VnReview
Hà Nội

Apple nhắn FBI: Hãy hack chúng tôi nữa đi

Apple muốn FBI sử dụng mẹo tương tự dùng để hack iPhone 5c trong một trường hợp khác.

FBI đã huỷ vụ tranh chấp pháp lý với Apple về việc mở khoá chiếc iPhone của tên tội phạm trong vụ xả súng ở San Bernardino tháng 12 năm ngoái. Nhiều người đã nghĩ rằng với kết quả này, Apple giành phần thắng trong cuộc đối đầu với FBI. Tuy nhiên, thắng lợi không bao giờ đến dễ dàng với bất kỳ ai, kể cả người khổng lồ công nghệ Apple.

Theo báo Mỹ Daily Beast đưa tin hôm qua (31/3/2016), hiện Apple muốn biết làm thế nào FBI đột nhập vào được chiếc iPhone bị khoá mà không làm dữ liệu bị xoá sạch khi thử quá 10 lần mật khẩu không chính xác. Apple đang sử dụng một vụ việc trên toà khác – vụ mở khoá chiếc iPhone của tay buôn ma tuý đá ở New York – để tìm lời giải đáp.

Mở khoá iPhone

Apple hiện rất muốn biết làm sao FBI mở được khoá iPhone mà không gặp rủi ro nhập quá 10 lần mật khẩu sai bị xoá sạch dữ liệu

Trong lá thư gửi thẩm phán toà án quận, luật sư của Apple là ông Marc Zwillinger đã mời FBI hack chiếc điện thoại iPhone trong vụ New York sử dụng phương pháp tương tự như họ đã áp dụng trong vụ San Bernardino. Trước đó, Apple đã từ chối mở khoá chiếc iPhone này cho FBI.

"Nếu biện pháp tương tự đó có thể được sử dụng để mở chiếc iPhone trong vụ này, FBI sẽ không cần đến sự hỗ trợ của Apple nữa", ông Zwillinger viết. Nói cách khác, FBI hack chúng tôi nữa đi, và vụ việc sẽ kết thúc.

Ông Zwillinger lập luận thêm rằng, nếu FBI hoặc Bộ Tư pháp Mỹ nói biện pháp mở khoá chiếc iPhone 5c trong vụ San Bernardino không áp dụng được cho chiếc điện thoại trong vụ New York thì FBI sẽ phải giải thích tại sao.

"Nếu Bộ Tư pháp tuyên bố biện pháp đó không áp dụng được với chiếc iPhone trong vụ New York thì Apple sẽ tìm cách kiểm chứng tuyên bố đó, cũng như bất kỳ tuyên bố nào của chính phủ rằng các biện pháp khác không thể áp dụng được", ông Zwillinger viết.

Các chuyên gia luật cho rằng đây là một động thái rất thông minh để tìm ra FBI thực sự đã phát triển hoặc mua cái gì để crack ít nhất một chiếc iPhone và nhiều khả năng là những chiếc iPhone khác nữa. Apple có thể đề nghị thẩm phán buộc FBI tiết lộ biện pháp mở khoá iPhone.

Bên cạnh đó, nó cũng đặt Apple ở vào vị thế mạnh hơn. Hãng không phủ nhận họ có thể truy cập dữ liệu trong chiếc iPhone ở vụ New York – trước đó hãng đã từng thực hiện rồi – nhưng biện luận rằng hãng không nên làm theo yêu cầu của chính phủ/ Apple có thể tranh luận rằng nay nếu chính phủ đã phát triển được một công cụ mở khoá iPhone thì họ chắc chắn không cần sự hỗ trợ của hãng.

Tuy nhiên, có những khác biệt đáng kể giữa hai chiếc điện thoại iPhone trong hai vụ án khác nhau này, tương tự như các vấn đề về chính sách, luật pháp. Chiếc điện thoại trong vụ án ở New York sử dụng hệ điều hành iOS 7 trong khi iPhone trong vụ ở San Bernardino sử dụng hệ điều hành iOS 9 mới hơn. Và trong vụ San Bernardino, FBI đề nghị Apple phát triển một cơ chế mới để truy cập thông tin – điều mà Apple gọi đó là cài phần mềm back door trong máy.

Do đó, Apple nghĩ là công cụ của FBI có khả năng hack được cả hai chiếc iPhone. Và có những dấu hiệu cho thấy các nhà điều tra có kế hoạch sử dụng biện pháp đó cho các vụ án khác. Hãng AP đưa tin FBI đã đồng ý giúp một công tố viên ở bang Arkansas truy cập thông tin chiếc iPhone và iPod thuộc về hai vị thành niên bị cáo buộc giết người.

Một quan chức thực thi pháp luật cho biết Bộ Tư pháp Mỹ chưa đi đến quyết định liệu họ có tiết lộ biện pháp hack iPhone không. Bộ này cũng không nói liệu biện pháp đó có áp dụng với các điện thoại iPhone khác không?

Nhưng cuộc chiến pháp lý này chưa bao giờ về chỉ một chiếc iPhone. Hoặc thậm chí 2 chiếc.

Trong gần hai tháng Apple và FBI đối mặt, các chuyên gia công nghệ và các nhà hoạt động tự do dân sự đã đứng về phía Apple, cảnh báo rằng FBI đang theo đuổi một con đường nguy hiểm bằng cách buộc Apple điều chỉnh tính năng bảo mật trên sản phẩm bán chạy nhất của họ - điều mà Apple nói nó có thể ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Họ cho rằng những rủi ro này vẫn còn tồn tại.

Thanh Xuân

Chủ đề khác