VnReview
Hà Nội

Gia công phần mềm Việt Nam vẫn đang là "đứa trẻ lên tư"

Trong sự kiện về Phát triển Gia công CNTT Việt Nam (VNITO) đang diễn ra tại TP.HCM, nhiều nhà phát triển và lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT đã chia sẻ những trăn trở về một ngành công nghiệp mũi nhọn đang phát triển "nóng" hiện nay.;

VNITO là Hội nghị lớn nhất về phát triển và gia công công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam, đây cũng là dịp gặp gỡ và giao lưu, quảng bá của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong ngành này. Nhân dịp hội nghị VNITO 2015 đang diễn ra tại TP.HCM.

Ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp vẫn là rào cản lớn

Trong cuộc nói chuyện chia sẻ về bức tranh toàn cảnh của nền công nghiệp gia công phần mềm tại Việt Nam, bà Yuko Adachi, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu của Gartner ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đưa ra dự đoán, "tới năm 2025 việc lập trình sẽ do máy móc tự động hóa đảm nhiệm", vậy liệu nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) vốn rất dồi dào của Việt Nam sẽ đi về đâu?

Câu trả lời là việc tự động hóa này sẽ là một bước tiến không thể né tránh, lúc đó nguồn nhân lực IT của Việt Nam sẽ chuyển đổi sang cấp độ cao hơn, tiếp quản những mảng cao cấp hơn.

Bà Yuko Adachi, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu của Gartner ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đang chia sẻ về những thế mạnh và thách thức của ngành IT Việt Nam

Nghiên cứu và thống kê của Gartner cũng cho thấy, kỹ năng ngôn ngữ hiện là rào cản của ngành CNTT nói chung và gia công phần mềm nói riêng của Việt Nam, với hơn 87% nhân sự IT chỉ đạt mức trung bình hoặc dưới trung bình về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, xuất hiện một nghịch lý là nhu cầu tìm việc nhân lực IT chất lượng cao đang tăng nhanh ở cả mảng doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước, nhưng nguồn cung không đáp ứng được khi có tới 89% doanh nghiệp được hỏi cho rằng khó tuyển được nhân sự IT chất lượng cao.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch của TMA Solutions cho rằng, ngay từ khi quyết định trở về Việt Nam tham gia vào ngành CNTT, ông đã nhận ra ở Việt Nam nguồn nhân lực IT là "vàng thô", một loại "hàng nóng" cần được khai phá. Trong số ấy phải kể tới con số 160 ngàn sinh viên du học, tập trung nhiều ở Mỹ, Úc và Nhật....

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là "đãi ra vàng, luyện ra vàng" vì nhân công ở đây vẫn chủ yếu ở dạng tiềm năng (quặng thô). Sau một thời gian gia nhập, ông nhận thấy rằng nếu có thời gian hỗ trợ thích hợp, thì phía TMA đảm bảo các kỹ sư Việt Nam đáp ứng tốt mọi yêu cầu của các công ty hàng đầu thế giới, nhưng sẽ mất rất nhiều công sức. Cụ thể TMA đã phải chi tới 10% nguồn vốn và công sức cho đào tạo nhân lực tại Việt Nam. 

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch của TMA Solutions trong bài chia sẻ về "Nhân tố thành công then chốt của gia công phần mềm Việt"

Theo TS. Lệ, điểm yếu nhất của nhân lực IT trong nước chính là khả năng giao tiếp yếu kém (cả tiếng Anh lẫn Nhật), khả năng tự tin về bản thân (thiếu khả năng phản biện do môi trường giáo dục không khuyến khích), thiếu kỹ năng thực hành.

Một cản trở khác không kém phần quan trọng là cơ sở hạ tầng và chất lượng Internet của Việt Nam hiện ở mức yếu kém. Dẫn tới việc marketing cho ngành vẫn chủ yếu sử dụng các kênh truyền thống như dựa vào các mối quan hệ hoặc thông qua triển lãm/hội chợ...

Những con số kinh ngạc

Diễn giả Paul Smith, CEO của Harvey Nash lại khiến bản thân nhiều người Việt có mặt tại hội nghị ngạc nhiên khi đưa ra những dẫn chứng và con số thú vị ít người biết tới. Ông cho biết:

- Hiện trên thế giới có hơn 1 triệu cơ sở y tế sử dụng phần mềm được phát triển bởi kỹ sư Việt Nam nhằm giảm thiểu các lỗi y tế, cải thiện khả năng chăm sóc bệnh nhân và tăng hiệu suất công việc

- 20 triệu người dùng di động ở Mỹ sử dụng phần mềm cuộc gọi viết bởi người Việt; 4 triệu trẻ em ở Anh đang dùng phần mềm dạy học do kỹ sư Việt Nam viết. 

