VnReview
Hà Nội

Lumia tại Việt Nam khó đạt tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao

Dù Nokia đã được Chính phủ chấp thuận cho hưởng ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp công nghệ cao nhưng Microsoft vẫn phải chứng minh công ty lắp ráp smartphone Lumia đủ điều kiện là một doanh nghiệp công nghệ cao mới được hưởng ưu đãi.

Nokia Vietnam

Đầu tháng Tư vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với Công ty TNHH Nokia Vietnam (nay là Microsoft Mobile Oy Vietnam).

Cụ thể, Bộ KH&CN chủ trì kiểm tra, thẩm định đánh giá việc Nokia Vietnam có đáp ứng các tiêu chí là doanh nghiệp công nghệ cao hay không để áp dụng chính sách ưu đãi thuế. Trước đó Nokia – khi chưa bán mảng điện thoại cho Microsoft – đã việc thuyết phục được Chính phủ công nhận họ là doanh nghiệp công nghệ cao ngay từ ngày mới đầu tư. Đây là sự ưu ái dành cho Nokia vì doanh nghiệp chỉ được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao sau 3 năm hoạt động và đáp ứng một loạt những tiêu chí khắt khe của Luật Công nghệ cao. Nokia cam kết nếu sau 3 năm hoạt động không đáp ứng được tiêu chí công nghệ cao, số thuế ưu đãi sẽ bị truy thu.

Bây giờ, khi nhà máy Nokia ở Bắc Ninh đã thuộc về Microsoft và thời hạn kiểm tra đã tới, nhà đầu tư Mỹ này sẽ phải chứng minh năng lực của một doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Thực tế, dù thuộc diện doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, nhưng Microsoft lại chưa hưởng ưu đãi này. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, năm 2015, Microsoft Mobile Oy Vietnam đã nộp 191 tỷ đồng của năm 2013 và 2014, gồm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 186 tỷ đồng và tiền chậm nộp 5 tỷ đồng. Cục Thuế Bắc Ninh giải thích là do Microsoft Mobile Oy vẫn chưa có giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao. Đầu năm 2015, Bộ KH&ĐT đã có văn bản yêu cầu Microsoft Mobile Oy báo cáo về tình kinh kinh doanh, tỷ lệ nội địa hóa và chi phí R&D để làm cơ sở tính ưu đãi thuế nhưng phía doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu trên.

Còn bây giờ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đích thân kiểm tra những tiêu chí trên. Tuy nhiên, để đáp ứng được những tiêu chí công nghệ cao theo quy định không dễ.

Theo Quyết định về quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành: doanh nghiệp sẽ được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao nếu đáp ứng được các tiêu chí như doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%… và hàng loạt tiêu chí khác về lao động chất lượng cao…

Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng sẽ khó mà đáp ứng được. Như Samsung cuối năm ngoái đã có văn bản gửi Chính phủ xin được hưởng ưu đãi theo tiêu chí một doanh nghiệp có quy mô vốn đầu tư lớn và sử dụng nhiều lao động, thay vì hưởng ưu đãi theo doanh nghiệp công nghệ cao. Lý do chính thức không được Samsung đưa ra, nhưng ưu đãi theo tiêu chí là doanh nghiệp có quy mô lớn – không kém gì ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao – sẽ dễ dàng hơn cho nhà đầu tư, ít nhất không phải lo chuyện đáp ứng tiêu chí về R&D.

Samsung, tập đoàn đã đầu tư một trung tâm R&D lớn tại Hà Nội, còn không muốn hưởng ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao, thì Microsoft chưa có một trung tâm R&D quy mô lớn có đáp ứng nổi tiêu chí công nghệ cao hay không sẽ là một câu hỏi.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Chủ đề khác