VnReview
Hà Nội

Vì sao doanh nghiệp nội dung số lo ngay ngáy trên “sân nhà”?

Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam khi cung cấp dịch vụ nội dung trên Internet phải xin phép cơ quan chức năng, nếu không thậm chí còn có thể bị khởi tố hình sự thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nội dung rất phổ biến ở thị trường trong nước không hề bị quản lý.

Hệ thống quản lý việc cung cấp thông tin trên Internet khá chặt chẽ, tuy nhiên chưa thực sự tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng

Các chuyên gia cho rằng, Luật Công nghệ thông tin đã quy định nội dung số là một ngành công nghiệp. Đồng thời, với đặc thù Việt Nam, các sản phẩm nội dung số thường bị kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, kịch bản, hình ảnh... Trong khi đó, một đặc điểm khách quan của các sản phẩm nội dung số đó là: Các yếu tố giải trí, câu khách luôn tồn tại trong đa số các sản phẩm nội dung số. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, các sản phẩm nội dung số mang tính giải trí cao là những sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Các công ty lớn nhất thị trường nội dung số trong nước đều là các công ty game như; VNG, Garena... quy mô doanh thu của các công ty này lớn gấp nhiều lần so với các công ty nội dung số giáo dục. Hoặc không khó có thể nhận ra, các ứng dụng mạng xã hội, game mobile, hay các ứng dụng giải trí khác luôn có lượt tải gấp hàng chục, hàng trăm lần so với các ứng dụng thông thường. Điều này xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của con người đó là nhu cầu giải trí, và đặc điểm con người tò mò với những thông tin mang tính "tiêu cực" hơn là những thông tin "tích cực".

Thực tế khách quan đó đã đặt ra cho bài toán khó cho cơ quan nhà nước, đó là phải có sự cân bằng giữa yếu tố phát triển "công nghiệp" và yếu tố quản lý "nội dung" trong quản lý công nghiệp nội dung số. Nếu đã coi đây là ngành công nghiệp, chúng ta cần chấp nhận những ưu nhược điểm của nó và cần sự thông thoáng, cần hỗ trợ để phát triển. Trong khi đó, với đặc thù của nền chính trị nước ta, các sản phẩm "nội dung" cần phải kiểm soát chặt chẽ và điều này ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của ngành mà game trực tuyến là một ví dụ điển hình.

Các chuyên gia cho rằng, ở Việt Nam hiện có hệ thống quản lý việc cung cấp thông tin trên Internet khá chặt chẽ, tuy nhiên chưa thực sự tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam khi cung cấp dịch vụ nội dung trên Internet phải xin phép cơ quan chức năng, nếu không thậm chí còn có thể bị khởi tố hình sự. Trong khi đó, thông qua Internet nhiều doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nội dung rất phổ biến ở thị trường trong nước không hề bị quản lý.

Các chuyên gia khẳng định, đối tượng bị ảnh hưởng nhất ở đây là các doanh nghiệp siêu nhỏ, các lập trình viên tự do đang viết ứng dụng di động. Với sự tiến bộ của công nghệ, các đối tượng này chỉ cần viết phần mềm, gắn quảng cáo và đưa lên các chợ nội dung là có thể có doanh thu. Điều này đã mở ra cả một ngành kinh tế rất phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Tuy nhiên với chính sách hiện tại, để quản lý các đối tượng này cơ quan quản lý nhà nước có thể phải cấp hàng trăm nghìn giấy phép cung cấp nội dung, điều này hoàn toàn không khả thi về mặt quản lý nhà nước. Trong khi đó, nếu không quy định rõ ràng sẽ dẫn đến việc cả một ngành kinh tế có thể bị triệt tiêu.

Theo ICTnews

Chủ đề khác