rất hiếm và có thể chữa trị được bằng phẫu thuật.

Tôi đã phẫu thuật và giờ khoẻ mạnh. Đó là lần tôi đối mặt với cái chết sát nút nhất, và tôi hy vọng lần gần nhất tôi đối mặt với cái chết phải thêm vài thập kỷ nữa.

Có trải qua điều đó, đến nay tôi có thể nói với các bạn một điều chắc chắn hơn rằng khi nào là một cái chết có ích chứ không chỉ là một khái niệm tinh thần: Không ai muốn chết cả. Thậm chí những người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để đến đó.

Nhưng cái chết là điểm đến mà tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ. Không ai từng thoát khỏi nó, và đó là điều phải diễn ra bởi cái Chết có lẽ là phát minh duy nhất tuyệt vời nhất của cuộc Sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ những gì già cỗi để mở đường cho cái mới.

Bây giờ với bạn là trẻ, nhưng một ngày nào đó không quá xa, bạn sẽ dần trở nên già cỗi và bị loại bỏ. Xin lỗi vì tôi đã nói đến một điều quá bi đát nhưng thực sự là như vậy.

Thời gian của các bạn có giới hạn cho nên đừng lãng phí nó bằng cách sống một cuộc sống của ai đó. Đừng để bị rơi vào bẫy của sự giáo điều – tức sống với bằng những kết quả từ suy nghĩ của người khác. Đừng để ý kiến huyên náo của người khác nhấn chìm giọng nói của chính mình. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó chúng đã biết bạn muốn thực sự trở thành như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.

Khi còn trẻ, tôi có dịp tiếp cận với một ấn phẩm tuyệt vời mang tên Cẩm nang toàn bộ thế giới, một trong những cuốn kinh thánh của thế hệ chúng tôi. Cuốn sách này do Stewart Brand viết với đầy chất thơ. Ông là một nghiên cứu sinh ở Menlo Park, cách đây không xa. Đó là vào cuối những năm 1960, trước khi có xuất bản bằng máy tính vi tính nên tất cả đều được làm bằng máy chữ, kéo và máy ảnh polaroid. Nó giống như một trang Google trên giấy vậy, 35 năm trước khi có Google: rất lý tưởng, tràn ngập các công cụ tinh tế và ý tưởng lớn lao.

Stewart và nhóm của ông đã đưa ra một số vấn đề của cuốn Cẩm nang sau khi đã chạy thử vài số, họ đã cho ra một phiên bản cuối cùng. Đó là vào giữa những năm 1970, khi tôi ở lứa tuổi các bạn.

Trên bìa cuối của cuốn Cẩm nang phiên bản cuối cùng có bức hình một con đường nông thôn lúc buổi bình minh, gợi cho bạn cảm giác muốn dấn thân nếu bạn là người ưa mạo hiểm.

Phía dưới bức hình có những từ như sau: “Hãy khao khát. Hãy cứ dại khờ”. Đó cũng là thông điệp tạm biệt khi họ kết thúc cuốn Cẩm nang.

Hãy khao khát.

Hãy cứ dại khờ.

Và tôi luôn luôn ước điều đó cho bản thân.

Bây giờ, khi các bạn tốt nghiệp và bắt đầu một khởi đầu mới, tôi mong muốn điều đó đối với các bạn.

Hãy luôn khao khát. Hãy luôn dại khờ.

Cám ơn."

Chủ đề khác