VnReview
Hà Nội

Doanh nhân Việt nói gì về việc có tên trong hồ sơ Panama?

Trong Hồ sơ Panama vừa được công bố vào rạng sáng nay, 10/5/2016, Việt Nam góp mặt với 189 cá nhân, tổ chức cùng 19 công ty đăng ký trụ sở ở các thiên đường thuế. Những doanh nhân Việt này đã nói gì về việc có tên trong hồ sơ Panama?

189 cá nhân tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama.

Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) rạng sáng nay công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org. Thông tin về 200.000 thực thể nước ngoài (công ty offshore) do các cá nhân giàu có trên khắp thế giới thiết lập được hé lộ trong lần này.

Trước khi dữ liệu đầy đủ được công bố, tra cứu tên website của ICIJ, người xem tìm thấy 104 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Hiện con số tăng lên 189. Cũng theo số liệu công bố trên ICIJ đến sáng nay, có 19 công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, "danh sách đen" này có tên bà Đàm Bích Thủy, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam. Theo hồ sơ, bà Thủy có liên quan tới Công ty cho thuê mua tài chính ANZ V-Trac, được mở tại đảo Virgin (thuộc Anh).

Chia sẻ trên Zing, bà Thủy cho biết bà không có gì băn khoăn khi thông tin này được công bố. Sở dĩ bà có tên trong danh sách vì là CEO của Ngân hàng ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này. Cũng theo bà Thủy, việc sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội.

Bà Đàm Bích Thủy, người từng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam. Ảnh Vietnamnet.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), và có công ty con là NDH trên VnExpress, cho biết việc có tên trong danh sách này là bình thường với những doanh nghiệp hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Việc đó không đồng nghĩa với việc ông hay công ty có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền. Ông khẳng định việc mở các công ty ở nước ngoài của mình là hoàn toàn hợp lệ và có giấy phép của cơ quan chức năng Việt Nam.;

Đại diện của SSI cũng khẳng định, chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản. Rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết việc có tên trong danh sách này là bình thường. Ảnh Bizlive.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Vietjet Air, đồng thời cũng là cổ đông lớn kiêm nhà sáng lập Sovico Holdings (Công ty mẹ của Vietjet Air) trên Báo đầu tư nói bà không ngạc nhiên khi bên cạnh Furama của còn có địa chỉ một số khách sạn nước ngoài khác tại Vietnam, cũng như tên một số các cá nhân khác, do các nhà đầu tư nước ngoài có những mô hình đầu tư và cử người lãnh đạo tương đối giống nhau.

Theo Hồ sơ do ICIJ cung cấp, bà Thảo có liên quan với Ariana Hotels & Resort International trụ sở ở thiên đường thuế ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Ariana Hotels & Resort International cũng chính là chủ cũ của Furama Resort, bất động sản mà Sovico đã đầu tư mua lại năm 2005.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng có tên trong Hồ sơ Panama. Ảnh Spunik.

Các chuyên gia tài chính đều cho rằng không nên vội vã kết luận những cá nhân, tổ chức có tên là trốn thuế hay phạm pháp. Chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Cấn Văn Lực chia sẻ với VnExpress là cần bình tâm suy xét có nên điều tra hay không bởi việc này cũng tốn kém nhiều chi phí. Theo ông, đây không phải hành vi trốn thuế mà là lách thuế. Do đó, cơ quan quản lý Việt Nam nên nghiên cứu để tìm cách khắc phục những kẽ hở này. 

Còn trên báo Tuổi Trẻ, một đại biểu Quốc hội cũng nói các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nghiên cứu tìm hiểu dữ liệu nêu trên để vào cuộc ngay. Tất nhiên đây chỉ là thông tin tham khảo đòi hỏi phải xác thực, phối kiểm qua nhiều kênh khác nhau.

Về phía Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, cho biết căn cứ vào diễn biến thông tin, cơ quan chức năng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xin chỉ đạo cụ thể.

"Chúng tôi sẽ cập nhật và báo cáo. Nếu có chỉ đạo thì khi làm sẽ có sự hợp tác quốc tế, chúng ta có đủ năng lực để làm căn cứ vào quy định pháp luật", ông Đạt nói.

https://vnreview.vn/image/15/15/29/1515290.jpg?t=1459947345856

Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama gây chấn động thế giới trong thời gian qua

"Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Theo đó, ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Các công ty này được cho là lập ra nhằm giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới.

Trong khi đó "Offshore Leaks" là tên gọi của một vụ phát giác trong tháng 4/2013 về việc trốn thuế và những thiên đường thuế cũng do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tại Mỹ công bố công khai

Cơ sở dữ liệu này của ICIJ chứa thông tin về 320.000 công ty, quỹ đầu tư ở nước ngoài và vụ rò rỉ dữ liệu Offshore Leaks. Trong đó tiết lộ tên và thông tin về 200.000 công ty ở nước ngoài do giới nhà giàu trên toàn thế giới thiết lập. Các dữ liệu được thu thập trong vòng 40 năm tính đến cuối năm 2015, liên quan tới công dân và các công ty tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

G.L

(Tổng hợp)

Chủ đề khác