VnReview
Hà Nội

Có phải smartphone sẽ cam chịu số phận như PC?

Tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone đã ngừng lại.

Sau gần 1 thập kỷ doanh số tăng ào ào, ngành công nghiệp smartphone 423 tỷ USD có thể không còn dựa vào người dùng tự động nâng cấp thiết bị của họ được nữa. Điều này có thể gây rủi ro cho tăng trưởng doanh thu ổn định và lợi nhuận béo bở từ lâu phải khiến các ngành sản xuất phần cứng khác phải ghen tị.

Các dấu hiệu của một thị trường bão hòa đã xuất hiện từ nhiều tháng nay nhưng rõ rệt nhất khi Apple thông báo lần đầu tiên doanh thu quý của iPhone sụt giảm sau 13 năm hồi tuần trước. Hôm 26/4, CEO của Apple là ông Tim Cook thừa nhận – 9 năm sau khi "người thay đổi cuộc chơi" iPhone ra mắt – thị trường đã "dừng tăng trưởng". Ngày hôm sau, hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics thông báo doanh số smartphone toàn cầu giảm 3% trong quý I/2016 – cũng là lần sụt giảm đầu tiên.

"Bạn sẽ không thể nào không đặt câu hỏi: bữa tiệc này còn kéo dài đến bao giờ", ông David Hsu, một giáo sư quản trị Đại học Pennsylvania chuyên theo dõi thị trường smartphone nói.

Theo bình luận trên hãng tin Bloomberg, với việc người dùng chậm nâng cấp smartphone hơn trong khi người mua smartphone lần đầu tiên ngày càng ít, các nhà sản xuất thiết bị di động có vẻ phải cam chịu đà suy giảm doanh số nhiều năm giống với các nhà sản xuất PC trước đây. Ngành chế tạo smartphone vẫn chưa tìm ra một ý tưởng lớn tiếp theo nào để thay thế smartphone – theo cách iPhone và các smartphone đã làm được khi PC không còn được ưa chuộng.

Ngành smartphone làm việc rất cật lực để phát triển mọi thứ, từ robot, xe hơi, các thiết bị đeo thực tại ảo (VR) để tận dụng cơ hội của các thiết bị kết nối và phần mềm, gọi chung là 'Internet of Things' (vạn vật kết nối). Nhưng có thể phải mất nhiều năm trước khi nhiều công nghệ trong số này trở thành dòng chính.

Còn trước khi điều đó xảy ra, ngành smartphone có thể phải trải qua một số năm héo mòn. Hiện nhiều hãng sản xuất chip di động, cảm biến và các linh kiện di động khác đang gặp khó khăn lớn. Hãng Sony hôm thứ Năm vừa rồi công bố lỗ quý do nhu cầu cảm biến ảnh thấp. Hãng sản xuất màn hình Nhật Bản Sharp, hãng sản xuất chip nhớ Hàn Quốc SK Hynix và nhà cung cấp linh kiện quản lý năng lượng Dialog Semiconductor ở châu Âu đều cảnh báo về nhu cầu sụt giảm.

Tuần trước, cổ phiếu của các nhà sản xuất linh kiện và chip giảm mạnh. Sau khi dự báo lợi nhuận cả năm giảm 13%, cổ phiếu của Murata Manufacturing Company - nhà cung cấp linh kiện cho Apple và các nhà sản xuất smartphone khác – đã giảm 13% trên thị trường Tokyo.

"Kết thúc của siêu chu kỳ của Apple đang ở gần. Điều này cũng đang xảy ra với chuỗi cung cấp của Samsung nữa", ông Neil Campling, nhà phân tích của Aviate Global nhận định. Ông cho rằng các nhà sản xuất smartphone sẽ bắt đầu "ép" các nhà sản xuất linh kiện để duy trì lợi nhuận.

