VnReview
Hà Nội

iPhone SE có thể sẽ thất bại ở Trung Quốc và Ấn Độ?

Triển vọng của iPhone SE tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc hay Ấn Độ có thể không mấy khả quan vì kích thước màn hình chỉ có 4 inch.

Apple vừa ra mắt thế hệ điện thoại mới mang tên iPhone SE với những tính năng vượt trội nhưng lại có mức giá khá mềm. iPhone SE được trang bị chip xử lý A9 nền tảng 64 bit, cảm biến vân tay Touch ID, NFC hỗ trợ Apple Pay, với giá bán khởi điểm 399 USD, thấp hơn 40% so với mức giá tối thiểu 649 USD của iPhone 6S.

Sau lần ra mắt iPhone 5C cách đây 3 năm, việc ra mắt iPhone SE đánh dấu lần thứ nhì Apple tiến công vào phân khúc hạng trung của thị trường smartphone. Hiện tại, phân khúc này đang bị chiếm lĩnh bởi các thiết bị chạy hệ điều hành Android của các đối thủ như Samsung, Xiaomi và Huawei.

Tuy nhiên, triển vọng của iPhone SE tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc hay Ấn Độ có thể không mấy khả quan vì kích thước màn hình khá khiêm tốn là 4 inch.

Rẻ hơn chưa hẳn là hay

Trong sự kiện của Apple được tổ chức tại trụ sở chính của hãng ở Cupertino, California, Phó Chủ tịch mảng marketing cho iPhone là Greg Joswiak coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm của hãng. Ông cho rằng điện thoại có màn hình 4 inch như iPhone SE vẫn còn phổ biến với những người mua smartphone lần đầu.

Tuy vậy, rõ ràng hầu hết người mua điện thoại tại Trung Quốc thường thích màn hình cỡ lớn. Điều này có thể chứng minh qua sự tăng trưởng nhanh chóng của các hãng điện thoại bản địa như Xiaomi hay Vivo, vốn là những hãng phát triển các dòng sản phẩm có kích cỡ màn hình lớn tương tự iPhone 6 hoặc hơn.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Apple (chiếm tới gần 1/4 tổng doanh thu), trong khi Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo Gartner, thị trường smartphone tại Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng gấp đôi, lên con số 200 triệu chiếc trong 2 năm tới. Với mức giá rẻ dành cho 2 thị trường này, iPhone SE được kỳ vọng sẽ vực dậy doanh số iPhone, vốn vừa bị sụt giảm lần đầu tiên vào quý 4/2015 vừa qua.

Các chuyên gia nhận định, tại Trung Quốc và Ấn Độ, smartphone thường là thiết bị kết nối chính với thế giới số, và sản phẩm có màn hình lớn thường được đánh giá cao hơn. Theo CounterPoint, chỉ 10% smartphone được bán ra trên toàn cầu vào cuối tháng 12/2015 là có màn hình kích cỡ 4 inch, giảm mạnh so với mức 17% của cùng kỳ năm 2014.

"Tại Ấn Độ, các dòng điện thoại cấp thấp có giá khoảng 100 USD vẫn có màn hình 5 inch. Lý do chính khiến khách hàng ưa chuộng các mẫu điện thoại màn hình to là do nhiều người không có máy tính bảng hay laptop", Neil Shah, giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Technology có trụ sở ở Mumbai cho biết.

Trong cả năm ngoái, Apple chỉ chiếm 2% tổng doanh số smartphone tại Ấn Độ. Và với gần 70% smartphone bán tại Ấn Độ có giá dưới 150 USD, mức giá 399 USD của iPhone SE vẫn nằm ngoài tầm với của đa số người tiêu dùng Ấn Độ.

Giá của SE đúng là rẻ nhất từ trước đến nay trong dòng iPhone, nhưng theo nhà phân tích Sherri Scribner thì nó vẫn còn cao hơn tới 100 USD so với giá bán smartphone bình quân toàn cầu. Nhiều người sẽ thắc mắc: Tại sao bỏ ra 399 USD để mua SE chỉ có màn hình 4 inch và sức chứa 16GB, trong khi họ có thể mua một chiếc OnePlus của Trung Quốc với màn hình 5,5 inch và sức chứa 64GB, có giá 350 USD?

Tại Trung Quốc, các nhà phân tích cảnh báo iPhone SE có thể sẽ có kết cục đáng thất vọng như iPhone 5C, vốn được Apple phát triển như một lựa chọn giá rẻ thay cho iPhone 5S với mức giá khởi điểm là 449 USD. Sau 2 năm ra mắt 5C, Apple đã lẳng lặng ngưng sản xuất dòng điện thoại này.

Shaun Rein, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group, nhận xét: "Không hẳn giá rẻ đã là tốt... Thế hệ 5C thật đáng thất vọng. Chẳng ai muốn mua nó vì mọi người đều biết rằng chỉ những kẻ ít tiền mới phải mua 5C".

Thay đổi chiến lược

Có thể thấy trong lần ra mắt SE kỳ này, Apple đã suy nghĩ khá kỹ về nguyên nhân thất bại của 5C. Trước đây, chữ C trong 5C thường hay bị nghĩ là viết tắt của "Cheap" (rẻ tiền). Không phải ngẫu nhiên mà Apple đã lựa chọn tên gọi cho sản phẩm mới là SE (Special Edition - phiên bản đặc biệt).

Do 5C được ra mắt cùng lúc với "đàn anh" 5S nên dòng sản phẩm này dễ dàng bị chìm lỉm trong lúc gần như toàn bộ sự tập trung chú ý đều dồn về 5S. Rút kinh nghiệm, kỳ này Apple đã tổ chức một sự kiện dành riêng cho SE, tạo ấn tượng rằng đây là sản phẩm đệm giữa hai thế hệ iPhone 6 và 7.

Trong khi 5C sử dụng vỏ nhựa với màu sắc quá sặc sỡ, gây hoài nghi về chất lượng, thì SE cũng được làm bằng nhôm nguyên khối như 6S và có cc lựa chọn màu sắc giống y hệt. Về mặt cấu hình, 5C bất lợi thấy rõ khi buộc phải dùng chip A6 cũ hơn so với A7 của 5S, còn SE lại được dùng chung chip A9 ngang hàng với 6S.

Như vậy, với mức giá rẻ hơn tới gần 40% so với 6S và 11% so với 5C, SE vẫn không thua kém gì nhiều 6S ngoại trừ chuyện kích cỡ màn hình, và do đó vẫn có thể được xem là thuộc phân khúc cao cấp.

Dựa theo số liệu từ Canalys, thị trường Trung Quốc có một điểm khác thường so với hầu hết mọi thị trường khác là mức chi tiêu bình quân cho smartphone chỉ có đi lên chứ không đi xuống. Đây có thể là cơ hội cho SE, khi mà nhiều người Trung Quốc sẽ muốn "nâng cấp" hình ảnh bản thân bằng cách sắm một chiếc iPhone, thay cho các dòng điện thoại Android nội địa đang tràn ngập thị trường.

Theo dự đoán từ UBS Group và RBC Capital Markets, số lượng SE được bán ra có thể sẽ đạt mức 15 triệu chiếc trong năm nay, một khi dòng sản phẩm này bắt đầu được giao hàng từ ngày 31/3.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Chủ đề khác