VnReview
Hà Nội

Mark Zuckerberg liên tục “ve vãn” Trung Quốc

;"Thật tuyệt khi trở lại Bắc Kinh", Mark Zuckerberg đã viết như thế trong một bài đăng trên Facebook mới đây. "Tôi bắt đầu chuyến thăm Bắc Kinh của mình bằng việc đến Quảng trường Thiên An Môn, đến Tử Cấm Thành và qua Thiên Đàn".

Trang The Diplomat, câu chuyện trên đánh dấu sự kiện mới  nhất trong một loạt những nỗ lực của chủ tịch kiêm CEO Facebook trong cuộc chiến dành trái tim và tâm trí của người Trung Quốc, và có thể, chỉ là có thể thôi, cho thấy Mark quay trở lại thị trường mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

 

Theo TheDiplomat, hiện trên thế giới có tới 1,59 tỷ người, trong đó trên 70% là người lớn online, sử dụng Facebook. Có 700 triệu người dùng Internet ở Trung Quốc, nghĩa là nếu Facebook lọt vào đây, và 70% các công dân Internet của Trung Quốc đăng ký, thì trên 90% trong số họ sẽ là thành viên Facebook. Và điều ngọt ngào nữa là miếng bánh Trung Quốc đang lớn dần lên; khi Facebook thành lập năm 2004, có 7,3% người Trung Quốc online, nhưng giờ đây, một nửa dân số của nước này đang lướt web.

Zuckerberg vì thế đã rất cố gắng "ve vãn" Bắc Kinh, nhưng rất ít thành công. Tháng 11/2011, Mark nói anh bắt đầu học tiếng phổ thông Trung Quốc để làm hài lòng bà của vợ, vì bà chỉ nói tiếng Trung Quốc. Mark tiết lộ rằng dù anh nói chậm, nhưng âm của anh rất rõ.  Nhưng có vẻ anh đã đánh giá mình hơi cao, vì trong một số lần Mark xuất hiện và nói tiếng Trung, đã khiến mọi người... lăn ra cười!

"Vậy Zuckerberg nói tiếng Trung Quốc tốt đến mức nào?", Malcolm Moor của trang The Telegraph, từng hỏi. "Đủ tốt để "dọa" thế giới, nhưng thực ra, 4 năm học chỉ mang lại cho Mark những thứ cơ bản thôi".

Tháng 10/2015, Mark phát biểu tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) một lần nữa, bằng tiếng Trung, và lại lần nữa khiến mọi người cười ồ. Một người dùng Sina Weibo nhận xét: "Cảm ơn Chúa, tôi biết hai thứ tiếng, vì thế khi tôi không hiểu tiếng Trung mà Mark nói, tôi có thể đọc phụ đề tiếng Anh".

Nhưng Zuckerberg không hề ngại ngùng. Tháng trước, anh công bố 1 video quay cảnh anh, vợ và con gái Maxima, với tên Trung Quốc là Chen Mingyu. Trong đó, Mark đã nói lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Trung Quốc.

Chắc chắn đoạn video đó rất thú vị, và tiếng Trung của Mark cũng đã cải thiện, nhưng điều đáng nghi ngờ là mục đích của chúng. Tuy nhiên, Mark gặp nhiều khó khăn. Tháng 6/2009, một người đàn ông tên Zhu bị từ chối khi xin việc làm tại một Nhà máy đồ chơi Xuri ở Thiền Quang, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Anh ta đã tức giận và tung tin đồn rằng một số người làm việc ở nhà máy đã cưỡng hiếp một phụ nữ dân tộc Hán. Tin đồn này gây ra các cuộc bạo động, cảnh sát địa phương đã phải vào cuộc. Do những kẻ bạo động sử dụng Facebook để trao đổi và tổ chức, Bắc Kinh từ đó đã cấm Facebook tại Trung Quốc.

Mới đây, Zuckerberg còn chạy bộ bằng "mặt mộc", không đeo khẩu trang ở Thiên An Môn, vào một ngày mà nhiều người dân địa phương phải suy nghĩ khi cần bước chân ra ngoài, vì không khí ô nhiễm nặng. Các công dân Internet không ấn tượng gì với hành động của Mark. Họ trách anh xem thường lịch sử nơi đây, vì sử dụng Facebook trái phép để đăng bài viết, vì đã chủ quan với tình trạng ô nhiễm. Cindy Acevedo, một người bình luận, còn viết: "Mark đến Bắc Kinh. Marck quyết định chạy bộ. Mark không đeo khẩu trang khi chạy. Mark trở lại Mỹ và bị ung thư phổi. Đừng như Mark. Hãy đeo khẩu trang vào".

Tuy nhiên, tất cả những gì Zuckerberg làm, kể cả việc cải thiện tiếng Trung Quốc, cũng đều là nỗ lực của anh nhằm giành tình cảm của cộng đồng. Nhiều người Trung Quốc đã thích anh, và thực tế, là khâm phục anh như một biểu tượng của thế giới kinh doanh. Song, việc tình cảm của cộng đồng có đủ tác động đến chính quyền Bắc Kinh hay không, là một câu hỏi khác.

Hoàng Lan

Chủ đề khác