Các chuyên gia cho rằng doanh số smartphone có thể hồi sinh. Các lãnh đạo doanh nghiệp chỉ ra hầu hết người dùng smartphone sử dụng công nghệ cũ, thứ không thể đem đến lợi ích của dữ liệu tốc độ cao. Hãng Qualcomm nhấn mạnh chỉ có 16% điện thoại có thể truy cập dữ liệu 4G. Hãng sản xuất chip cũng cho rằng do có quá nhiều người sử dụng đi động hằng ngày nên các thiết bị cầm tay sẽ phải thay thế thường xuyên.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó không làm cho Qualcomm dừng đa dạng hoá. Với doanh số giảm, quý trước giảm 19%, hãng đang chuyển hướng sang drone, smart car và nhà thông minh. Mặc dù "các mảng kinh doanh kề cận" này sẽ đem lại doanh thu ước tính hơn 2,5 tỷ USD trong năm nay nhưng chúng vẫn chỉ chiếm 11% tổng doanh thu cả năm.

Về phần mình, Apple đang cố ngăn chặn đà suy giảm doanh số iPhone với các dịch vụ như iCloud, Apple Music và App Store. Lợi nhuận biên ở các mảng kinh doanh này ở mức đều đều và doanh thu từ chúng tăng 20% trong quý II. Song dịch vụ vẫn chỉ chiếm 12% tổng doanh số của Apple.

Như nhiều hãng công nghệ khác, Apple đang khai phá ngành ô tô, ngành mà các tính năng lái xe tự động mới và hệ thống thông tin, giải trí hiện đại đang tạo ra các cơ hội mới để bán linh kiện và phần mềm. Song xe hơi Apple Car có thể phải nhiều năm nữa mới thành hiện thực và một số nhà phân tích băn khoăn liệu nó có ra mắt được không. Samsung, mặc dù công bố doanh thu Galaxy S7 tốt nhưng cũng đang tìm kiếm sự phát triển ngoài smartphone. Hãng đang cải cách các thiết bị thực tế ảo và đẩy mạnh vào lĩnh vực Internet of Things.

Trong tháng 10 năm ngoái, Flextronics International, một nhà lắp ráp smartphone lâu đời cho các hãng như Blackberry và Motorola, đã có được một thoả thuận với nhà sản xuất đồ thể thao Nike. Để củng cố mảng kinh doanh sản xuất linh kiện ô tô, các thiết bị y tế và các thiết bị đeo tay FitBit, hãng đã bắt đầu sản xuất quần áo và giày, trong đó một số sản phẩm có "nhúng" công nghệ.

Song sự đa dạng hoá mạnh mẽ sẽ không nhất thiết bảo vệ được các hãng khỏi sự "phơi nhiễm" smartphone. Doanh thu quý đầu năm 2016 của hãng Texas Instruments đã giảm mặc dù nhu cầu linh kiện từ các nhà sản xuất xe hơi, mạng di động và thiết bị công nghiệp tăng. Đơn giản là bởi Apple là khách hàng lớn nhất của Texas Instruments.

Khó có thể tưởng tượng một thứ nào đó có thể thay thế smartphone, theo nhà phân tích Neil Mawston của hãng Strategy Analytics. Do đó, các hãng phải "vọc" nhiều hơn trong lĩnh vực Internet of Things, drone, robot tiêu dùng, nhà thông minh, xe thông minh và văn phòng thông minh. "Món cocktail là làn sóng lớn tiếp theo vượt xa smartphone, hơn là chỉ là một thị trường ngách lớn mới".

Nhưng món cocktail đó có đủ lớn để giữ cho bữa tiệc kéo dài không? Bản thân ông Mawston hoài nghi về điều này. Thử xem xét về Internet of Things. Hãng Strategy Analytics cho biết có khoảng 5 tỷ thiết bị kết nối vào năm 2020, so với 4 tỷ smartphone. Nhưng hầu hết các thiết bị IoT chỉ có giá 1-2 USD và không cần phải thay thế trong 10 năm. Do vậy, nó khó có thể là một sự thay thế cho smartphone với cái giá hàng trăm đô la mỗi chiếc và được thay thế khoảng 2-3 năm một lần.

Hồng Hà

Chủ đề khác