- 400.00 xe Ford dùng phần mềm di động do Việt Nam gia công.

- 200 triệu người dùng Google đang tìm kiếm trực tuyến sử dụng phần mềm gắn thẻ (tag) ảnh được cung cấp bởi các lập trình viên Việt Nam.

- Một số phần mềm chuyên dụng của Việt Nam hiện đang giúp thế giới vận hành giao thông an toàn và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Điểm qua những con số này, Paul cho rằng người Việt rất giỏi, chỉ có điều họ cần phải chủ động nắm bắt công việc và kiến thức chuyên môn, trau dồi khả năng ngoại ngữ để làm chủ những thứ họ có. Paul cho biết ông rất tự hào về nguồn nhân lực Việt Nam của mình và hiện ông chuyển phần lớn việc gia công của Harvey Nash sang Việt Nam, kể cả những dự án lớn trước đây nhiều người nghĩ Việt Nam không có khả năng đảm nhiệm.

Nền công nghiệp gia công phần mềm Việt vẫn đang ở mức... tiềm năng

Chia sẻ với đại diện VnReview, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, "10 năm trước, nhiều người từng ví von rằng nền công nghiệp gia công CNTT Việt Nam đang ở dạng tiềm năng. Họ đã đúng, bởi lúc đó các công ty IT Việt Nam mới chỉ chập chứng nhảy vào nền công nghiệp này, số lượng nhân viên chỉ dừng ở con số 200-300 nhân viên. Nhưng giờ đây, sau hơn chục năm gia nhập, ngành gia công phần mềm đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ, thể hiện rõ qua việc đã và đang có nhiều công ty IT có số nhân viên lên tới con số 1.000 và thậm chí là sắp đạt ngưỡng hàng ngàn.

Gia công phần mềm Việt Nam vẫn đang ở mức trẻ lên 4
 

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC)

Tuy nhiên, nhìn chung nếu đặt cột mốc 10 năm trước là khai sinh thì hiện nền công nghiệp gia công CNTT Việt Nam mới chỉ trưởng thành cỡ một đứa trẻ... lên 4 lên 5 mà thôi. Điều đó cho thấy 2 thực tế: Một là chúng ta đang có nhiều cơ hội lớn chưa khai thác hết, thứ hai là chúng ta vẫn thiếu những bước nhảy vọt đáng kể để trưởng thành chứ không chỉ dừng lại ở mức "tiềm năng" như hiện nay".

Đề cập tới việc gia nhập TPP, ông Long cho rằng, "Việt Nam tham gia ký kết thành công hiệp định TPP đã mang lại nhiều lợi thế cho giới kinh doanh nói chung và ngành công nghiệp gia công phần mềm nói riêng. Chúng ta sẽ được hưởng những ưu đãi dành cho các thành viên tham gia hiệp định, đặc biệt là việc hai nước lớn cạnh tranh trực tiếp là Ấn Độ và Trung Quốc không tham gia TPP.

Tuy nhiên, khó khăn và thách thức từ TPP cũng không ít, thấy dễ nhất là việc tuân thủ luật chơi chung trong liên minh này khắc nghiệt hơn so với WTO, nhất là việc tuân thủ luật sở hữu trí tuệ và khả năng thu hút nguồn nhân lực IT chất lượng cao".

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch của FPT Software đưa ra nhận định, sự kiện Y2K vào giai đoạn năm 2000 đã tạo ra sự bứt phá chưa từng thấy của ngành CNTT ở Ấn Độ, đến giờ họ có tới 5 công ty lớn và ước tính giá trị thị trường mà cột mốc Y2K mang lại cho nước này lên tới 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp phần mềm thế giới nói chung hiện đang đứng trước cột mốc lịch sử mới có tên là SMAC, với trị giá thị trường ước tính lên tới 105 tỷ USD. Đây là giai đoạn mà các công ty đang "đám mây hóa" dữ liệu và cơ sở hạ tầng IT của họ, giai đoạn này sẽ chỉ diễn ra trong 5-10 năm nữa và đó cũng là khoảng thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng và bứt phá. Thành hay bại nằm ở chính khả năng và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp và mỗi cá nhân.

H.T

Chủ đề khác