VnReview
Hà Nội

Sắp hết thời các hãng công nghệ copy Apple

Với hàng tỷ USD trong ngân hàng và 35% tỷ suất lợi nhuận, hẳn bạn nghĩ mọi công ty công nghệ trên thế giới này đều muốn giống như Apple. Nhưng theo nhà phân tích Neil Cybart, mối ganh tị này đang nhạt dần và các hãng công nghệ không còn muốn copy mô hình của Apple nữa.

Tạp chí ZDnet cho biết Neil Cybart là một nhà phân tích tài chính của Wall Street và đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ông đã phân tích 3 lý do khiến thời đại "copy Apple" đang kết thúc.

Không còn "GATO" với Apple nữa

Các công ty bắt đầu nghi ngờ liệu có gì tốt đẹp khi một sản phẩm phần cứng cần nâng cấp đều đặn lại chiếm phần lớn lợi nhuận của một công ty. Không chỉ thế, áp lực nâng cấp sản phẩm luôn luôn đè nặng, lại còn sự cạnh tranh của những sản phẩm sát thủ mới.

Cybart nói: "Các đối thủ cạnh tranh với Apple đã quyết định kết thúc tham vọng đua chạy theo Apple, và họ đang tăng gấp đôi sức mạnh cốt lõi của họ: đó là doanh thu định kỳ gắn liền với quảng cáo và dịch vụ".

Dường như ngay cả Apple cũng đang tập trung vào dịch vụ khi đưa ra bản cập nhật App Store lớn nhất đầu tiên sau nhiều năm.

Phần cứng đang "chết"

Niềm đam mê với phần cứng đang suy giảm dần tại Silicon Valley. Cybart nói rằng "Việc Google tập trung vào phần cứng đã chẳng mang lại gì ngoài một sự thất bại hoàn toàn", với việc Motorola được bán cho Lenovo và tương lai của Nest có vẻ u ám khi Tony Fadell - đồng sáng lập Nest Lab - tuyên bố rời khỏi công ty. Fadell từng là ứng viên tiềm năng kế vị chức vụ CEO Google của Larry Page.

Và không chỉ Google. Ông Cybart nói Microsoft "đã cho thấy tham vọng copy Apple và kiểm soát cả phần cứng lẫn phần mềm", song thực tế "phần cứng Microsoft không thu hút được chút chú ý nào của thế giới" và kế hoạch của hãng về "mẫu laptop Surface Book "không đi đến đâu".

Giờ đây, doanh số iPad giảm dần, doanh số iPhone xấu dần, phần cứng dường như là một cuộc chơi tồi tệ. Ngành công nghiệp PC đang trên đà suy thoái, hầu hết các nhà sản xuất smartphone đang vật lộn với tỷ suất lợi nhuận mỏng như dao cạo, thiết bị đeo cũng không chứng tỏ sẽ là "điều lớn lao tiếp theo", và không ai tha thiết mấy với việc đeo bộ tai nghe VR trên đầu.

Mô hình bán lẻ cũng èo uột

Các công ty từng nhắm vào mô hình bán lẻ của Apple cũng đang phải suy nghĩ lại. "Kế hoạch mở rộng bán lẻ của Microsoft đã chẳng dẫn tới điều gì, ngoài việc hãng có nhiều gian hàng bán lẻ trống trơn", Cybart viết, và thêm rằng chiến lược cửa hàng của; Samsung "cũng chẳng tạo chút tiếng vang nào".

Theo ZDnet, thực sự rất khó để nói những lý lẽ, phân tích của Cybart là sai. Bởi vì, việc đốt tiền vào nỗ lực copy theo Apple dường như không phải là quá tệ khi mọi thứ vẫn đang rất "màu hồng" tại trụ sở Cupertino của Apple, song tình trạng của Apple hiện nay đang khiến nhiều người lo ngại.

Điều lớn lao tiếp theo sẽ là gì?

Đây thực sự là câu hỏi mà cả thế giới đang quan tâm. Điều lớn lao tiếp theo sẽ là VR (virtual reality – thực tế ảo) hay AR (augmented reality – tương tác ảo)? Theo Cybart, sẽ "còn lâu hai công nghệ trên mới đạt đến thị trường đại chúng".

Giao diện giọng nói? Vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn phải vượt qua.

Trí tuệ nhân tạo và máy học? Rất khó nói!

Cuối cùng, nếu các bạn độc giả VnReview có ý tưởng gì về việc "điều lớn lao tiếp theo" của thế giới công nghệ, hãy nói ra và các công ty Silicon Valley rất muốn nghe điều đó từ các bạn.

Hoàng Lan

Chủ đề khác