VnReview
Hà Nội

Các hãng linh kiện điện tử Nhật Bản lao đao vì Trung Quốc

Các nhà sản xuất linh kiện điện tử Nhật Bản hàng đầu đang nhận thấy số lượng đơn đặt hàng hầu như không gia tăng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2015. Nguyên nhân được cho là vì Trung Quốc.

 

Cụ thể, sản xuất thiết bị của Trung Quốc chậm lại đã đặt dấu chấm hết cho gần thời kỳ kéo dài 3 năm tăng trưởng quý luôn hai chữ số. Theo báo Nhật Bản Nikkei, tổng giá trị đơn đặt hàng của 6 nhà sản xuất linh kiện chính là Kyocera, TDK, Murata Manufacturing, Nidec, Nitto Denko và Alps Electric đạt chưa đến 11,8 tỷ USD trong quý, tăng chỉ 1% so với năm trước. Con số trên gần chạm mức cao kỷ lục, song lại đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý tháng 1-3/2012.

Các đơn đặt hàng đến từ ngành công nghiệp smartphone và xe hơi đã giúp thị trường linh kiện giữ mức tăng trưởng dù nền kinh tế Trung Quốc đang giảm sút mạnh. Song ngành sản xuất linh kiện sẽ bị tác động mạnh bởi các công ty Trung Quốc suy thoái và tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Các đơn đặt hàng của Kyocera giảm hơn 6%, do sự sụt giảm của các khách hàng bán dẫn Trung Quốc và các linh kiện khác dùng trong trạm thu phát tín hiệu viễn thông (BTS). Việc xây dựng các trạm BTS được các nhà mạng Trung Quốc triển khai vì muốn cung cấp dịch vụ di động tốc độ cao. Nhưng tốc độ mở rộng đã chậm lại. Doanh số Nitto Denko cũng giảm sút trong quý, do nhu cầu với màn hình tinh thể lỏng giảm khi thị trường smartphone chững lại.

Trong khi đó, đơn hàng của Murata tăng 5-10%, rất ít so với mức tăng 20-30% trước đây. Nhu cầu linh kiện đa dạng đã giúp đơn hàng của Murata tăng, vì smartphone ngày càng nhiều chức năng hơn và ngành xe hơi cũng ngày càng tích hợp điện tử nhiều hơn.

Thực tế sản xuất sụt giảm được dự đoán còn do mẫu smartphone mới nhất của Apple sẽ ra trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2016. Trong khi iPhone 6, với màn hình lớn khác hẳn các mẫu iPhone trước, nổi lên là smartphone hàng đầu trên thị trường Trung Quốc sau khi ra mắt năm 2014; thì mẫu iPhone 6s năm ngoái lại không có nhiều điểm mới, doanh số giảm gần 20%.

Nhiều người tin rằng đơn đặt hàng sản xuất linh kiện còn có thể tiếp tục đối mặt với mức tăng trưởng bằng 0 hoặc giảm trong quý 1/2016. Linh kiện điện tử và linh kiện xe hơi là hai trụ cột chính trong xuất khẩu của Nhật Bản, chiếm 14,9% và 5% trong năm 2014. Xuất khẩu bán dẫn và các linh kiện điện tử khác đạt giá trị 3,69; nghìn tỷ yên trong năm đó. Nhu cầu xe hơi tăng cao tại Bắc Mỹ và doanh số xe hơi mẫu mới đã mang lại hy vọng phục hồi cho ngành xe hơi. Song sự suy giảm liên tục trong ngành công nghiệp linh kiện có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản vốn đang đứng yên gặp thêm nhiều sóng gió.

Hoàng Lan

Chủ đề khác