VnReview
Hà Nội

Hướng đi nào cho Apple tại Trung Quốc?

Đại gia công nghệ Apple đang gặp phải một vấn đề không hề nhỏ là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các hãng sản xuất điện thoại thông minh tại Trung Quốc với chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Hay nói cách khác, điện thoại thông minh giá rẻ đang là một nhân tố ngăn cản sự phát triển của Apple tại đất nước tỷ dân.

Đối với Nie Miao, một công dân Bắc Kinh thì việc chi 5.000 nhân dân tệ (khoảng 16,5 triệu đồng) cho một chiếc iPhone 6S của Apple không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.

Đó là bởi thu nhập hàng tháng của Nie Miao là 7.000 nhân dân tệ và phần lớn trong đó đã được sử dụng để chi trả cho căn hộ trả góp ở trung tâm thành phố người này mua năm ngoái. Và anh ta hoàn toàn hài lòng với chiếc điện thoại thông minh có giá 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,6 triệu đồng) của thương hiệu Huawei. Những trường hợp như Nie Miao đại diện cho thách thức lớn mà Apple đang phải đối mặt và gã khổng lồ công nghệ này đã để mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh nội địa ở Trung Quốc.

Đã gần hai năm kể từ khi iPhone 6 ra đời. Cùng thời điểm, các đối thủ như Huawei và Xiaomi đã không ngừng phát triển sản phẩm giá rẻ của mình với các thông số kỹ thuật tương tự, trong khi Apple lại gặp không ít khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng.

Theo Bloomberg, Apple đã chứng kiến sự sụt giảm doanh số bán hàng trong hai quý liên tiếp. Thị trường Trung Quốc tạo ra khoảng một phần tư doanh thu của Apple và sự suy giảm đó "chịu trách nhiệm" phần lớn cho việc giảm doanh thu chưa từng có của "nhà Táo".

Theo nghiên cứu của Kantar Group, Huawei "vượt mặt" Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại có thị phần lớn nhất tại Trung Quốc. Ngoài ra, thị phần của Oppo cũng đã tăng gấp bốn lần, chiếm khoảng 8% trong tổng số thị phần.

Bảng so sánh thông số kỹ thuật và giá smartphone của Apple và hai đối thủ cạnh tranh lớn tại Trung Quốc là Huawei và Oppo

Abhey Lamba, một nhà phân tích tại Mizuho Securities chia sẻ: "Apple đã từng làm rất tốt trong việc chiếm lĩnh thị phần của điện thoại thông minh đắt tiền nhưng dường như thị trường này đã bị thu hẹp nhiều do sự cạnh tranh của các hãng điện thoại giá rẻ có chất lượng tốt".

Lamba cho biết thêm: "Apple bắt đầu bán ra một phiên bản rẻ hơn là iPhone SE từ tháng 3 với mục đích thu hút thêm nhiều khách hàng mới từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc. Cho đến nay, kế hoạch này đã không thành công được như kỳ vọng ban đầu ngay cả khi doanh số bán iPhone SE ở một số nền kinh tế phát triển đã vượt mức dự đoán của chuyên gia".

Apple có thể tăng doanh số bán hàng tại Trung Quốc khi sản phẩm iPhone mới của mình ra mắt trong năm nay và được hỗ trợ bởi sự phổ biến ngày càng tăng của người sử dụng App Store và xu hướng nâng cấp điện thoại sau 2 năm của khách hàng. Đó là lý do tại sao Huawei và Oppo giới thiệu những chiếc flagship của họ hồi đầu năm để có được một khởi đầu tốt hơn Apple.

Sau khi doanh số bán hàng tăng mạnh trong năm ngoái tại Trung Quốc, Apple đã gặt hái được rất nhiều lợi ích từ App Store, đặc biệt là khi Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nguồn "tiêu thụ" lớn nhất các trò chơi điện thoại di động, âm nhạc và nhiều dịch vụ khác.

Một khi khách hàng đã trả tiền để tải về các ứng dụng thì họ có nhiều khả năng sẽ tiếp tục mua phần cứng của Apple để bảo vệ những khoản đã mua của mình. iPhone 6S phát hành vào tháng 9 năm ngoái đã ra mắt hơi sớm sau bản iPhone 6 ra đời năm 2014 để khuyến khích việc nâng cấp.

Nhà phân tích Lauren Guenveur cho biết: "Ở Trung Quốc, chu kỳ nâng cấp điện thoại là khoảng 2 năm. Họ có thể sẽ nâng cấp lên iPhone 7, điều mà họ đã không làm với iPhone 6S và 6S Plus".

Tuy nhiên chi phí "lên đời" điện thoại cũng là một vấn đề. Trong khi một chiếc iPhone 6S 16GB có giá 5.288 nhân dân tệ (khoảng 17,4 triệu đồng) thì siêu phẩm Huawei P9 chỉ có giá 3.688 nhân dân tệ (khoảng 12,1 triệu đồng) với 64GB dung lượng lưu trữ, máy ảnh trước và sau cũng như máy quét dấu vân tay.

"Huawei P9 có thể khá "xịn" so với những dòng điện thoại thông minh khác nhưng so với iPhone, nó lại có mức giá thấp hơn tương đối. Bên cạnh đó, việc sở hữu và sử dụng một chiếc điện thoại "Made in China" cũng là một điều đáng tự hào với nhiều người dân Trung Quốc".

Thị trường điện thoại thông minh đã thay đổi một cách cơ bản kể từ khi iPhone được giới thiệu lần đầu vào năm 2007. Trước đây, Apple vẫn quảng bá điện thoại của mình như một phụ kiện không thể thiếu của phong cách sống hiện đại, nhưng giờ đây, khi điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới, người dùng đang tập trung nhiều hơn vào những tính năng của điện thoại nhiều hơn là thương hiệu.

John Butler, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết: "Khi nhìn vào điện thoại của Huawei hay Xiaomi, người ta có thể thốt lên rằng: "Wow! Chúng thực sự rất tốt". Những sản phẩm này có tuổi thọ pin cao, màn hình sắc nét và nhiều tính năng tuyệt vời khác".

Trong giai đoạn 2013 – 2015, Apple đã tăng gấp đôi doanh thu tại Trung Quốc (59 tỷ USD), đồng thời số lượng cửa hàng đã tăng từ 21 lên 35 tính đến hết tháng 3/2016 và "nhà Táo" đang có kế hoạch mở thêm 5 cửa hàng nữa vào cuối tháng 6. Ngoài ra, công ty này đã có những nỗ lực để duy trì quan hệ tốt với chính phủ Trung Quốc trong đó có sự kiện đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing – ứng dụng taxi lớn nhất của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua.

Tuy vậy, doanh số tại Trung Quốc bao gồm đại lục, khu vực Đài Loan và Hồng Kông đã giảm 26% trong quý II của năm tài chính, chiếm một phần lớn trong tổng số 13% sụt giảm doanh số bán hàng của Apple.

Nicole Peng, một nhà phân tích của Canalys ở Thượng Hải nhận định: "Apple đang kỳ vọng mức tăng trưởng có thể đến từ việc mở rộng phân khúc tầm trung nhưng dường như những người thuộc tầng lớp trung lưu đang có xu hướng lựa chọn các thương hiệu điện thoại nội địa. Ngoài ra, các hãng này đang chiếm thị phần không hề nhỏ trong phân khúc mà Apple nhắm tới. Họ thậm chí còn có khả năng giành cả thị trường của Apple trong tương lai".

Một vấn đề khác mà Apple cần lưu ý là hệ điều hành iOS. Nó được đánh giá là "khá cứng nhắc và ít dấu ấn cá nhân" khi so sánh với Android của Google. Chính điều này đã khiến việc thu hút người tiêu dùng "thất thường" tại Trung Quốc của "nhà Táo" trở nên khó khăn.

Zhang Bin, một kỹ thuật viên máy tính 32 tuổi đến từ Bắc Kinh chia sẻ: "Tôi muốn điện thoại của mình linh hoạt hơn và có thể tùy chỉnh phông chữ cũng như giao diện. Đây là điều mà Apple không làm được".

Apple cũng đã phải đối mặt với sức ép pháp lý tại Trung Quốc và đã buộc phải đóng cửa iTunes và iBooks vào tháng 4, sáu tháng kể từ khi những dịch vụ này được phép hoạt động. Gần đây, "nhà táo" cũng phải đối mặt với một vụ kiện liên quan đến vấn đề bản quyền với một công ty đối thủ không mấy tên tuổi của Trung Quốc.

Một cách tổng quát, Apple sẽ còn phải làm rất nhiều điều để có thể tìm lại "thời hoàng kim" và tiếp tục phát triển trên toàn cầu cũng như tại thị trường có tính cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt như Trung Quốc.

Huyền Thanh

Chủ đề khác